Hoãn xét xử cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Thứ 5, 07.01.2021 | 13:56:17
522 lượt xem

Phiên xét xử cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm hoãn sau gần 60 phút làm việc do vắng 3 bị cáo và nhiều người liên quan.

Phiên sơ thẩm dự kiến kéo dài 8 ngày liên tục, từ 7/1, tại TAND Hà Nội do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Gần 30 luật sư đăng ký bào chữa cho 10 bị cáo.

Ông Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa. Ảnh: Ngọc Thành

7h45, ông Hoàng cùng luật sư Nguyễn Huy Thiệp đi bộ vào tòa. Đeo khẩu trang, giọng khản, ông Hoàng cho biết "tâm trạng rất khó tả". Ông nói "sức khỏe không tốt song đã xin ra khỏi bệnh viện để tham dự phiên tòa, tránh làm phiên xét xử bị gián đoạn".

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói "cựu bộ trưởng đang phải điều trị bệnh về tim mạch và ung thư".

8h, lực lượng an ninh bắt đầu kiểm tra người tham dự. Tất cả đều phải xuất trình giấy triệu tập, bị soi chiếu an ninh và kiểm tra y tế. Sau chừng 5 phút khai báo y tế, trình bày giấy tờ, ông Hoàng chậm rãi bước qua máy soi chiếu an ninh.

8h40, HĐXX công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại khu vực dành cho bị cáo chỉ 7 người có mặt. Trong 3 bị cáo chưa đến có ông Nguyễn Hữu Tín (63 tuổi, cựu phó Chủ tịch UBND TP HCM).

Thư ký tòa án thông báo dù đã được triệu tập hợp lệ song bị cáo Nguyễn Hữu Tín, Lê Văn Thanh (58 tuổi, cựu phó chánh Văn phòng UBND thành phố) và Nguyễn Thanh Chương (46 tuổi, cựu trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM) vắng mặt. Ông Phan Đăng Tuất (cựu chủ tịch HĐQT Sabeco), đại diện Công ty Mê Linh và nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt.

Luật sư của ông Tín cho biết vì lý do sức khoẻ, thân chủ không thể đến toà. Ông Thanh được tại ngoại, tháng 12/2019 ông bị TAND TP HCM phạt 3 năm tù trong vụ án giao đất cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"). Cũng trong vụ án này, ông Tín và Chương bị phạt lần lượt 7 và 3 năm tù, đang chấp hành án tù.

Ông Hoàng đeo khẩu trang đi vào khu vực xét xử. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Hoàng đi vào phòng xét xử. Ảnh: Ngọc Thành

Là người đầu tiên bị kiểm tra lý lịch, cựu bộ trưởng Hoàng đứng chắp hai tay phía trước, nhỏ giọng nói "nghề nghiệp là cựu Bộ trưởng Công Thương, đang cư trú tại Hà Nội". Ông đã bị khai trừ Đảng, có hai con sinh năm 1986 và 2000.

Ông Hoàng từng làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch tỉnh Hà Tây (cũ), Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ông giữ cương vị Bộ trưởng Công Thương trong 9 năm (từ 2/8/2007 đến 8/4/2016).

9h, sau khi thẩm vấn lý lịch 7 bị cáo, HĐXX thông báo vắng ba bị cáo, 5 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đại diện VKS đề nghị hoãn phiên toà. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX hoãn phiên toà nhưng lần triệu tập sau cần nhắc nhở người liên quan.

Sau 30 phút hội ý, HĐXX thông báo 3 bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng. Nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giám định viên... vắng mặt không có lý do. Cho rằng sự vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

7 trong 10 bị cáo có mặt tại tòa trong phần khai mạc. Ảnh: Xuân Hoa

7 trong 10 bị cáo có mặt tại tòa trong phần khai mạc. Ảnh: Xuân Hoa

Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, từ năm 2008 đến khi nhà nước thoái vốn vào năm 2017, vốn nhà nước tại Sabeco chiếm 89,59% nên đây được coi là "doanh nghiệp nhà nước". Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco, Vụ Công nghiệp nhẹ theo dõi, quản lý chính.

Sabeco quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng 6.080 m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng chỉ đạo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) cùng Vụ trưởng Phan Chí Dũng chỉ đạo Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

VKS xác định, các bị can đã dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Ông Hoàng bị cáo buộc có vai trò chính, trực tiếp gây thiệt hại. Ông có quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương, trong đó có Sabeco.

Ông Hoàng và ông Phan Chí Dũng (63 tuổi, cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10-20 năm tù

8 bị cáo còn lại nguyên là cán bộ, lãnh đạo TP HCM, gồm: ông Nguyễn Hữu Tín (63 tuổi, cựu phó Chủ tịch UBND TP HCM), Lâm Nguyên Khôi (65 tuổi, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Đào Anh Kiệt (63 tuổi, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Văn Thanh (58 tuổi, cựu phó chánh Văn phòng UBND thành phố), Lê Quang Minh (63 tuổi, cựu trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư), Nguyễn Thanh Chương (46 tuổi, cựu trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM), Trương Văn Út (50 tuổi, cựu phó phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Lan Châu (45 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229, khung hình phạt 5-12 năm.


Phạm Dự/vnexpress.net

https://vnexpress.net/hoan-xet-xu-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-4217084.html

  • Từ khóa