Đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình đặc biệt mang tên «Trải nghiệm Tết truyền thống» nhằm tái hiện và giới thiệu những phong tục, tập quán đặc sắc của Tết cổ truyền dân tộc và Tết của người Mường. Đây là cơ hội để nhân dân, khách du lịch, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội được nhắc nhớ và hiểu hơn về các phong tục của ngày Tết dân tộc.
Các em nhỏ được trải nghiệm gói bánh chưng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Dựng cây nêu đón Tết
Một trong những hoạt động đặc sắc nhất tại chương trình là nghi thức dựng cây nêu, một phong tục truyền thống của người Mường trong mỗi dịp Tết đến. Cây nêu được xem là vật thiêng liêng, mang ý nghĩa bảo vệ gia đình, xua đuổi tà ma và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Theo truyền thống của người Mường, cây nêu không chỉ được dựng ở cửa nhà mà còn xuất hiện ở các chuồng trại chăn nuôi súc vật, các đồ vật hay dụng cụ lao động như bừa, cày, cuốc…
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường, chia sẻ: "Với người Mường, việc dựng cây nêu trước nhà có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, khí xấu trong năm mới, đồng thời cầu mong cho gia đình và bản làng ăn nên làm ra, ăn yên ở lành. Trước khi dựng cây nêu, đồng bào sẽ thực hiện nghi lễ cúng thần linh, thổ công, thổ địa, và đồng thời cúng gia tiên, để mời tổ tiên về ăn Tết với gia đình".
Cũng theo ông Bình, thông qua chương trình của Bảo tàng năm nay, ban tổ chức rất muốn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của người Mường đã có từ lâu, cũng là thông điệp mong muốn giới trẻ luôn nhớ đến và giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc.
Đến Bảo tàng dân tộc học Việt Nam những ngày này, khách tham quan được tận mắt chứng kiến quá trình dựng cây nêu do nghệ nhân người Mường, ông Bích Du thực hiện. Sau khi hoàn tất nghi lễ, trong lúc nghỉ ngơi, ông Bích Du có kể cho chúng tôi nghe một truyền thuyết của dân tộc Mường.
Truyện kể rằng, thuở xưa, đất Mường bị chiếm bởi lũ ma quỷ, người Mường đã tổ chức nhiều đoàn quân để đi giành lại đất nhưng không thành công. Đến khi lang Kun Kần xuất hiện và đứng dậy để cầm quân mới đuổi được ma quỷ. Ma quỷ chạy đến đâu, ông cắm cây nêu để đánh dấu địa giới đến đấy. Sau khi đánh đuổi được hết giặc ma thì đất Mường yên bình trở lại.
Người Mường nhớ lại tích xưa đó và lấy cây nêu ngày Tết để nêu cửa nêu nhà, không cho tà ma ở ngoài xâm phạm vào, giống như đánh dấu rằng, nhà có chủ, đất có thổ công.
Khi được hỏi về cảm nghĩ khi tham gia chương trình, ông Bích Du không khỏi tự hào khi nói về quá trình từ Hòa Bình về Thủ đô, đem theo văn hóa nghi lễ rất thiêng liêng và trọng đại của dân tộc Mường. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở rằng: "Để cho các bạn trẻ hiểu và yêu văn hóa Mường thì đầu tiên phải làm cho các bạn hiểu giá trị và đời sống của người Mường, nhưng hiện nay, phần lớn người trẻ không còn mặn mà với việc tìm hiểu về các nghi lễ, phong tục dân tộc nữa và những người như chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào...".
Lan tỏa nét đẹp Tết cổ truyền
Không thể thiếu trong các dịp Tết, đồng thời cũng đem lại không khí hội xuân sôi động và những phút giây vui vẻ chính là các trò chơi dân gian. Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các trò chơi như kéo co, múa sạp, đánh quay, đánh cầu lông gà, ném pao, tung còn, đẩy gậy trong chương trình "Trải nghiệm Tết truyền thống" thu hút sự tham gia đông đảo của các em nhỏ.
Chương trình không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về Tết thông qua các hoạt động truyền thống mà còn tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, tham gia vào các hoạt động sáng tạo. Các em được khám phá di sản văn hóa Hòa Bình, tô vẽ tranh 12 con giáp hay tự tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh.
Chị Nguyễn Phương Linh, một du khách đến từ Hà Nội đưa con gái đến trải nghiệm, chia sẻ cảm nhận: "Rất nhiều sự kiện thú vị khiến tôi thấy quan tâm và muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, truyền thống của dân tộc. Con gái tôi cũng bắt đầu tò mò khi được chứng kiến các nghi lễ của dân tộc và tham gia vào các hoạt động dân gian".
Bên cạnh các trò chơi dân gian, chương trình còn tái hiện những phong tục đặc sắc khác của Tết Nguyên đán. Khu vực gói bánh chưng luôn là điểm thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là các gia đình và nhóm bạn trẻ. Những chiếc lá dong xanh mướt, hạt gạo nếp thơm lừng và từng miếng thịt ba chỉ được chuẩn bị sẵn sàng để mọi người có thể tự tay thực hiện các công đoạn gói bánh.
Với sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, ngay cả những người lần đầu tham gia cũng có thể hoàn thiện một chiếc bánh chưng vuông vức, đầy đặn. Các du khách tham gia cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa chữ viết và giá trị thiêng liêng của mỗi câu chữ thông qua việc thử sức với việc viết thư pháp, một nghệ thuật truyền thống của người Việt.
Tục lệ xin chữ đầu năm từ lâu cũng đã trở thành nét đẹp truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của người Việt. Xin chữ không chỉ đơn thuần là xin một con chữ đẹp mà còn là gửi gắm mong ước cho năm mới bình an, may mắn, tài lộc, hạnh phúc hay học hành. Bên cạnh đó, việc xin chữ còn thể hiện tinh thần hiếu học và sự trân trọng giá trị của tri thức, văn hóa. Chính vì thế, nhiều du khách đến bảo tàng nhân dịp này để xin chữ, xem đây như một lời cầu mong tốt lành cho bản thân và gia đình trong năm mới.
Tiếp nối chương trình trải nghiệm Tết truyền thống lần này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tổ chức chương trình "Vui Xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình" trong hai ngày mồng 4 và mồng 5 Tết (tức ngày 1 và 2/2 dương lịch), nhằm mang đến một không gian trải nghiệm Tết truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục hành trình lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam đến với mọi người.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dua-tet-co-truyen-den-gan-hon-voi-nguoi-tre-post857886.html