TS.KTS Phạm Anh Tuấn đánh giá, việc trồng cây xanh của Hà Nội thường làm theo đợt, theo chủng loại hoặc theo xu thế, trồng đồng loạt trên tất cả các tuyến chứ không có kịch bản và thực hiện bài bản.
Sau khi bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) càn quét đã khiến khoảng 40.000 cây xanh ở Hà Nội gãy đổ, chủ yếu ở các khu vực trung tâm của thành phố.
Trong đó cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp) là hơn 13.600 cây bị gãy đổ. Còn cây xanh do quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị bị gãy đổ là hơn 26.300 cây.
Hà Nội cần trồng cây thử nghiệm trước khi trồng đại trà
Những ngày qua, trên nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội, lực lượng chức năng cùng nhiều máy móc, xe vận chuyển đang được huy động để dọn dẹp, trả lại cảnh quan và không gian di chuyển cho người dân.
Việc trồng lại cây xanh của Hà Nội đang là vấn đề vô cùng cấp thiết, được nhiều người dân quan tâm.
Về vấn đề này, TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đã tạo được hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học về cây xanh nhưng việc bố trí trên từng tuyến đường phố chưa được coi trọng.
TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông Anh Tuấn đánh giá, việc trồng cây xanh của Hà Nội thường làm theo đợt, theo chủng loại hoặc theo xu thế, trồng đồng loạt trên tất cả các tuyến chứ không có kịch bản và thực hiện một cách bài bản.
Năm 2011, Hà Nội đã có quy hoạch đất trồng cây xanh trong đô thị nhưng chưa thực sự là quy hoạch cây xanh nên chiến lược hay kịch bản để tạo ra cây xanh đô thị có bản sắc, chất lượng là chưa có.
Hà Nội cũng có những giải pháp để tìm ra loại cây mới đưa về trồng nhưng lại đang thiếu những bước trồng thử nghiệm trước khi đưa ra trồng đại trà, dẫn đến việc trồng không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Đối với tương lai, Hà Nội chưa có quy hoạch bài bản về cây xanh đường phố, cây xanh công viên.
Nếu Hà Nội có kịch bản, định hướng cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có câu chuyện về bản sắc sẽ đem lại hiệu quả hơn. Cùng với đó, thành phố cũng cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây phù hợp với không gian đô thị.
Dân quân tự vệ dùng cưa máy dọn dẹp cây gãy đổ trên phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (Ảnh: Ngọc Lưu).
Bỏ những cây không phù hợp
Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp nữa. Do đó, chúng ta cần mạnh dạn lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ những cây không còn phù hợp với kích thước.
Ông Anh Tuấn đưa ra ví dụ những cây trên vỉa hè hẹp, đặc biệt trong khu phố cổ, chúng ta cần truyền thông tốt, từng bước lựa chọn những loài cây phù hợp để thay thế và điều này không chỉ đáp ứng cho cảnh quan mà cả về vấn đề môi trường, an toàn cho người dân.
Đây là những bài toán trong cảnh quan có rất nhiều giải pháp, quan trọng là sự quyết tâm của Hà Nội và việc thực hiện cần có kịch bản bài bản, lộ trình.
"Tôi thấy rằng bài toán kịch bản cho cây xanh cần phải triển khai sớm để đem lại hiệu quả và phát triển cây xanh đô thị bền vững cho TP Hà Nội", vị tiến sĩ nói.
Từ câu chuyện quy hoạch, TS.KTS Phạm Anh Tuấn nhận định ở các thành phố cần có vườn ươm cây xanh. Song tại nước ta gần như chưa có thành phố nào làm được điều này, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc quy hoạch cây xanh.
Đối với cây xanh của Hà Nội bị đổ do bão Yagi, ông Tuấn đánh giá những cây này giống cây trồng mới bị vỡ bầu nên khả năng sống yếu, sức khỏe của cây kém nếu trồng ngay tại chỗ.
Đặc biệt, theo ông việc trồng ngay tại chỗ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nền đất bị ô nhiễm, khí hậu khắc nghiệt, rễ cây bị tổn thương… Do đó, cần đem cây gãy đổ về vườn ươm để ủ, chăm sóc cho cây khỏe lại đến khi cây phát triển tốt mới đem trồng lại.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM dọn dẹp cây xanh bị gãy đổ sau bão Yagi tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).
Ông Tuấn cho rằng, hiện có 2 vấn đề cần phải làm ngay là, rà soát những cây đã gãy, đổ để xem cây nào có khả năng phục hồi, cây nào không thể cứu để điều chỉnh lại cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cần rà soát những cây chưa đổ gãy để đánh giá khả năng phòng, chống của cây khi gặp những sự cố về thiên tai.
"Đây là những việc mà thành phố cần xem xét, cân nhắc, sớm triển khai để đảm bảo an toàn cho người dân và việc này phải phụ thuộc vào từng tuyến phố, loại hình hoạt động", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng lưu ý là việc trồng lại cây trong phố cổ phải tính toán đến kích thước của vỉa hè; tỷ lệ giữa chiều rộng, chiều cao của cây xanh với công trình xung quanh.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho rằng cần có sự vào cuộc của các chuyên gia làm dự án, họ sẽ có kịch bản chọn loài nào cho phù hợp về hình thái, kích thước. Đơn cử tại những vỉa hè hẹp, chúng ta có thể thay thế cây bóng mát bằng những cây dây leo hoặc cây trồng chậu.
"Tùy thuộc vào từng tuyến phố mà chúng ta có kịch bản để đem lại hiệu quả, người dân vẫn thấy màu xanh nhưng cũng tăng được diện tích cây xanh. Khi người dân đồng lòng, chúng ta có thể bổ sung để phát triển", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo dantri.com.vn