HĐXX xác định cựu Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính trong vụ án nên tuyên mức án 10 năm tù. Tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó, ông Thăng phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Ngày 22/12, TAND TPHCM đã đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm đối với vụ án liên quan đến sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Theo HĐXX, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng để triển khai. Do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.
HĐXX tuyên án đối với các bị cáo vụ cao tốc Trung Lương
Bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Bộ trưởng Bộ GTVT nắm rõ quy định pháp luật; quy định bán tài sản Nhà nước, nhưng xuất phát từ động cơ cá nhân và thông qua mối quan hệ với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) để giới thiệu, tạo điều kiện cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí trái pháp luật.
Trong quá trình thu phí cao tốc, Công ty Yên Khánh đã vi phạm quy định trong hợp đồng nhưng bị cáo Đinh La Thăng không chấm dứt hợp đồng đối với doanh nghiệp này theo thẩm quyền Bộ trưởng là một trong những nguyên nhân để Đinh Ngọc Hệ tiếp tục thực hiện gian dối, để chiếm đoạt gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT, Dương Tuấn Minh (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long), Dương Thị Trâm Anh (Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long), Nguyễn Chí Thành (quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT), Nguyễn Thu Trang (cựu Phó phòng đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng công ty Cửu Long) nắm rõ quy định bán tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mua bán quyền thu phí cao tốc, đã xây dựng, quyết định giá khởi điểm không thành lập Hội đồng định giá tài sản; tổ chức đấu giá không đúng quy định; tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá của Công ty Yên Khánh, Công Ty Khánh An của bị cáo Đinh Ngọc Hệ nhưng không kiểm tra thực tế…
Hành vi làm trái của bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo thuộc cấp đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thẩt thoát, lãng phí. Trong đó, bị cáo Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, HĐXX nhận định bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước ngay từ đầu. Bị cáo Hệ được xác định là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo làm giả hồ sơ để được tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, bị cáo Đinh Ngọc Hệ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hành vi gian dối, dùng phần mềm để can thiệp phần mềm thu phí, chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Mặc dù, bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liều điều tra và lời khai của các bị cáo khác tại tòa, HĐXX xác định đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của của bị cáo Hệ.
Các bị cáo dưới quyền của Hệ cũng được xác định đồng phạm, có vai trò giúp sức để Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại phiên tòa
Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Cùng tội danh với bị cáo Thăng, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị phạt 3 năm đến 4 năm tù.
Còn bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị HĐXX tuyên phạt án tù chung thân cho 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hợp hình phạt với bản án trước đó, buộc chấp hành tù chung thân.
12 bị cáo là đồng phạm của Hệ bị phạt từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” . Trong đó 4 bị cáo được hưởng án treo./.
Tỷ Huỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/ong-dinh-la-thang-bi-tuyen-phat-10-nam-tu-vu-cao-toc-trung-luong-825856.vov