Sạt lở đất tại Lộc Bình: Hiểm nguy rình rập

Thứ 5, 19.09.2024 | 00:00:00
366 lượt xem

Thời gian qua trên địa bàn huyện Lộc Bình đã xuất hiện các điểm sạt lở, có nguy cơ cao sạt lở, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Cụ thể, từ tháng 6/2024 trở lại đây, trên địa bàn huyện Lộc Bình xuất hiện 3 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở. 

93 nhân khẩu trong vùng nguy hiểm

Do ảnh hưởng của mưa lớn từ ngày 8/6 đến ngày 9/6, khu vực sườn đồi tại Km27+400 bên trái đường tỉnh 237 thuộc địa phận thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình xuất hiện các vết nứt, hình thành cung trượt đất với phạm vi cung trượt dài khoảng 120 m; chiều dài các vết nứt khoảng 500 m, vết nứt rộng 10-30 cm, tụt xuống dưới 0,2-1m; kkhoảng cách vết nứt đến mép đường từ 20-50 m.

Khu vực phía dưới sườn đồi (cung trượt) có 6 hộ dân với 28 nhân khẩu và 2 hộ bên đường tỉnh 237. Vết nứt gây nguy cơ sạt lở rất cao gây nguy hiểm trực tiếp cho 8 hộ dân tại khu vực trên. Ngày 23/7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1274 Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở sườn đồi tại Km27+400 thôn Còn Chè, xã Tam Gia.

Vị trí sạt lở tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc BìnhVị trí sạt lở tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình

Gần đây nhất, khoảng 6 giờ ngày 8/9, tại khu vực đồi thuộc khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình xuất hiện tình trạng sạt lở đất. Qua kiểm tra thực tế của UBND thị trấn Na Dương, khu vực sạt lở cung trượt có cạnh đáy dài khoảng 150 m, đỉnh cung trượt dài khoảng 41m.

Đến ngày 12/9/2024, cung trượt đã trượt xuống so với vị trí ban đầu khoảng 2m. Tình trạng sạt lở đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến 14 hộ dân với 49 nhân khẩu (hiện có mặt tại địa bàn là 39 nhân khẩu, còn 10 nhân khẩu đang đi học, đi làm) sinh sống tại khu vực dưới chân đồi, trong đó có một số hộ dân bị nứt tường nhà, hỏng công trình phụ...

Điểm sạt lở tại khu vực Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc BìnhĐiểm sạt lở tại khu vực Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình

Cũng do ảnh hưởng của mưa bão, từ tháng 6/2024 đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình còn xuất hiện thêm một điểm sạt lở nguy hiểm tại khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình.

Các điểm sạt lở, nguy cơ cao sạt lở trên địa bàn huyện gây ảnh hưởng trực tiếp đến 29 hộ dân với 93 nhân khẩu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn kéo dài, khu vực thôn Còn Chè, xã Tam Gia lại tiếp tục xuất hiện thêm các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, theo dõi.

Khẩn cấp di dời

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn nhanh chóng triển khai các biện pháp để di dời người và tài sản của người dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Vết nứt lớn xuất hiện tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc BìnhVết nứt lớn xuất hiện tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình

Ông Bùi Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Na Dương cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng sạt lở đất, UBND thị trấn đã huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời yêu cầu, vận động 14 hộ ký cam kết không được ở lại khu vực nguy hiểm. 

Cùng với thị trấn Na Dương, trước tình trạng mưa bão diễn biến phức tạp dẫn tới nguy cơ sạt lở đất rất cao, UBND thị trấn Lộc Bình và xã Tam Gia cũng nhanh chóng huy động lực lượng để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nhanh chóng di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Sau khi thực hiện di dời, các xã, thị trấn đã bố trí lực lượng tổ chức canh gác để theo dõi diễn biến sạt lở, không cho người dân quay trở lại sinh sống tại khu vực nguy hiểm.

