Các vị quan trấn thủ, cai quản miền đất Lạng Sơn thời kỳ phong kiến

Thứ 2, 04.11.2024 | 08:27:48
434 lượt xem

Lạng Sơn, miền địa đầu Tổ quốc có vị thế rất quan trọng trong tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc và trong chính sách bang giao với Trung Quốc qua các triều đại phong kiến. Chính vì vậy, các vị quan trấn thủ được cử lên cai quản Xứ Lạng đa phần là những người tài giỏi, trong số đó có nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa nổi tiếng của đất nước. Với lòng trung quân ái quốc, những tháng ngày ở đây, họ đã đem tài năng, tâm huyết của mình để góp phần kiến tạo nên một “lá chắn” Lạng Sơn vững vàng ở nơi “đầu

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) viết: “Đất này ruộng ít, dân thưa, dân tộc thì  người Nùng nhiều, người Thổ ít. Tiền của hơi kém trấn khác nhưng liền với Trung Quốc, gọi là trọng trấn. Việc đón tiếp các sứ đi qua là việc quan trọng, thể diện một nước trọng hay khinh quan hệ ở đó.  Trách nhiệm của người coi giữ trấn này không thể không cẩn thận”. Chính vì vậy, trong suốt quá trình tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam, triều đình thường cử các vị quan tài giỏi, có bản lĩnh và lòng yêu nước, trung thành với vua lên cai quản đất Lạng Sơn. Trong số đó có nhiều người là danh nhân lịch sử, văn hoá của đất nước được nhiều người biết tiếng. Tuỳ theo sự phân cấp hành chính trong từng thời kỳ mà vị trưởng quan được giao cai quản, trấn giữ Lạng Sơn có các tên gọi khác nhau: An phủ sứ, Bố Chính sứ, Trấn thủ, Lưu thủ, Đốc trấn, Đốc phủ, Hiệp trấn, Tuần phủ… 

Quan Đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ tạc trên vách đá động Nhị Thanh (thành phố Lạng Sơn)

Thời Lý, Lạng Sơn thuộc lộ Lạng Châu, đất Lạng Châu được tính từ vùng Chi Lăng – Cổ Lũng (Hữu Lũng) đến Bắc Giang mà trung tâm Giáp Khẩu - Quang Lang (Chi Lăng ngày nay) do các tù trưởng họ Thân cai quản. Các nơi khác của Lạng Sơn vẫn thuộc quyền nắm giữ của các tù trưởng bộ tộc. Đó là các dòng họ Vi, họ Nông, họ Hoàng… Kể từ năm 1019, sau khi vua Lý Thái Tổ đắp xong con đường quan lộ từ Thăng Long đến biên giới Việt – Trung thì Lạng Sơn ngày càng trở nên có vị thế quan trọng về chính trị, quân sự trong tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc đất nước. Vùng đất này trở thành “phên dậu” che chắn cho kinh thành Thăng Long nhưng trung tâm vẫn ở vùng Chi Lăng.

Đầu thời Trần, Lạng Sơn được đổi thành trấn, lỵ sở Lạng Sơn được chuyển về phía Bắc Ôn Châu, thuộc địa phận xã Mai Pha, nay là phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Từ đây, chính quyền phong kiến Việt Nam bắt đầu giao cho quan lại triều đình cai quản vùng đất rộng lớn, quan trọng này. Theo các tư liệu sử hiện biết, năm 1342 Thái phó Trương Hán Siêu (1274-1354) được cử làm Kinh lược sứ Lạng Sơn - một chức quan thay nhà vua cai quản việc dân, binh ở đây. Đến năm 1355, chức này do Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đảm nhiệm. Năm 1365, tướng quân Thiều Thốn (1326-1380) làm Phòng ngự sứ...

Sang thời Lê Sơ (1428-1527), quan Ngự sử Bùi Cầm Hồ (1390-1483) giữ chức An phủ sứ vào năm 1433, sau đó Tể tướng Trịnh Khả làm Tuyên uý đại sứ Lạng Sơn năm 1434. Năm 1437, tướng Lê Lộng (1396-?) được cử làm Tuyên uý; năm 1440, Nguyễn Tông Kiệm giữ chức An phủ sứ; năm 1443, Phan Tử Nghi làm Trấn thủ. Năm 1467, Lê Luyện làm Tổng binh Lạng Sơn; năm 1479, Trần Duy Hinh làm Tham nghị Lạng Sơn...

Tuy tên gọi chức vị mỗi thời kỳ có khác nhau nhưng đều là những người được giao trọng trách cao nhất, đứng đầu Lạng Sơn. Từ thời Lê Trung Hưng (1533-1788), nhiều vị quan đã được giao trấn thủ Lạng Sơn hoặc cử lên làm Đốc trấn như: Hoàng Đình Ái (năm 1558), Nguyễn Đình Kế (năm 1665), Thân Công Tài (năm 1667), Lê Thì Liêu (năm 1687), Đinh Phụng Ích (năm 1721), Mai Thế Chuẩn (năm 1753), Ngô Thì Sĩ (năm 1778). Nguyễn Trọng Đang (năm 1780), Nguyễn Trọng Đường (năm 1787)…

Sang thời Nguyễn có Ngô Thì Vị (con trai Ngô Thì Sĩ) giữ chức Hiệp trấn năm 1814 -1817. Từ sau cải cách hành chính của Minh Mệnh năm 1831, do Lạng Sơn là tỉnh nhỏ, hợp với Cao Bằng thành hạt Lạng - Bình nên theo quan chế lúc đó, một viên quan Tuần phủ được giao coi sóc chung cho cả hạt. Sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) cho biết Tuần phủ đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn là Hoàng Văn Quyền (năm 1831), sau đó là Lê Đạo Quảng (năm 1839), Trần Ngọc Dao (năm 1842)… Do triều đình có tiêu chí bổ nhiệm chức quan này rất chặt chẽ về ngạch, hàm nên họ đều thuộc hàng quan to trong triều.

