Xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng từ lễ hội hoa đào

Thứ 4, 15.01.2025 | 08:58:40
292 lượt xem

Từ năm 2018 đến nay, cứ mỗi độ tết đến xuân về, lễ hội hoa đào luôn được tỉnh tổ chức như một hoạt động văn hóa thường niên. Không chỉ là dịp để người dân trên địa bàn tỉnh thưởng hoa, đón tết, mà lễ hội còn là sản phẩm văn hóa góp phần thúc đẩy du lịch, quảng bá về vùng đất Lạng Sơn tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa.

8648e3ba5b93e7cdbe82,21405709.jpg

Khai mạc Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng năm 2024

Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2167/QĐ-UBND về việc triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức lễ hội hoa đào Xứ Lạng”. Trong đó, tổ chức lễ hội hoa đào là 1 trong 4 nhóm giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Không gian hoa đào đặc sắc

Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ hội hoa đào hằng năm đều được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú trên các lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch, mang màu sắc, dấu ấn riêng của Lạng Sơn. Qua đó, nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời, quảng bá hình ảnh hoa đào nhằm đưa hình tượng hoa đào trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh.

Các hoạt động chủ yếu trong khuôn khổ lễ hội gồm: trang trí, tạo dựng không gian văn hóa ngày xuân, trong đó chủ thể trung tâm là hoa đào; triển lãm, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá giá trị cây, hoa đào và văn hóa Xứ Lạng; phát động phong trào trồng đào, hoa và cây cảnh có giá trị kinh tế cao; tuyển chọn các vườn đào kiểu mẫu, vườn đào phục vụ khách du lịch tham quan, tôn vinh người trồng đào… Ðặc biệt hơn cả, lễ hội tập trung khai thác giá trị di sản truyền thống quý báu của các dân tộc anh em trong tỉnh, tạo nên bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách như: hội thi hát then, sli, lượn; múa sư tử mèo; trưng bày và giới thiệu không gian sắc màu văn hoá; các hoạt động cộng đồng; trang phục truyền thống, nghề thủ công (chế tác nhạc cụ, thêu, dệt, đan lát...), trò chơi dân gian, dân ca dân vũ...

Một trong những điểm nhấn trong chuỗi các sự kiện của lễ hội hoa đào tạo ấn tượng với du khách đó là “không gian hoa đào” tại khu vực Công viên Chi Lăng. Tại không gian này, hàng trăm cây hoa đào đẹp nhất trên địa bàn tỉnh gồm: đào bạch, đào phai, đào chuông, đào thất thốn… được trưng bày. Những cây hoa đào này chủ yếu được lựa chọn trong quá trình tổ chức cuộc thi vườn đào đẹp, cây đào đẹp.

Không chỉ góp phần tạo không gian hoa đào đặc sắc, qua các năm cuộc thi vườn đào đẹp, cây đào đẹp được tổ chức, một số vườn đào tiêu biểu tại xã Khánh Khê, huyện Văn Quan; xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn; xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng... đã được đầu tư phát triển trở thành những vườn “kiểu mẫu”, phù hợp để tạo dựng và hình thành những vườn đào cảnh quan phục vụ tham quan du lịch và bảo tồn các giống đào đẹp của tỉnh.

Bà Hoàng Thị Hoa, chủ vườn đào tại khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình chia sẻ: "Vườn nhà tôi có diện tích khoảng 8.000 m2 với hơn 1.000 cây đào đủ loại. Năm 2024, gia đình tôi được đại diện cho huyện tham gia cuộc thi vườn đào đẹp và đạt giải ba. Qua cuộc thi này, gia đình có thêm động lực để mở rộng diện tích trồng đào. Năm nay, chúng tôi mở rộng diện tích trồng thêm khoảng 500 m2 với trên 100 gốc đào so với năm trước”.

