Sáng nay (30/1) tại đồi Phú Bùng, Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ, phát động Tết trồng cây.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Xuân đón Tết.
Phó Chủ tịch nước phát động lễ trồng cây. (Ảnh: Nhân dân) |
Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai bão lũ. Tác động cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng đang đe dọa cuộc sống của con người trên trái đất, trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những vấn đề có tính giải pháp cốt lõi cho phát triển bền vững đã và đang đặt ra ngày càng cấp bách, đó không còn là công việc của một quốc gia mà là những vấn đề cấp bách của thời đại của toàn cầu. Phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và điều đó đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định việc trồng cây trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
"Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào đồng chí, các cháu thanh niên thiếu nhi cả nước trong những ngày vui Tết đón Xuân Canh Tý năm 2020 hãy hăng hái tham gia trồng cây trồng rừng. Mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây. Đặc biệt chú trọng trồng cây phù hợp với điều kiện và thời vụ trồng rừng của từng nơi, ở các vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo vùng đất trống đồi trọc. Đồng thời cũng phải ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng khai thác rừng trái phép và làm tốt điều này chính là hành động cụ thể thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ rừng là Vàng. Nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý", Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Năm 2019, cả nước đã trồng được hơn 239.000 ha rừng tập trung; 63,5 triệu cây phân tán góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng 30 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng cả nước đạt gần 42%; Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại; khai thông thị trường quốc tế, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 11 tỷ USD, trong đó xuất siêu 8,6 tỷ USD; Thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 2,8 tỷ đồng, là nguồn tài chính quan trọng, bền vững, tăng thu nhập phi lâm sản cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: "Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Lâm nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước bền vững hơn"./.
Minh Long/VOV.VN
https://vov.vn/tin-24h/pho-chu-tich-nuoc-dang-thi-ngoc-thinh-phat-dong-tet-trong-cay-1004512.vov