Trong số đó đa phần đỗ đạt ở thứ hạng cao, một số được phong tiến sĩ, có tên ghi danh trên văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám như Mai Thế Chuẩn (1703-1761), Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Lê Anh Tuấn (1671-1736), Nguyễn Trọng Đang (1724 - 1786), Nguyễn Trọng Đường (1746 - 1811)… Nhiều người được triền đình tin cẩn cử đi sứ Trung Quốc, trở thành những nhà ngoại giao danh tiếng của đất nước như: Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), Bùi Cầm Hồ (1390 - 1483), Lê Anh Tuấn (1671-1736), Ngô Đình Thạc (1678 -1740),…

Lại có những người thuộc các dòng tộc danh tiếng nối nhau lên làm Đốc trấn Lạng Sơn như chú cháu Nguyễn Trọng Đang, Nguyễn Trọng Đường ở Nghệ An; cha con Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Vị ở Tả Thanh Oai (Hà Nội)… Họ đều là những người tài giỏi, được trọng dụng, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều và các địa phương. Nguyễn Trung Ngạn được sử gia Phan Huy Chú đánh giá là một trong 10 danh thần lỗi lạc nhất của nhà Trần. Ngô Thì Sĩ là một trong những nhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị danh tiếng tiêu biểu nhất của nhà Lê…

Với lòng trung quân ái quốc, thời kỳ ở Lạng Sơn họ đã đem hết tài năng, nhiệt huyết của mình để hoàn thành trọng trách được giao. Họ đã đề ra nhiều sách lược để giữ vững biên cương, phát triển kinh tế, văn hoá ở miền đất vốn được coi là xa xôi, gian khó. Đồng thời duy trì chính sách “bang giao hữu hảo” với Trung Quốc để thúc đẩy giao thương, chống xâm lấn, giữ vững chủ quyền đất nước; chăm lo ổn định đời sống của Nhân dân, trấn át giặc phỉ, giặc cướp đem lại cuộc sống bình yên của Nhân dân vùng biên giới... Nhiều vị quan đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong các sự kiện lịch sử của Lạng Sơn.

Tiêu biểu là Thân Công Tài mở chợ Kỳ Lừa, tạo nên bảy con đường cuối thế kỷ XVII để nhân dân hai nước Việt – Trung tới làm ăn buôn bán. Từ đó dẫn đến sự ra đời của đô thị Lạng Sơn -  một trong những đô thị trung đại nổi tiếng, phát triển sớm ở vùng biên giới phía Bắc bên cạnh Thăng Long (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam), Vân Đồn (Quảng Ninh)… Năm 1784, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đang cho sửa sang đài Ngưỡng Đức ở cửa Nam Quan từ tranh tre, nứa lá thành kiến trúc gạch ngói làm chỗ dừng nghỉ khang trang hơn cho sứ bộ, được sử sách ghi lại. Năm 1756 - 1758 và 1832, Đốc trấn Mai Thế Chuẩn, Tuần phủ Hoàng Văn Quyền tu bổ Đoàn Thành nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, để nơi đây xứng tầm một trung tâm hành chính ở miền biên giới cửa ngõ đất nước. Tại khu chợ Kỳ Lừa ở trấn lỵ, năm 1724, Đốc trấn Đinh Phụng Ích cho xây cầu đá lớn qua suối Lao Ly để thuận tiện cho Nhân dân đi lại. Thời kỳ 1777-1780, Ngô Thì Sĩ phát hiện, tôn tạo những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Lạng Sơn như: Động Nhị Thanh, chùa Tam Giáo, động Chùa Tiên (thành phố Lạng Sơn), đình Kinh Lược (huyện Chi Lăng)…

Dưới các triều đại phong kiến, mỗi bước đường phát triển của Lạng Sơn luôn gắn với hình ảnh của các vị quan trấn thủ tài năng, đức độ và tràn đầy nhiệt huyết. Họ đã đem đến cho Lạng Sơn những diện mạo mới mẻ, những đổi thay đáng kể cùng những bước tiến vững vàng, ngày càng khẳng định vị thế trọng yếu của Lạng Sơn ở nơi tuyến đầu  đất nước. Tên tuổi của họ không chỉ sáng ngời trong sử sách mà còn mãi lưu danh nơi đây như một sự khắc ghi công lao của các bậc tiền nhân đã có công xây đắp, làm nên truyền thống lịch sử văn hoá vẻ vang ở miền đất biên cương địa đầu Tổ quốc.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/cac-vi-quan-tran-thu-cai-quan-mien-dat-lang-son-thoi-ky-phong-kien-5025731.html

  • Từ khóa