Đánh thức tiềm năng du lịch địa chất

Thứ 3, 17.12.2024 | 15:17:06
90 lượt xem

Theo tiêu chí của UNESCO và mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, du lịch địa chất được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc để phát triển CVĐC. Đối với tỉnh Lạng Sơn, khi bắt tay vào xây dựng thành công mô hình CVĐC toàn cầu Lạng Sơn, việc phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ là một nhiệm vụ tất yếu trong chiến lược phát triển địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đoàn chuyên gia UNESSCO khảo sát tại Hang Gió, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng

Đoàn chuyên gia UNESSCO khảo sát tại Hang Gió, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng

Du lịch địa chất là một loại hình du lịch cung cấp cho khách tham quan những thông tin, kiến thức và hiểu biết về giá trị đặc trưng địa chất, địa mạo, địa lý của một địa điểm gắn với bảo vệ và phát triển bền vững với môi trường, di sản, thẩm mỹ, văn hóa của cộng đồng... qua đó giúp du khách hiểu biết các giá trị hữu hình và vô hình, từ đó trân trọng và chung sức bảo vệ, giữ gìn những danh lam thắng cảnh. Sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và địa chất là tiềm năng lớn cho việc mở rộng du lịch địa chất tại vùng CVĐC Lạng Sơn. Du lịch địa chất sẽ tạo ra sự kích thích đáng kể góp phần đẩy mạnh nền kinh tế của vùng CVĐC Lạng Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung cũng như nâng cao nhận thức về khoa học, bảo tồn di sản địa chất của các du khách và cộng đồng địa phương.

Tài nguyên địa chất phong phú

Theo nghiên cứu, vùng CVĐC Lạng Sơn được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn. Các vận động kiến tạo trong khoảng từ 65 đến 23 triệu năm (trước Công nguyên) đã góp phần tạo ra những di sản địa chất và cảnh quan đa dạng như ngày nay.  Bên cạnh đó, địa hình đồi núi trong vùng CVĐC Lạng Sơn chiếm đến 80% diện tích lãnh thổ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, CVĐC Lạng Sơn có địa hình địa mạo và địa chất tự nhiên kỳ vỹ, với khoảng 200 hang động. Cùng đó, những đặc điểm về lịch sử kiến tạo địa chất, cảnh quan trong vùng CVĐC Lạng Sơn được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và các-xtơ (hiện tượng bị phong hoá của núi đá vôi). Giá trị cảnh quan còn biểu hiện ở hệ thống hang động đồ sộ có mật độ dày đặc trong khối núi đá vôi Bắc Sơn. Nhiều hang động kỳ thú là kết quả của các dòng sông chảy ngầm trong quá khứ như Thẩm Khoách, Lắc, hang Dơi cùng rất nhiều hang động chứa di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử rất có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (Bình Gia), di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn), hang Gió (Chi Lăng), hang động Nhị - Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)…    

PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Địa chất - Khoáng sản, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tiềm năng di sản địa chất ở Lạng Sơn khá phong phú, thể hiện qua hệ thống các hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi. Đặc điểm này khá khác biệt so với các cảnh quan ở tỉnh Cao Bằng hay Đồng Văn, tỉnh Hà Giang…

Những tài nguyên kể trên đang là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch vùng CVĐC như: thám hiểm hang động, leo núi thể thao, dù lượn, trekking… Việc chú trọng phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ không gây áp lực cho đầu tư hạ tầng, mà ngược lại giúp tỉnh ta có thời gian quy hoạch lại bài bản chiến lược phát triển du lịch, từng bước xây dựng và mở rộng thị trường du khách tiềm năng, góp phần khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước cũng như thế giới.       

Đặc biệt, với việc chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu, CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn đã chứng minh được các yếu tố đặc trưng về địa chất, địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực để phát triển loại hình du lịch CVĐC. GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - địa chất Hà Nội cho rằng: Ở Lạng Sơn, du lịch địa chất đang có tiềm năng rất lớn. Trong các ngành đào tạo của chúng tôi có ngành du lịch địa chất, vì vậy, trong năm 2024, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn tiến hành khảo sát các điểm trong tuyến du lịch của vùng CVĐC Lạng Sơn, trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng và tổ chức các chương trình thực tập đối với sinh viên ngành du lịch địa chất để tìm hiểu về địa chất, địa mạo cảnh quan, di sản địa chất và phương thức làm du lịch địa chất của Lạng Sơn.  

z6003865015827,4366da8462ce9b57a82f847d46730909,09055216.jpg

Phòng Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp với Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions, Thành viên Hiệp hội Hang động Mỹ tổ chức đoàn khảo sát tại hang Khuôn Bồng, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn

