Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ

Thứ 3, 05.11.2024 | 08:21:36
414 lượt xem

Xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng xưa kia thuộc tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên. Đây là quê hương của đồng chí Hoàng Văn Thụ - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những năm qua, phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Hoàng Văn Thụ đã và đang chung sức, đồng lòng, đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương từng bước phát triển.

Xã Hoàng Văn Thụ Nằm ở phía Đông Nam huyện Văn Lãng, là trung tâm của cụm xã Tân Mỹ - Hồng Thái- Hoàng Văn Thụ - Nhạc Kỳ. Xã có đường giao thông thuận lợi, có chợ phiên; đất đai màu mỡ, người dân sinh sống khá tập trung, thuận lợi cho lao động sản xuất và phát triển kinh tế.

Vùng đất truyền thống cách mạng

Những ngày thu cuối tháng 10/2024, chúng tôi về thăm quê hương của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Con đường vào xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng tuy không rộng, nhiều dốc và khá quanh co nhưng đã được trải nhựa nên thuận tiện cho việc di chuyển. Đến đây, chúng tôi có thể thấy rõ không khí rộn ràng của người dân trên địa bàn xã, đặc biệt là người dân thôn Nhân Hòa, từ người cao tuổi đến các em thiếu niên, ai nấy đều hồ hởi cùng nhau chỉnh trang các công trình thuộc khu lưu niệm, nhà sàn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, trang trí cờ hoa để chuẩn bị cho kỷ niệm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Tại đây, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng người dân thôn Nhân Hòa. Là một trong những người cao tuổi nhất còn nhớ những câu chuyện về đồng chí Hoàng Văn Thụ, bà Hoàng Thị Slèng (85 tuổi), thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ nhớ lại: Ngày ấy tôi còn bé lắm, sang nhà ông bà (Bố mẹ đồng chí Hoàng Văn Thụ) chơi đã được nghe kể nhiều câu chuyện về chú Thụ (đồng chí Hoàng Văn Thụ). Để giữ bí mật trong quá trình chú Thụ đi làm cách mạng, mỗi khi có ai hỏi ông bà đều bảo con đã lớn nên đi đâu, làm gì gia đình không biết. Đặc biệt, tôi còn nhớ ở nhà bác Hoàng Thị Khai (chị gái đồng chí Hoàng Văn Thụ), bên dưới sàn có một khoảng trống đủ 1 người nằm, được ngụy trang kỹ bằng nồi niêu đặt bên trên. Là trẻ nhỏ, lại tò mò và cũng là người thân thiết với gia đình nên tôi phát hiện ra nơi này, khi hỏi bác Khai, bác nhắc tôi nhất định phải giữ bí mật. Sau này lớn lên, tôi biết rằng, đó là nơi trú ẩn của chú Thụ mỗi lần về nhà. Rồi mỗi lần đi làm cách mạng, chú Thụ đều được các ông ké trong làng hoặc những người am hiểu địa bàn (ông Hoàng Viết Liêm, ông Hà Slám Tạt…) đưa đi vào ban đêm, đi bằng đường rừng và đóng giả khi thì là người mua – bán trâu, khi thì mặc quần áo rách làm người đói ăn… để che mắt quân địch.

Học sinh trên địa bàn xã nghe người cao tuổi kể lại những câu chuyện về đồng chí Hoàng Văn Thụ

Qua những mẩu chuyện được bà Slèng cũng như những người dân trên địa bàn kể lại, chúng tôi càng thêm hiểu về những ngày khó khăn gian khổ, hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại quê nhà, sự bao bọc của những người dân nơi đây. Chính người thân và người dân quê hương đã góp phần giúp cho đồng chí Hoàng Văn Thụ vững bước trên con đường cách mạng.

Xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, những năm qua, Nhân dân các dân tộc xã Hoàng Văn Thụ luôn tự hào, nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương.

Ông Nông Văn Nguyễn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Xã Hoàng Văn Thụ hiện có 10 thôn, gần 700 hộ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể Nhân dân thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhân dân các dân tộc xã Hoàng Văn Thụ chung sức, đồng lòng, hăng say lao động sản xuất. Năm 2015, xã Hoàng Văn Thụ là xã đầu tiên của huyện Văn Lãng đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2021, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thôn Nhân Hòa (nơi sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ) hiện nay đã đạt khu dân cư kiểu mẫu.

Cùng đó, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xã từng bước phát triển; an ninh, chính trị trên địa bàn luôn được giữ vững, đời sống người dân ngày càng được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm từ 5,9% (năm 2022) xuống còn 3,5% (năm 2024).

Để có được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, mỗi người dân trên địa bàn xã cũng không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Anh Bế Văn Toàn, thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Là người con sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, tôi rất tự hào và luôn mong muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương. Hiện nay, tôi là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp của xã, tôi đang kinh doanh các dịch vụ điện nước phục vụ cho người dân trong xã và một số xã lân cận. Thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng mô hình kinh doanh để phát triển kinh tế cho gia đình cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của xã nhà.

Học sinh trên địa bàn xã thăm căn bếp trong khuôn viên nhà sàn đồng chí Hoàng Văn Thụ

Từ sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự vào cuộc của chính quyền và sự chung tay của người dân, xã Hoàng Văn Thụ đã và đang đổi mới từng ngày, thể hiện rõ hào khí của quê hương cách mạng. Phấn khởi hơn nữa khi vừa qua, theo Quyết định số 495 ngày 11/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thuộc tỉnh Lạng Sơn, xã Hoàng Văn Thụ là một trong 3 xã trên địa bàn huyện Văn Lãng được công nhận là xã An toàn khu. Đây là một trong những động lực để Nhân dân trên địa bàn xã tiếp tục nỗ lực vươn lên, vững tin vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Những ngày này, kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024) là dịp để người dân trên quê hương đồng chí nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Để qua đó, mỗi người chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng công lao của thế hệ đi trước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục sáng tạo, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phát triển ngày càng bền vững.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) trong gia đình dân tộc Tày có truyền thống yêu nước. Cha là Hoàng Khải Lan, mẹ là Hoàng Thị Mùi.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ hoạt động sôi nổi từ thời kỳ thành lập Đảng và thời kỳ Đảng lãnh đạo chuẩn bị lực lượng, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, giành lại nền độc lập dân tộc. Gần 20 năm hoạt động cách mạng, vượt qua gian khổ, hiểm nguy, thử thách khốc liệt trong lao tù đế quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân và hy sinh oanh liệt khi mới 35 tuổi. Sinh thời, đồng chí được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách: Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu; Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn và Liên Tỉnh ủy Cao Bằng – Lạng Sơn, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ... Đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng, người con ưu tú của quê hương Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.


Video: 502851_6919358696943897172_10533601.mp4

Nhân dân hướng về quê hương tri ân đồng chí Hoàng Văn Thụ (clip thực hiện tháng 10/2024 trên nền nhạc bài then Tày "Chứ ơn Chài Thụ" - Biết ơn anh Thụ) 


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/phat-huy-truyen-thong-cach-mang-tren-que-huong-dong-chi-hoang-van-thu-5027012.html

  • Từ khóa