Sau khi bị hủy bỏ giấy khai sinh, cháu T.H.N. (sắp vào lớp 12 ở Hà Nội) mất tự tin, buồn chán; toàn bộ kế hoạch thi IELTS và SAT phải dừng lại do không có thẻ Căn cước.
Phản ánh với phóng viên Dân trí, bà Đỗ Hồng Diệp (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói con trai mình - cháu T.H.N., sắp vào lớp 12 một trường dân lập tại Hà Nội - đang mất tự tin, buồn chán sau khi giấy khai sinh bị UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi, hủy bỏ.
Bà Đỗ Hồng Diệp trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha).
Con trai bà Diệp không được cấp thẻ Căn cước, dù sắp bước vào năm học lớp 12 quan trọng nhưng vẫn đang "nợ" nhà trường mã số học sinh (chính là 12 số Căn cước).
Bà Diệp lấy chồng người Trung Quốc, có 3 người con, trong đó cháu N. là con cả, sinh ra tại Trung Quốc vào năm 2006. Khi N. được 8 tháng tuổi, tình hình sức khỏe cháu không tốt nên cả gia đình quyết định về Việt Nam sinh sống.
Đến nay, cháu T.H.N. đã 17 năm liên tục học tập, sinh sống tại Việt Nam bằng giấy khai sinh do Sở Tư pháp Hà Nội cấp năm 2008.
"Giấy khai sinh bị thu hồi, hủy bỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con. Con vô cùng mất tự tin, buồn chán vì có cảm giác bị bỏ rơi. Suốt thời gian qua gia đình tôi "ăn không ngon, ngủ không yên" vì chuyện này", bà Diệp chia sẻ.
Toàn bộ kế hoạch thi IELTS và SAT (2 chứng chỉ quốc tế - PV) để dự trù cho việc vào thẳng đại học cũng như du học của cháu T.H.N. bị dừng lại một năm nay do thiếu giấy tờ.
Dù vậy, gia đình cho biết T.H.N. vẫn luôn nỗ lực vươn lên, kết quả học tập ở top đầu của lớp.
"Tôi cũng rất buồn chán và cảm thấy có lỗi với con khi việc học hành của con đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị hủy giấy khai sinh, không có thẻ Căn cước", bà Diệp ngậm ngùi.
Sở Tư pháp Hà Nội cấp Giấy khai sinh cho cháu T.H.N vào năm 2008 và bây giờ thu hồi, hủy bỏ do "có dấu hiệu trái quy định pháp luật" (Ảnh: Thế Kha).
Suốt thời gian qua, người mẹ này tất tả gửi đơn thư, đăng ký gặp lãnh đạo Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa rõ kết quả cuối cùng.
Sau khi ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh của cháu T.H.N., lãnh đạo UBND TP Hà Nội có công văn gửi Bộ Tư Pháp xác nhận cháu "đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định".
Theo bà Trần Thị Lệ Hoa, Phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của cháu T.H.N. (Zhang Hao Ran) thiếu Thẻ thường trú do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp nên Bộ đã đề nghị Hà Nội hướng dẫn bà Đỗ Hồng Diệp hoàn thiện thủ tục.
Với đề nghị xem xét, công nhận kết quả học tập tại Việt Nam của cháu T.H.N., Bộ Tư pháp cũng đã trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Tương lai của con tôi sẽ đi đến đâu khi toàn bộ học bạ, kết quả học tập, bạn bè, người thân, bao hi vọng, hoài bão của con đều ở Việt Nam. Việc quay về Trung Quốc học tập và sinh hoạt là không thể vì ngôn ngữ không thông thạo và kết quả học tập tại Việt Nam không thể được công nhận bên đó", bà Đỗ Hồng Diệp lo lắng khi kết quả giải quyết vụ việc vẫn lơ lửng, chưa rõ ràng.
Bộ Tư pháp đề nghị xử lý trách nhiệm Cháu T.H.N. có cha là công dân Trung Quốc, mẹ là người Việt Nam, được sinh ra tại Trung Quốc và đăng ký khai sinh tại Trung Quốc. Năm 2008, Sở Tư pháp Hà Nội đã cấp giấy khai sinh, thực hiện ghi chú khai sinh cho cháu T.H.N. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) khẳng định việc này không đúng quy định tại Điều 55 Nghị định 158/2005 về đăng ký, quản lý hộ tịch. Cục đã có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp Hà Nội xác minh, tham mưu thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh được cấp trái quy định nêu trên; đề xuất kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với cán bộ liên quan (nếu có). Sở Tư pháp Hà Nội yêu cầu bà Đỗ Hồng Diệp giao nộp lại giấy khai sinh đã được cấp năm 2008 (Ảnh: Thế Kha). Ông Phạm Thanh Cao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, thông báo UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh cấp năm 2008 cho cháu T.H.N. Đến nay, Sở Tư pháp Hà Nội chưa lên tiếng về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan vụ việc hi hữu này. |
Theo dantri.com.vn