Từng bước phát triển du lịch địa chất

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết: việc xây dựng và phát triển CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phát triển du lịch địa chất là một xu hướng mới và phù hợp với nhiều tiềm năng địa chất hấp dẫn của tỉnh, tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, môi trường…, là giải pháp hiệu quả nhằm góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Ngày 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO. Theo đó, từ sau khi được công nhận đến nay, Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu khả năng hợp tác khai thác hệ thống hang động CVĐC như những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Tiêu biểu, từ tháng 9/2024 đến nay, Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn và các cơn quan, đơn vị liên quan đã tham dự các cuộc họp tại Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, xúc tiến hợp tác tư vấn xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu Việt Nam, Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Sau chuyến công tác, Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với Công ty Việt Nam Expeditions, Thành viên Hiệp hội Hang động Mỹ tổ chức chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn, làm việc và khảo sát một số hang động có tiềm năng phát triển du lịch trong vùng CVĐC Lạng Sơn tại huyện Bắc Sơn và huyện Hữu Lũng vào tháng 11/2024. Trong tháng 12/2024, Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiến hành khảo sát một số hang động tại huyện Lộc Bình và huyện  Bắc Sơn. Tại các chuyến khảo sát, đoàn sẽ lựa chọn một số điểm nổi bật về phong cảnh, văn hóa kết nối với điểm du lịch hang động để ghi lại hình ảnh đẹp, xây dựng video clip du lịch phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá. Qua khảo sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn, từ đó thống nhất, đưa ra định hướng làm cơ sở hợp tác lâu dài, thúc đẩy phát triển du lịch hang động vùng CVĐC Lạng Sơn. Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Expeditions cho biết: Chúng tôi đã có khoảng 2 năm khảo sát tại vùng CVĐC Lạng Sơn và nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch địa chất tại các hang động. Những hang động ở vùng CVĐC Lạng Sơn rất đẹp, còn giữ nguyên vẻ hoang sơ chưa có tác động nhiều bởi con người. Chúng tôi cho rằng việc phối hợp giữa hai bên sẽ tạo ra tua, tuyến có chất lượng đẳng cấp quốc tế, góp phần tăng lượng khách trong nước, đặc biệt là khách quốc tế đến với CVĐC Lạng Sơn tham quan, trải nghiệm.    

Với tiềm năng phong phú, đa dạng, khám phá hang động đang trở thành một nhân tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Xứ Lạng, hứa hẹn bước phát triển đột phá cho du lịch địa phương. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Huyện Hữu Lũng có đặc điểm của vùng núi đá vôi, có di sản địa chất phong phú với khá nhiều hang động đẹp, kỳ vĩ, xen lẫn là các thung lũng, đèo dốc với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Đây là tiềm năng quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch địa chất, hiện nay, Hữu Lũng đã bước đầu phát triển loại hình du lịch thể thao tại xã Yên Thịnh, vừa qua, đoàn khảo sát của Phòng Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát thêm một số hang động mới để đưa vào các tuyến du lịch trải nghiệm như: Hang Nước xã Yên Thịnh; núi Thủng xã Yên Sơn... thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu các giá trị tiêu biểu vùng CVĐC Lạng Sơn cũng như đẩy mạnh tuyên truyền các điểm đến mới nhằm tạo điểm nhấn, thu hút đông du khách tới địa bàn.

Nhờ những giải pháp hiệu quả, du khách đã và đang có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về CVĐC Lạng Sơn. Ông Cayrou Guy Pierre Marie, du khách Pháp chia sẻ: Tôi thấy vô cùng thích thú ngay khi vừa bước ra khỏi xe bởi phong cảnh núi đá vôi thật đẹp, tôi yêu cuộc sống người dân nông thôn nơi đây. Vừa qua, nơi này cũng được công nhận CVĐC toàn cầu, các điểm du lịch đều có các di sản địa chất đặc trưng, các nghề thủ công truyền thống và nhiều di tích tiêu biểu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, cảnh sắc tuyệt vời, đặc biệt, do mới được công nhận nên thời điểm hiện tại các điểm không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ việc quá tải của du lịch cho nên sự bình yên ở đây tạo cho tôi cảm giác vô cùng thoải mái.        

Với những hướng đi đúng đắn cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh; việc phát triển du lịch vùng CVĐC đạt hiệu quả tích cực. Danh tiếng của CVĐC Lạng Sơn ngày càng được đông đảo du khách gần xa biết tới.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/danh-thuc-tiem-nang-phat-trien-du-lich-dia-chat-vung-cong-vien-dia-chat-lang-son-5031679.html

  • Từ khóa