Hiệu trưởng mừng vì được thu điện thoại của học sinh một cách hợp pháp

Thứ 6, 18.10.2024 | 08:26:38
429 lượt xem

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho biết ông mừng vì việc thu điện thoại của học sinh trong giờ học đã trở nên "hợp pháp" sau văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thu điện thoại của học sinh từ lúc chưa có quy định

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, hiệu trưởng một trường THPT cho biết ông đã cho các giáo viên thực hiện việc thu điện thoại của học sinh trước mỗi tiết học từ năm học 2022-2023.

"Nhưng thú thực, nhà trường làm vì học sinh, vì chất lượng dạy và học, chứ khi đó chưa có quy định cụ thể cho phép các giáo viên được làm thế", vị hiệu trưởng nói.

Tại trường ông, học sinh phải mang điện thoại lên bàn giáo viên vào đầu mỗi tiết học và được lấy lại sau khi tiết học kết thúc. Những học sinh dùng điện thoại trong giờ học mà không có sự cho phép của giáo viên sẽ bị hạ hạnh kiểm.

Hiệu trưởng mừng vì được thu điện thoại của học sinh một cách hợp pháp - 1

Từ năm học 2024-2025, các trường học ở Hà Nội sẽ được quản lý điện thoại của học sinh trong giờ học (Ảnh: Hải Long).

Giáo viên của trường được phép thu giữ điện thoại của học sinh tại thời điểm phát hiện học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Thời gian thu giữ tối đa là 2 tuần. Điều này đã được nhà trường thống nhất với phụ huynh thông qua các cuộc họp đầu năm.

Trường hợp phụ huynh không đồng ý để giáo viên thu giữ điện thoại của học sinh, giáo viên sẽ trả lại cho gia đình và yêu cầu gia đình phải có biện pháp kiểm soát thích hợp.

"Trong 3 năm qua, nhà trường chưa gặp sự phản đối nào từ phụ huynh về nội quy nêu trên. 100% phụ huynh của trường đồng thuận bởi việc này thực sự có lợi cho con cái họ.

Song, nếu căn cứ vào Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có quy định nào cho phép nhà trường, giáo viên thu giữ điện thoại của học sinh, bởi đó là tài sản cá nhân", vị hiệu trưởng chia sẻ.

Tương tự, ông Đinh Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội - xác nhận nhà trường thực hiện thu giữ điện thoại của học sinh trong giờ học từ năm 2020. 

Học sinh phải giao điện thoại cho lớp trưởng từ đầu giờ học. Lớp trưởng bỏ tất cả điện thoại vào 1 chiếc giỏ, mang xuống văn phòng trường cất vào ngăn tủ có khóa của từng lớp. Điện thoại chỉ được trả về cho học sinh vào cuối buổi học.

Điều này có nghĩa, học sinh trường Lạc Long Quân không được cầm điện thoại cả giờ ra chơi.

"Toàn bộ thời gian ở trường, học sinh không được dùng điện thoại. Nhà trường có đường dây nóng trực 24/24 để phụ huynh liên hệ khi có việc cần. Những tình huống khẩn cấp khác liên quan tới học sinh, giáo viên và nhà trường có trách nhiệm gọi điện cho phụ huynh. 

Do đó, việc các em cầm điện thoại là hoàn toàn không cần thiết", ông Dũng nêu quan điểm.

Hiệu trưởng mừng vì được thu điện thoại của học sinh một cách hợp pháp - 2

Học sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, cho đến khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản cho phép các trường tùy theo điều kiện thực tế để quản lý chặt chẽ việc dùng điện thoại của học sinh trong giờ học, ông Dũng mới thở phào vì chính thức được "hợp thức hóa" nội quy.

"Khi các em được dùng điện thoại ở trường, nhiều hệ lụy sẽ nảy sinh. Một là các em dễ mất tập trung trong giờ học. Hai là các em đánh mất sự kết nối với bạn bè và giảm vận động thể chất. Ba là các em có thể bị lôi kéo vào các hành vi xấu như mâu thuẫn, cãi vã trên mạng, dẫn đến bạo lực học đường. 

