Thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính: Tập trung các giải pháp, tạo kết quả tích cực

Thứ 2, 08.07.2024 | 08:32:35
427 lượt xem

Những năm qua, các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp trên bàn tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả Đề án cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, đã đạt nhiều kết quả tích cực, chất lượng TTHC ngày càng nâng cao, tạo sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính tại Bộ phận

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính tại Bộ phận "một cửa" UBND xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng

Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1495 phê duyệt Đề án cải cách TTHC tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án tập trung vào một số nội dung như: cải cách TTHC theo hướng hiện đại hóa và áp dụng đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.

Nghiêm túc, chủ động triển khai

Việc triển khai đề án nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tạo sự hài lòng đối với cá nhân, tổ chức. Nhận thức rõ vai trò của cải cách TTHC, các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp trên bàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác cải cách TTHC.

Bà Hoàng Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; rà soát, đánh giá TTHC; kiểm tra công tác kiểm soát TTHC bám sát các nội dung về cải cách TTHC đã được phê duyệt tại đề án. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình và tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC gắn với các mục tiêu, yêu cầu của đề án.

Qua theo dõi, kiểm tra, 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. UBND cấp huyện đã kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cấp xã ban hành văn bản triển khai, thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Bà Phạm Ngọc Thủy, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Ngay sau khi tỉnh ban hành đề án, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai; hằng năm ban hành kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC, triển khai thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông; kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC, phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo Đề án cải cách TTHC của tỉnh. Tính đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận của huyện đạt 99,1%, vượt 49,1%; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; niêm yết, công khai đầy đủ 251 TTHC cấp huyện, 106 TTHC cấp xã...

Bên cạnh việc ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị đã bố trí nguồn kinh phí đầy đủ cho công tác cải cách TTHC; lựa chọn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Hiện nay, toàn tỉnh có 265 người. Năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cũng như ý thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCC đầu mối kiểm soát TTHC ngày càng thay đổi rõ rệt và được nâng lên.

Anh Hoàng Văn Tiếp, chuyên viên Văn phòng HĐND&UBND, cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC UBND huyện Chi Lăng cho biết: Hằng năm, tôi đều được tham gia các lớp tập huấn về kiểm soát TTHC do Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện tổ chức. Nắm được chủ trương của tỉnh, chỉ đạo của huyện nên tôi luôn chấp hành tốt nhiệm vụ và kỷ luật lao động, đồng thời, tôi không ngừng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để tham mưu thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC của đơn vị. Trong 3 năm trở lại đây, tôi đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Rà soát, lựa chọn, đề xuất cắt giảm thời hạn đối với các TTHC từ 3 ngày trở lên cũng là một trong những nội dung được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai. Từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 349 TTHC, tỷ lệ cắt giảm mỗi năm đều vượt kế hoạch đề ra (cắt giảm tối thiểu đạt 30% tổng thời hạn giải quyết). Cụ thể năm 2021 đạt 37,03%; năm 2022 đạt 39,2%; năm 2023 đạt 37%; năm 2024 đạt 33,8%. Đặc biệt, toàn tỉnh cũng chú trọng triển khai thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến và đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC lên kho dữ liệu của tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, tập huấn mỗi năm 1 hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức đầu mối kiểm soát TTHC và làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp.

Công chức Bộ phận

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND huyện Văn Quan hướng dẫn người dân tra cứu thông tin TTHC trên bảng niêm yết

Đạt kết quả quan trọng

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và sự nỗ lực, tích cực triển khai của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện đề án, công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.773 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó: cấp tỉnh có 1.416 TTHC, cấp huyện có 251 TTHC, cấp xã có 106 TTHC; 100% TTHC này đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố và phê duyệt quy trình nội bộ, đồng thời được niêm yết, công khai đầy đủ.

Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Văn Quan hiện có 251 TTHC cấp huyện, 106 TTHC cấp xã thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị. Để người dân kịp thời nắm bắt, dễ dàng tra cứu các thông tin về TTHC, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị niêm yết, công khai các TTHC với nhiều hình thức đa dạng như trên bảng đặt tại bộ phận “một cửa”; bằng mã QR-Code; cập nhật, công khai TTHC trên trang thông tin điện tử... Chúng tôi cũng đã chỉ đạo bộ phận “một cửa” các cấp bố trí máy tính kết nối internet để phục vụ người dân đến làm TTHC tra cứu thông tin về TTHC.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận 2.182.152 hồ sơ TTHC; đã giải quyết 2.167.957 hồ sơ, trong đó có 2.164.655 hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn, đạt 99,8%. Mặc dù số lượng hồ sơ phát sinh năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đều tăng. Hầu hết người dân khi đến thực hiện TTHC đều hài lòng và đánh giá cao về sự cải cách trong giải quyết TTHC so với trước đây.

Anh Hoàng Quốc Toản, đường Lê Quý Đôn, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Gần đây tôi có đến bộ phận “một cửa” UBND thành phố để thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai. Tôi thấy quy trình thực hiện giờ nhanh gọn, đều được làm trên máy, cán bộ tại đây hướng dẫn tận tình chu đáo nên tôi không mất thời gian đi lại bổ sung giấy tờ, không phải chờ đợi lâu.

Với sự nghiêm túc, chủ động ngay từ đầu giai đoạn cùng chỉ đạo sát sao của chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, việc triển khai Đề án cải cách TTHC đã đạt được kết quả tích cực, góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng đặt ra của đề án. Hiện còn chưa đầy 1 năm nữa là tổng kết đề án, vì vậy, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nỗ lực, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong đề án, tạo hiệu quả trong công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/thuc-hien-de-an-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-tap-trung-cac-giai-phap-tao-ket-qua-tich-cuc-5014034.html

  • Từ khóa