Ông Lăng Tuấn Đạt, thôn đội trưởng khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Sau khi hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, các lực lượng ở xã, trong đó có lực lượng dân quân đã tổ chức phân ca trực 24/24 giờ, trong đó mỗi ca 6 tiếng và ban đêm có thêm lực lượng công an, an ninh. Các lực lượng tham gia trực đã thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của cấp trên để quản lý chặt khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như kịp thời phát hiện tình huống phát sinh để kịp thời báo cáo, xử lý khắc phục kịp thời.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại các khu vực sạt lở, người dân đã chấp hành các quy định cũng như cam kết về việc thực hiện di dời tại khu vực sạt lở đất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc phải di chuyển đến ở nhờ nhà khác (trong đó có cả ở nhà người thân và nhà văn hóa khu) trong một thời gian sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hào, người dân sinh sống dưới khu vực sạt lở tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Ngày 8/9/2024, sạt lở đất đã khiến cho khu vực bếp, công trình phụ của gia đình bị hư hỏng, xuất hiện vết nứt. Ngay sau đó, gia đình đã được các lực lượng hỗ trợ di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Đến nay, khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở vẫn được cơ quan chức năng theo dõi, do đó gia đình tôi vẫn chưa chuyển về nhà sinh sống. Mặc dù đã đến ở nhờ nhà người quen song về lâu dài gia đình tôi cũng cảm thấy không thuận tiện và mong muốn các cấp, ngành sớm có giải pháp để khắc phục, từ đó giúp gia đình ổn định cuộc sống.

Mong muốn của ông Hào cũng là mong muốn chung của người dân các khu vực bị sạt lở. Chính vì vậy bên cạnh những giải pháp trước mắt đã và đang được triển khai thực hiện, người dân mong mỏi các cấp, ngành liên quan nhanh chóng có những biện pháp khắc phục, hỗ trợ lâu dài để người dân sớm ổn định cuộc sống.

 Tính hướng lâu dài

Trong 3 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Lộc Bình, hiện nay, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với điểm sạt lở tại thôn Còn Chè, xã Tam Gia. Đồng thời các đơn vị liên quan đã triển khai một số việc như xử lý khắc phục bước đầu như khơi rãnh thoát nước, phủ bạt che chắn...

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp đó chỉ là biện pháp trước mắt, tạm thời, hiện nay UBND huyện Lộc Bình đang triển khai các biện pháp khắc phục ổn định, lâu dài.

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Về mặt lâu dài, đối với điểm nguy cơ cao sạt lở tại thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện đã bố trí vị trí khác để hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa. Hiện nay đơn vị liên quan đang triển khai các bước chuẩn bị để san gạt mặt bằng, tạo địa điểm mới an toàn hơn cho người dân đến làm nhà, sinh sống. Ngoài tạo mặt bằng, UBND huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để có thể lồng ghép, hỗ trợ thêm nguồn lực cho người dân xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Sạt lở đất tại khu 8+10, thị trấn Na Dương gây hư hỏng một số công trình phụ của người dânSạt lở đất tại khu 8+10, thị trấn Na Dương gây hư hỏng một số công trình phụ của người dân

Còn đối với 2 điểm sạt lở nguy hiểm hiện nay tại thị trấn Lộc Bình và thị trấn Na Dương, cơ quan chức năng vẫn đang tìm hướng tháo gỡ. Ông Trịnh Tuấn Đông, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo UBND thị trấn Lộc Bình và thị trấn Na Dương duy trì lực lượng tại các vị trí sạt lở để theo dõi chặt chẽ diễn biến cũng như chưa để bà con quay trở lại sinh sống tại khu vực này. Song song với đó, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ, thực hiện quan trắc khu vực sạt lở.

Hiện nay, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và đơn vị liên quan về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở tại khu 8+10, thị trấn Na Dương và khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình. Về phương án xử lý, đối với điểm sạt lở khu 8+10, thị trấn Na Dương, UBND huyện Lộc Bình đề xuất lập dự án di dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao về rủi ro thiên tai. Đối với điểm sạt lở tại khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, UBND huyện đề xuất phương án xử lý là bạt mái, hạ taluy khu vực sạt lở. 

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Ngay khi nắm được thông tin về tình trạng sạt lở cũng như nguy cơ sạt lở cao tại một số điểm trên địa bàn huyện Lộc Bình, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đến kiểm tra trực tiếp tại các vị trí sạt lở. Từ đó có đánh giá mức độ thiệt hại, mức độ nguy hiểm cũng như việc thực hiện các biện pháp ứng phó trước mắt của cơ sở. Hiện nay, đơn vị tiếp tục phối hợp với UBND huyện Lộc Bình theo dõi, rà soát nắm bắt diễn biến sạt lở đất, từ đó nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục lâu dài để người dân ổn định cuộc sống.

Ngày 18/9/2024, UBND tỉnh đã có công văn số 1343/UBND-KT về việc khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó có nội dung Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phân công tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực nguy cơ cao tiềm ẩn rủi ro thiên tai để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn; có phương án bố trí nơi ở tạm thời cho các hộ gia đình buộc phải di dời để ổn định đời sống.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/loc-binh-voi-noi-lo-sat-lo-dat-5021948.html

  • Từ khóa