Qua từng năm, lễ hội hoa đào được tổ chức với nội dung, quy mô phù hợp và có sự đổi mới. Lễ hội thực sự đã trở thành điểm nhấn tiêu biểu, một hoạt động văn hóa quan trọng mỗi dịp tết đến xuân về, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

 Bà Nguyễn Thị Huệ Hiền, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Tôi rất thích vẻ đẹp riêng có của hoa đào Lạng Sơn. Vì thế, 2 năm qua (từ năm 2022), tôi đều sắp xếp thời gian cùng gia đình lên đây vào thời điểm lễ hội hoa đào được tổ chức. Tôi nghĩ rằng, Lạng Sơn gắn phát triển hoa đào với du lịch là rất phù hợp và việc tổ chức lễ hội hoa đào sẽ tạo cơ hội để thu hút du khách biết và đến Lạng Sơn nhiều hơn.

7421a7ae1b87a7d9fe96,21421809.jpg

Khai mạc Hội chợ hoa đào Quảng Lạc lần thứ VII năm 2024

Gắn với phát triển du lịch

Du lịch vườn đào là sản phẩm du lịch đặc trưng được tỉnh khai thác gắn với hoạt động lễ hội hoa đào trong những năm qua. Đến nay, du lịch vườn đào ngày càng phát triển và được đổi mới với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú. Cụ thể, từ 5 vườn đào đẹp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Lộc Bình (năm 2019) được lựa chọn trở thành điểm du lịch, hiện nay, hoạt động du lịch vườn đào đã phát triển và lan tỏa khắp 11 huyện, thành phố.

Để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch vườn đào, bên cạnh việc khuyến khích, động viên và tôn vinh những người trồng đào, chính quyền các huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường quảng bá về hình ảnh hoa đào Lạng Sơn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch kết nối các doanh nghiệp để thu hút du khách thông qua các hội chợ, lễ hội xuân.

Bà Nông Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Các vườn đào trên địa bàn xã tập trung tại các thôn Quảng Hồng, Quảng Trung I, Quảng Trung II. Trung bình mỗi năm, các vườn đào thu hút từ 3.000 đến 5.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm. Để thúc đẩy loại hình du lịch vườn đào, chúng tôi đã tổ chức chương trình hội chợ hoa đào Quảng Lạc được 7 lần vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Bên cạnh sự chủ động từ cơ sở, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã xây dựng các tour du lịch tham quan vườn đào cho du khách, đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh giới thiệu về hoa đào Xứ Lạng trên ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh và các nền tảng mạng xã hội… Nhiều huyện, thành phố cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hoa đào qua nhiều hình thức đa dạng. Cụ thể như thành phố Lạng Sơn in hơn 10.000 tờ rơi, tờ gấp về các tour du lịch vườn đào; tổ chức các lễ hội hoa đào, hội thi vườn hoa đào đẹp cấp huyện (Bắc Sơn, Lộc Bình)...

Những hoạt động trên đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn. Qua 7 năm tổ chức, lượng du khách trong và ngoài nước tới Lạng Sơn dự hội tăng dần theo từng năm. Cụ thể, trong các ngày diễn ra lễ hội hoa đào năm 2024 (từ 26/1 - 9/3/2024), Lạng Sơn đã đón trên 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 10% lần so với cùng kỳ năm 2023, tăng nhiều lần so với mùa lễ hội được tổ chức đầu tiên năm 2018.

Tại Hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển” diễn ra vào tháng 11/2024 vừa qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Lễ hội hoa đào thực sự đã gặt hái được nhiều thành công trong thời gian qua, hội tụ các giá trị văn hóa tiêu biểu giàu bản sắc, nhờ đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Lạng Sơn. Có thể nhận thấy, thông qua việc tổ chức lễ hội hoa đào hằng năm, tỉnh Lạng Sơn đã và đang xây dựng thành công thương hiệu du lịch có sức hấp dẫn, khác biệt so với những nơi khác. Việc tổ chức các lễ hội đặc sắc, mang tầm quốc tế sẽ giúp Lạng Sơn trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch.

Trên đà phát triển, “Lễ hội Hoa Đào năm 2025” sẽ tiếp tục là động lực đẩy nhanh việc xây dựng hình ảnh thương hiệu “Hoa đào Xứ Lạng”, góp phần tạo sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch mùa xuân của Lạng Sơn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/le-hoi-hoa-dao-nang-tam-bieu-tuong-mua-xuan-xu-lang-5034685.html

  • Từ khóa