Hãy tỉnh táo để không bị sợ hãi lấn át, điều khiển sang trạng thái tâm lý tiêu cực, thậm chí kỳ thị ngay cả những y bác sỹ đang ở tuyến đầu chống dịch…
Biết tin bệnh viện Bạch Mai bị cách ly, tôi gọi điện cho cô bạn là bác sỹ ở đây để hỏi thăm tình hình, thì đầu dây bên kia trả lời, giọng khá “hồ hởi”: “Tôi đang ở trong viện rồi nhé”.
Nghe giọng điệu phấn chấn của bạn mà sao tôi lại thấy nghèn nghẹn, bởi tôi biết, với bạn tôi, được ở trong viện cùng chia sẻ khó khăn với mọi người là điều mà lúc này, cô ấy mong muốn hơn bao giờ hết.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ, chỉ có những người “dở hơi” mới thích lao vào chỗ nguy hiểm, cái chỗ mọi người đang muốn tránh xa không được. Thực ra, đó cũng là phản xạ rất bình thường của con người, khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng khắp thế giới, với hàng chục ngàn người mắc và cả ngàn người chết mỗi ngày. Còn ở Việt Nam, dịch cũng đang diễn biến phức tạp với hơn 200 người mắc Covid-19.
Khi bệnh viện Bạch Mai bị cách ly, nhiều người đã e dè, sợ hãi với bất kỳ ai có yếu tố liên quan đến “Bạch Mai” (ảnh CTV Thế Quang) |
Bạn tôi cũng như nhiều bác sỹ tuyến đầu chống dịch, cũng là những con người bằng xương bằng thịt, là bố mẹ của những đứa trẻ và là con trong gia đình có cha mẹ già. Vì thế, họ cũng có tâm lý bình thường như những người khác, cũng lo lắng trước sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh. Hoặc nếu có ai đó không sợ hãi cho bản thân, thì chắc chắn một điều, họ lo lắng cho người thân, nhất là cha mẹ già và những đứa con.
“Cách ly” là cụm từ không một ai mong muốn lúc này, thậm chí nhiều người còn cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Nhưng với nhiều bác sỹ tuyến đầu, thực tế họ đã “tự cách ly” từ ngày đầu có dịch. Họ sẵn sàng chấp nhận “cách ly” gia đình, cha mẹ già, con nhỏ để nhận nhiệm vụ.
Bởi hơn ai hết, họ hiểu tính chất công việc mình đang làm, vì họ đã thấm nhuần lời thề Hippocrate, họ ý thức được việc gánh trên vai trách nhiệm cao cả mà xã hội giao phó. Họ vào viện cách ly, nghĩa là họ được chia sẻ gánh nặng với đồng nghiệp, được chăm sóc những người bệnh, mà trong đó có nhiều người đang đứng giữa ranh giới sinh-tử, đang rất cần đến họ.
Và cũng hơn ai hết, các bác sỹ tuyến đầu là người cảm nhận rõ nhất sự chia sẻ của đồng nghiệp, vì đã hơn 2 tháng nay, kể từ khi có dịch, rất nhiều y, bác sỹ đã phải căng sức chống dịch, họ đã phải cố gắng hơn cả 100% sức lực vốn có.
Những hình ảnh mà chính những người bệnh, những người trong những khu cách ly chụp lại khi các nhân viên y tế, các lực lượng phục vụ chống dịch rải chiếu ra ngoài trời giá lạnh, trong nhà xe hay ngủ gục trên bàn vì quá mệt đã nói lên tất cả.
Nhân viên y tế ngủ gục bên bàn làm việc |
Đáng lẽ ra, những bác sỹ tuyến đầu, những “tấm lá chắn”, người chăm lo sức khoẻ cho tất cả mọi người phải được trân trọng, họ xứng đáng là những “người hùng” trong cuộc chiến chống Covid-19, thì họ lại đang phải đi xin mọi người một điều tưởng chừng rất phi lý “đừng kỳ thị”.
Chính các bác sỹ trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân mắc virus Sars-Cov-2 đau lòng thốt lên rằng, dù có khó khăn vất vả đến đâu, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, họ cũng không ngại, nhưng điều họ lo ngại là sự kỳ thị của cộng đồng đối với bản thân, gia đình và những người thân.
Và mới đây, khi có thông tin bệnh viện Bạch Mai bị cách ly, nhiều người đã e dè, sợ hãi với bất kỳ ai có yếu tố liên quan đến “Bạch Mai”, nhất là đội ngũ những y, bác sỹ của bệnh viện.
Nhiều bác sỹ, điều dưỡng trong các khu cách ly cũng cho rằng, công việc của họ đã rất căng thẳng, mệt mỏi hơn ngày thường nhưng áp lực của cộng đồng còn mệt mỏi hơn nhiều. Họ cảm nhận rõ sự kỳ thị của nhiều người. Một điều dưỡng viên trong khu cách ly đã chia sẻ, “em đi gội đầu mà họ còn không làm cho. Buồn thế”.
Vẫn biết rằng, trong khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới với cả ngàn người chết, hàng chục ngàn mắc Covid-19 mỗi ngày thì tâm lý lo lắng, e dè với dịch bệnh là phản xạ tự nhiên của con người. Nhưng chúng ta hãy bình bĩnh, tỉnh táo để không bị tâm lý sợ hãi lấn át, điều khiển sang trạng thái tâm lý tiêu cực, kỳ thị. Thậm chí kỳ thị ngay cả đội ngũ y bác sỹ đang ở tuyến đầu chống dịch- những người đang là tấm lá chắn bảo vệ sức khoẻ cho cả cộng đồng.
Các chuyên gia y tế và thực tế diễn biến dịch bệnh đang xảy ra cho thấy, ai cũng có khả năng bị mắc Covid-19 khi mà cơ chế lây lan của dịch khá dễ dàng qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp… Sự lây lan chóng mặt theo cấp luỹ thừa, cùng với diễn biến dịch ngày càng phức tạp, trong khi nhiều trường hợp tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 chưa phát hiện hết trong cộng đồng cũng như nhiều người dương tính với virus Sars-CoV-2 nhưng không có triệu chứng rõ ràng nên chưa phát hiện, sàng lọc hết, thì việc mắc Covid-19 ở bất kỳ ai lại càng dễ xảy ra hơn bao giờ hết.
Trong khi, đối với bác sỹ, việc hiểu biết chuyên môn cũng như tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình tiếp xúc, điều trị bệnh nhân, thì việc họ mắc Covid-19 sẽ ít hơn người bình thường rất nhiều lần. Không những thế, chính họ cũng như mọi người, đều ý thức tự bảo vệ để được an toàn vì họ cũng có gia đình, cha mẹ già và những đứa con.
Vậy nên, việc e dè, kỳ thị với những người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thực sự cần thiết?. Chưa kể đến, khi một ai đó trong chúng ta chẳng may mắc Covid-19, ai sẽ là người bảo vệ tính mạng cho chúng ta- ngoài họ?
Vì thế, ngay từ bây giờ, đừng để những “chiến sỹ” ở tuyến đầu của chúng ta phải suy nghĩ, mệt mỏi thêm nữa, mà hãy động viên, chia sẻ, ít nhất về mặt tinh thần, để họ vững tin làm nhiệm vụ, tiếp tục là những tấm lá chắn bảo vệ sức khoẻ cho tất cả chúng ta./.
An An/VOV.VN