Nga cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý định kiểm soát Kênh đào Panama, sau khi ông chủ Nhà Trắng nhắc lại kế hoạch này trong diễn văn nhậm chức.
Kênh đào Panama (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi hy vọng trong các cuộc thảo luận dự kiến giữa các nhà lãnh đạo Panama và Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề kiểm soát Kênh đào Panama, vốn nằm trong phạm vi quan hệ song phương của họ, các bên sẽ tôn trọng tình trạng pháp lý quốc tế hiện hành của tuyến đường thủy quan trọng này", ông Alexander Shchetinin, giám đốc Vụ Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố hôm 21/1.
Ông Shchetinin tái khẳng định cam kết của Nga đối với sự trung lập của Kênh đào Panama, một tuyến thương mại quan trọng, đồng thời cho biết Moscow hy vọng cả Mỹ và Panama sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận đó.
"Nga khẳng định nghĩa vụ của mình là tuân thủ sự trung lập vĩnh viễn của Kênh đào Panama, ủng hộ việc giữ cho tuyến đường thủy quốc tế này an toàn và thông thoáng", quan chức Nga nhấn mạnh.
Ông Shchetinin lưu ý rằng theo thỏa thuận, các bên đều "phải bảo vệ kênh đào khỏi mọi mối đe dọa đối với sự trung lập".
"Có một điều khoản bảo lưu rằng quyền của Mỹ trong việc bảo vệ Kênh đào Panama không đồng nghĩa với quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Panama, và bất kỳ hành động nào của phía Mỹ sẽ không bao giờ nhằm vào toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của Panama", ông Shchetinin nói thêm.
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Trump một lần nữa cáo buộc Panama đã vi phạm những lời hứa về việc chuyển giao tuyến đường thủy chiến lược cuối cùng vào năm 1999 và nhượng lại hoạt động của mình cho Trung Quốc.
"Chúng tôi không trao kênh đào Panama cho Trung Quốc. Chúng tôi đã trao cho Panama và chúng tôi sẽ lấy lại nó", Tổng thống Trump tuyên bố.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đã bị đối xử rất tệ từ món quà đáng lẽ không bao giờ nên trao đi này và lời hứa của Panama với chúng tôi đã bị phá vỡ. Mục đích của thỏa thuận và tinh thần hiệp ước của chúng tôi đã bị vi phạm hoàn toàn".
Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời điểm và cách thức ông định làm điều này. Tuy nhiên, trước đó, ông nhấn mạnh không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng quân sự để giành lại kênh đào Panama.
Đáp lại cảnh báo trên, Tổng thống Panama Jose Mulino tuyên bố Panama sẽ chống lại kế hoạch của ông Trump.
"Tôi kịch liệt bác bỏ những điều mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức liên quan đến Panama và kênh đào. Việc quản lý kênh đào sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Panama với sự tôn trọng tính trung lập lâu dài của nó", ông Mulino nói.
Ông Mulino lập luận rằng, Mỹ đã trao quyền kiểm soát kênh đào cho Panama vào năm 1999 "là kết quả của một cuộc đấu tranh thế hệ".
Ông cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế thông qua tuyến đường thủy quan trọng nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. "Chúng tôi sẽ thực hiện quyền tự bảo vệ mình", ông nhấn mạnh.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump nhiều lần lập luận Mỹ nên thiết lập lại quyền kiểm soát kênh đào để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ông cũng cho rằng Panama tính phí quá cao đối với các tàu Mỹ đi qua tuyến đường thủy này.
Được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Washington vào năm 1914, tuyến đường thương mại này đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ kể từ đó. 70% hàng hóa đi qua kênh có nguồn gốc từ hoặc đến nước Mỹ.
Năm 1999, Washington chuyển giao toàn quyền kiểm soát kênh đào cho Panama theo hiệp ước năm 1977 được Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký kết.
Mức phí để đi qua Kênh đào Panama, nơi xử lý khoảng 5% thương mại thế giới, dao động từ 0,5 USD đến 300.000 USD, tùy thuộc vào loại tàu và hàng hóa vận chuyển.
Theo dantri.com.vn