Bên cạnh đó, các em có thể sử dụng thiết bị ghi hình để lan truyền hình ảnh xấu hoặc hình ảnh bị bóp méo, không đúng bản chất. Đây đều là những việc ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập cũng như sự phát triển nhân cách, đạo đức của học sinh", ông Dũng nhấn mạnh.

Giáo viên tự tin "tuyên chiến" với việc học sinh dùng điện thoại trong lớp

Cô Hoàng Thị Hoa, giáo viên hóa học THPT, chia sẻ: "Lâu nay nhiều giáo viên đã thực hiện thu giữ điện thoại của học sinh trong giờ học nhưng không triệt để. Bởi các thầy các cô không dám mạnh tay".

Tại lớp cô Hoa chủ nhiệm, học sinh phải nộp điện thoại lên bàn giáo viên bộ môn vào đầu mỗi tiết học và được lấy điện thoại về vào giờ ra chơi. Nhưng hiện tượng học sinh trốn không nộp diễn ra rất phổ biến.

Theo khảo sát trên báo Dân trí về ý kiến của độc giả có đồng ý với quy định của Hà Nội siết sử dụng điện thoại của học sinh trong trường học hay không, tính đến sáng 18/10, với hơn 13.600 lượt bình chọn, có tới 91% lượt đồng ý với quy định này, và 9% ý lượt không đồng ý.

Theo lời cô Hoa, có trường hợp giáo viên thu được hơn 10 điện thoại của cả lớp vào đầu tiết 1. Nhưng đến tiết 2, số điện thoại chỉ còn 6.

Giáo viên biết có học sinh trốn không nộp. Song nếu không phát hiện các em dùng điện thoại trong giờ học, giáo viên cũng không thể yêu cầu học sinh giao nộp điện thoại. Bởi không có quy định nào như thế.

"Tuy nhiên, từ nay các giáo viên sẽ tự tin "tuyên chiến" với việc học sinh dùng điện thoại trong lớp. Văn bản của Sở GD&ĐT đã cho phép ban giám hiệu và các giáo viên quản lý điện thoại của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên và gửi lại điện thoại cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. 

Điều này có nghĩa việc thu giữ điện thoại của học sinh trước mỗi giờ học để đảm bảo chất lượng dạy và học là hoàn toàn chính đáng", cô Hoa bày tỏ sự vui mừng với quy định mới.

Cô Hoa cho biết thêm, từ đầu tuần, cô đã đề xuất với phụ huynh biện pháp quản lý "rắn" hơn". Nếu học sinh cố tình không nộp điện thoại, giáo viên sẽ ghi sổ đầu bài, tính điểm hạnh kiểm. 100% phụ huynh của lớp đồng tình với đề xuất này.

Chị Phan Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Những quy định chặt chẽ về việc dùng điện thoại trong lớp học, trường học chỉ có lợi cho học sinh".

Tuy nhiên, theo chị Huyền, để phụ huynh yên tâm hơn trong thời gian con ở trường, các nhà trường cần tăng cường, bổ sung hệ thống thông tin liên lạc với phụ huynh. 

"Các trường tư đang làm điều này rất tốt. Tôi nghĩ trường công cũng có thể làm được qua các app (ứng dụng) học tập. Ví dụ như thông báo điểm danh đầu giờ để phụ huynh biết con mình đang an toàn trên lớp. Trường cũng cần có đường dây nóng để phụ huynh liên hệ khi có việc cần", chị Huyền đề xuất.


Từ cuối tuần trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra văn bản đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng trong trường học; đề nghị học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp.

Theo đó, tùy điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.

Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép.

Năm học 2024- 2025, nhiều quốc gia trên thế giới "tuyên chiến" mạnh mẽ với việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học như: Hà Lan, Hy Lạp, Đan Mạch, Hungary, Anh...

Trước đó, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng từng cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp học.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/hieu-truong-mung-vi-duoc-thu-dien-thoai-cua-hoc-sinh-mot-cach-hop-phap-20241017185520912.htm 

  • Từ khóa