Lao động khu vực phi chính thức là một trong những nhóm lao động yếu thế trên thị trường lao động do có nhiều nguy cơ rủi ro về việc làm, thu nhập, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản. Nhóm lao động này đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi do không được hệ thống pháp luật về lao động bảo vệ một cách đầy đủ.
Người lao động tại chợ Long Biên (Hà Nội). (Ảnh MỸ HÀ)
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Tình trạng nêu trên dẫn đến nguy cơ “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động.
Các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, có ba nguyên nhân chính khiến người lao động trong khu vực phi chính thức đang không mặn mà với BHXH. Thu nhập thấp, công việc bấp bênh không ổn định, luôn trong tình cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”, cho nên họ không thể nghĩ xa hơn cho tương lai. Việc không bắt buộc tham gia BHXH khiến các đối tượng này không chủ động. Bên cạnh đó, quyền được tiếp nhận thông tin trong việc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cơ bản như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, giờ lao động, chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau... chưa được quan tâm đúng mức.
Anh Phí Duy Phong làm thợ sản xuất đồ gỗ nội thất tự do ở làng nghề xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội hàng chục năm nhưng chưa từng tham gia một loại bảo hiểm nào. Anh Phong cho biết, công việc lúc có, lúc không, thu nhập không ổn định là lý do chính, một phần cũng chưa thấy lợi ích rõ ràng của loại hình bảo hiểm này. Anh Phong chỉ là một thí dụ điển hình cho hàng nghìn lao động tự do làm thuê theo thỏa thuận bằng miệng, hoặc thuê khoán ngày công từ hàng trăm hộ gia đình sản xuất đồ gỗ nội thất tại xã Chàng Sơn.
Thậm chí, như tại Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại Hải Dương (Hà Nội) chuyên sản xuất nước đá giải khát sạch, Giám đốc công ty Phạm Quang Hải cho biết: “Khi chúng tôi ngỏ ý mua BHXH cho công nhân thì họ không đồng ý, bởi sợ bị trừ vào lương. Hơn nữa, do việc làm thời vụ, công việc giản đơn, khi hết việc lại xin đi làm chỗ khác khiến người lao động có tâm lý không mặn mà, gắn bó lâu dài và không cần ký hợp đồng lao động, càng chẳng có nhu cầu mua bảo hiểm, nhất là BHXH”.
Người lao động tại các cơ sở sản xuất ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). (Ảnh MỸ HÀ) |
Theo Ban quản lý chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ có 2.200 hộ thường xuyên làm ăn, kinh doanh, lứa tuổi 60-70 chiếm hơn 70%. Bà Chử Thị Ánh Tuyết, tiểu thương tại chợ ngơ ngác khi được hỏi có tham gia BHXH hay bảo hiểm tự nguyện không và nói: “Chúng tôi quanh năm buôn bán ở chợ, không để ý đâu, cứ nghĩ mấy thứ bảo hiểm đó chỉ có người đi làm nhà nước hoặc công nhân mới cần mua. Thấy chị em rủ nhau mua bảo hiểm y tế để phòng khi ốm đau thì tôi mua theo thôi”. Còn tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có vài trăm lao động giúp việc cho các quầy hàng buôn bán hoa quả. Đặc điểm của số lao động này là trẻ, nhanh nhẹn, tuy nhiên hầu hết có hoàn cảnh khó khăn mới phải đi phụ việc làm thuê, trang trải cuộc sống nên việc mua BHXH là thứ xa vời, chưa từng nghĩ đến.
Có thể thấy, lao động thời vụ, giản đơn chỉ có nhu cầu kiếm tiền với mong muốn trang trải cuộc sống trước mắt, nhưng họ không lường trước được, khi gặp rủi ro, họ sẽ không có chính sách nào bảo vệ.
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH xác định mục tiêu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện phải chiếm 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Dự thảo Luật Bảo hiểm (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội bám sát 5 định hướng đã được thông qua, đó là: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Một trong những giải pháp nhằm mở rộng độ bao phủ lưới an sinh xã hội được nhiều ý kiến đề xuất là bắt buộc lao động phi chính thức phải tham gia BHXH. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này rất khó thực hiện bởi thu nhập lao động tự do thấp, trong khi Nhà nước lại không có đủ nguồn lực để hỗ trợ đóng cho đối tượng lao động này.
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Phạm Thị Thu Lan cho rằng, cần phải nghiên cứu và sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật, thay vì theo hướng hai nhóm đối tượng lao động khu vực chính thức và phi chính thức như hiện nay thì cần thiết kế lại hệ thống chính sách theo hướng bình đẳng và bao trùm đối với tất cả người lao động. Thí dụ đối với BHXH, mọi lao động tham gia thị trường lao động đều được bảo đảm các quyền lợi như nhau, trên nguyên tắc đóng-hưởng, đóng như thế nào, hưởng như thế ấy.
Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết: Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tất cả người lao động phải được quyền tham gia và thụ hưởng các chính sách về BHXH. Định hướng của chúng ta là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân.
Thực tế hiện nay, số lượng đối tượng tham gia BHXH rất thấp, đặc biệt ở khu vực phi chính thức. Để lao động phi chính thức không bị “lọt lưới an sinh”, cần xóa bỏ dần khoảng cách giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức bằng cách thay đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động phi chính thức chuyển sang khu vực lao động có quan hệ lao động thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc; có chính sách mở rộng chính sách BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng tạo điều kiện thu hút lao động tham gia.
Bên cạnh đó, ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, cần tổ chức chính sách BHXH theo hướng tạo sự liên thông, liên kết giữa các chính sách của BHXH, cũng như giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, để đối tượng lao động từ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện khi chuyển dịch sang khu vực có quan hệ lao động sẽ được tham gia BHXH bắt buộc một cách thuận tiện, hấp dẫn; xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp có hành vi trốn, chậm đóng BHXH ảnh hưởng quyền lợi của người lao động.
Nhấn mạnh vai trò truyền thông chính sách về BHXH, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam) Đinh Thị Thu Hiền lại cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và bản thân cơ quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền để những người tham gia BHXH nắm bắt được đầy đủ quyền lợi của mình khi tham gia, từ đó chủ động, tự nguyện lo cho tương lai của bản thân cũng như người thân.
Việc truyền thông về dự thảo Luật Bảo hiểm (sửa đổi) mà Chính phủ đang trình Quốc hội với nhiều chính sách mới, quyền lợi mới cần được chú trọng đẩy mạnh, để người lao động khu vực phi chính thức biết đến, tích cực tham gia và chủ động ở lại trong hệ thống một cách bền vững.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/giam-nguy-co-lot-luoi-an-sinh-post812728.html