Ngày 4/8, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII và thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức cán bộ.
Ngày 4/8, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII và thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức cán bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa có lợi thế rất lớn về nguồn lực con người với 3,5 triệu dân, đứng thứ 3 toàn quốc nên cần khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này để phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng, biển bạc nên cần sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên đất, tài nguyên mặt nước, đặc biệt tài nguyên mặt nước biển để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương sau Đại hội XII của Đảng và đạt hiệu quả bước đầu. Các tổ chức Đảng, chính quyền hoạt động tốt, có nhiều đổi mới; an ninh ổn định, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Thanh Hóa cũng làm tốt công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra giám sát được tăng cường; xử lý nghiêm các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của Thanh Hóa được đổi mới tích cực nên diện mạo của tỉnh thay đổi rất nhanh như ở các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Khu Kinh tế Nghi Sơn...
Tuy nhiên theo đồng chí Phạm Minh Chính, hiện Thanh Hóa phát triển kinh tế-xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong thời gian tới, Thanh Hóa cần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện sự hài lòng của người dân. Bên cạnh đó, tập trung ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; chống chạy chức, chạy quyền bằng cơ chế, chính sách công khai, minh bạch.
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII và Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong số 26 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra có 10 chỉ tiêu hiện đã đạt và xấp xỉ đạt kế hoạch, 6 chỉ tiêu thấp hơn mục tiêu đề ra và cần nỗ lực phấn đấu cao mới có thể hoàn thành, các chỉ tiêu còn lại đạt khá, có triển vọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, đến nay toàn tỉnh có 22/27 huyện, thị, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không phải là người địa phương, trong đó Bí thư có 11 đồng chí, Phó Bí thư Thường trực có 13 đồng chí, Chủ tịch UBND có 15 đồng chí. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 75% Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 421/635 xã, phường, thị trấn (chiếm 66,29%) bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không phải là người địa phương. Toàn tỉnh Thanh Hóa cũng có 1.833/5.887 chi bộ thôn, tổ dân phố thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, tổ dân phố,
Đến ngày 30/6/2018, toàn tỉnh đã sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578 thôn, tổ dân phố). Theo đó, đã giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách tại các thôn, bản, tổ dân phố; có 17 huyện, thị, thành phố xây dựng được phương án sáp nhập Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND với Văn phòng Đảng ủy cấp xã.