Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") khai không chiếm "đất vàng" của Quân chủng Hải quân gây thiệt hại 525 tỷ đồng, trong khi người liên quan nói có việc này.
Sáng nay, tại Tòa án Quân sự Thủ đô, ông Hệ (cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) phủ nhận tất cả lời khai của cháu ruột Vũ Thị Hoan (cựu tổng giám đốc Công ty Yên Khánh) và ông Phạm Văn Diệt (cựu giám đốc điều hành Yên Khánh).
Trong gần nửa tiếng trả lời, ông Hệ khoảng chục lần nói "không biết gì, không liên quan gì với Công ty Yên Khánh". Do đó, không có việc ông nhờ Hoan đứng tên thành lập công ty.
Khi HĐXX trình chiếu chứng thư bảo lãnh vay tiền cho Công ty Yên Khánh tại Ngân hàng ACB do mình ký, ông Hệ giải thích dù năng lực điều hành kém nhưng ai cần hỗ trợ sẽ giúp đỡ. "Nếu một người không có mối quan hệ đặc biệt thì có đứng ra bảo lãnh không?", HĐXX vặn hỏi. Ông Hệ đáp "bất cứ ai nhờ, có tình nghĩa niềm tin, bị cáo vẫn hỗ trợ, không cần quan hệ đặc biệt" và không hưởng lợi gì từ việc ký bảo lãnh giúp vay tiền.
HĐXX nêu chứng cứ trụ sở Công ty Yên Khánh nằm tại ngôi nhà do ông Hệ đứng tên, bị cáo vẫn khẳng định: "Không biết gì về việc này".
Đinh Ngọc Hệ tại phiên toà. Ảnh: Bộ Quốc phòng.
Trong khi đó, Hoan khai năm 2005 là sinh viên năm nhất, sống cùng nhà cậu nên được nhờ đứng tên thành lập Công ty Yên Khánh. Hoan nhận lời vì "mới 21 tuổi, không biết gì". Ông Hệ nói rất tin tưởng ông Diệt nên tất cả văn bản phải có sự đồng ý của ông này, Hoan mới được ký.
Toà dẫn tên 8 công ty mà cáo trạng cho rằng do ông Hệ lập hoặc góp cổ phần, Hoan xác nhận là đúng. Lời khai này của Hoan bị ông Hệ phủ nhận.
Toà sau đó nhiều lần trình chiếu nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành ở các công ty này có chữ ký và sự tham gia của ông Hệ. Ví dụ, tại một bức ảnh có mặt của Hệ cùng vợ trong một cuộc họp, ông Diệt nói đây là cảnh điều hành phiên họp liên quan tới việc xây cao ốc trên khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Tuy nhiên, ông Hệ khai chỉ đi cùng vì vợ muốn lấy pho tượng, khi về nhà mới biết đó là cuộc họp. Ông nhiều lần khẳng định không biết gì về nguồn gốc, không liên quan khu đất 3.500 m2 nói trên.
Hoan còn khai dù là Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh nhưng cô không tổ chức họp HĐQT mà chỉ ký khống vào các biên bản họp. Biên bản họp Hội đồng thành viên mà sau này bị sử dụng để lập pháp nhân mới Yên Khánh Hải Thành cũng do Hoan ký khống.
Khi HĐXX trình chiếu về nội dung khoản 1 điều 6 hợp đồng liên doanh số 07 giữa công ty Hải Thành (Quân chủng Hải quân) với Công ty Yên Khánh về khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, Hoan xác nhận đã bị sửa chữa song không biết ai làm việc này.
Theo hợp đồng gốc, sổ đỏ khu đất không được mang thế chấp vay tiền ngân hàng nhưng đã bị sửa chữa thành "được phép". Từ đây, khu đất đã bị Công ty Yên Khánh Hải Thành dùng thế chấp ở ngân hàng BIDV với giá trị 717 tỷ đồng.
Số tiền trên, Công ty Yên Khánh dùng để mua quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, Hoan khai.
Bị cáo Vũ Thị Hoan. Ảnh: Bộ Quốc phòng.
Theo cáo trạng của VKSND Quân sự Trung ương, trong quá trình điều tra, ông Hệ không khai nhận hành vi phạm tội của mình. Ngoài Công ty Yên Khánh, ông Hệ còn nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn nhưng không có tiền góp vốn, để thành lập một số công ty: Tập đoàn Đức Bình, Cái Mép, An Hiền, Khánh An, Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Thái Sơn Bộ Q.P. Các công ty hoạt động dưới sự chỉ đạo và điều hành của ông Hệ.
Năm 2006, ông Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP HCM sang làm kinh tế nên chỉ đạo Hoan ký Tờ trình số 10 gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh nhưng nêu không đúng về năng lực tài chính, nguồn nhân lực, khả năng thực hiện dự án cao ốc như đề nghị với quân chủng.
Sau khi đàm phán thành công, Hệ chỉ đạo Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng.
Ký được hợp đồng, ông Hệ chỉ đạo bị cáo Diệt và Hoan phối hợp với Công ty Hải Thành và Quân chủng Hải quân cung cấp các văn bản để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất từ đất quốc phòng sang làm kinh tế. Ông Hệ chỉ đạo thực hiện trong việc lừa các cơ quan chức năng để được cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Yên Khánh Hải Thành.
Sau khi có giấy chứng nhận, ông Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan dùng khu đất bảo lãnh thế chấp cho các công ty của mình vay tiền ngân hàng, thực hiện vào mục đích riêng.
VKS nhận định, ông Hệ và đồng phạm đã chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân là quyền sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, giá trị tại thời điểm tháng 2/2010 là hơn 525 tỷ đồng.
Hành vi của các bị cáo Hệ, Hoan, Diệt bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Liên quan vụ án còn có bị cáo Nguyễn Văn Hiến (Đô đốc Tư lệnh Hải quân, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng kinh tế, Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng tài chính, Quân chủng Hải quân)...
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Bảo Hà/vnexpress.net
https://vnexpress.net/bi-cao-ut-troc-phu-nhan-chiem-3-500-m2-dat-quan-su-4101674.html