Người tố cáo hành vi tham nhũng và người thân được bảo vệ như thế nào?

Thứ 6, 15.01.2021 | 15:53:11
312 lượt xem

Đây là nội dung của Thông tư 145 Bộ Công an, người tố cáo tham nhũng và người thân được áp dụng các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 145/2020/TT-BCA quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2/2021.

Theo đó, trình tự, thủ tục bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí được quy định tại mục 2, chương VI, Luật Tố cáo. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 47 của Luật Tố cáo,  người tố cáo cần có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính: Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Tố cáo, khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.

Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ do Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định này được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ.

Theo quy định tại Điều 3 của Thông tư, không chỉ người tố cáo hành vi tham nhũng mà vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo tham nhũng đều được áp dụng biện pháp bảo vệ, trừ trường hợp người được bảo vệ đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.

Theo Điều 5 của Thông tư, cơ quan công an các cấp nơi người được bảo vệ có địa chỉ nơi ở hoặc nơi có tài sản, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ; quyết định huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, công cụ, biện pháp và các nội dung đề nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện việc bảo vệ./.


PV/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/nguoi-to-cao-hanh-vi-tham-nhung-va-nguoi-than-duoc-bao-ve-nhu-the-nao-830798.vov

  • Từ khóa