Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Thứ 4, 06.11.2024 | 15:34:38
253 lượt xem

Ngày 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã ký Quyết định số 126/QĐ-BCĐ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Lực lượng vũ trang cùng các đoàn thể chính trị xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, hỗ trợ người dân xây nhà. (Ảnh: KHỞI - GIANG)

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, chế độ làm việc, trách nhiệm của các thành viên, cơ quan thường trực; chế độ thông tin, báo cáo và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo

Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; giải quyết công việc đúng phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm đúng thời hạn, hiệu quả và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, bảo đảm sự thống nhất. Trưởng Ban Chỉ đạo là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định một số nội dung theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.

Ban Chỉ đạo họp phiên toàn thể định kỳ 2 lần/năm (sơ kết 6 tháng và tổng kết năm) do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, ủy quyền). Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập họp đột xuất. Thành phần tham dự họp đột xuất do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, ủy quyền) quyết định.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình triển khai các nhiệm vụ được phân công hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo gửi Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để theo dõi, tổng hợp chung.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan, địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, kết quả triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Đồng thời, định kỳ trước ngày 31 tháng 12, cơ quan này báo cáo tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất làm việc với các Ủy viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực mình phụ trách phối hợp Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan; báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Đối với những vấn đề cần giải quyết ngay nhưng Ban Chỉ đạo chưa tổ chức họp được thì Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo lấy ý kiến bằng văn bản của các ủy viên Ban Chỉ đạo và báo cáo, xin ý kiến quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, qua rà soát, cả nước còn khoảng 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa bảo đảm “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng.

Từ giữa tháng 4/2024, phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên quy mô cả nước” đã được phát động. Hiện nay, chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đang được triển khai.

Mục tiêu đặt ra là trong năm 2025 phải hoàn thành ba nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.

Theo thống kê của các địa phương, ngoài hai nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguồn kinh phí tối thiểu để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhóm đối tượng này là 6.500 tỷ đồng. 


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/ban-hanh-quy-che-hoat-dong-cua-ban-chi-dao-trung-uong-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-tren-pham-vi-ca-nuoc-post843058.html#843058|zone-highlight-1211|0

  • Từ khóa