Về việc không đưa vào hồ sơ yêu cầu tiêu chí mà PVC và Liên danh không đạt, Tổ trưởng tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu cho rằng, nếu bổ sung yêu cầu thì coi như bị cáo nghỉ việc luôn.
Bị cáo Vũ Thanh Hà. (Ảnh: TTXVN)
Khai báo trước tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB) cho biết, dự án Ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 1.317 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 30% và 70% phải đi vay. PVB lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức "chìa khóa trao tay" nhưng khi chấm thầu đã thấy các doanh nghiệp dự thầu đều không đạt tiêu chí theo yêu cầu.
Cựu TGĐ PVB khai rằng, bản thân nhận được chỉ đạo của ông Đinh La Thăng (Chủ tịch PVN), Vũ Quang Nam (Phó TGĐ PVN) và Trần Thị Bình (Phó TGĐ PVN) nên nghĩ rằng lúc đó việc chỉ định thầu đã được PVN quyết định.
Bị cáo Hà khai, trong giai đoạn này, PVB đã nhận được văn bản của Tổng Giám đốc PVC (là thành viên thuộc PVN) đề nghị hạ thấp tiêu chí đấu thầu và cho được chỉ định thầu. Sau đó, PVB còn nhận được nhiều văn bản của PVN chỉ đạo phải giao thầu cho liên danh của PVC.
"Ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho PVC và cho liên danh. Bị cáo đã tiếp cận Nghị quyết của PVN ưu tiên giao việc cho PVC và lúc đó bị cáo nghĩ rằng chỉ định thầu cho PVC là trách nhiệm." - ông Hà trình bày tại tòa.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Thị Bình (cựu TGĐ PVN) cho rằng, cơ quan tố tụng cáo buộc bà chưa thỏa đáng.
Bị cáo Trần Thị Bình từng vắng mặt tại phiên xử ngày 22/1 (Ảnh: TTXVN).
Theo cáo trạng, bà Bình bị cáo buộc ký văn bản yêu cầu PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu EPC; đề xuất HĐQT PVN ra quyết định đồng ý chủ trương giao Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 theo hình thức chỉ định thầu.
Bị cáo Bình cho hay, bà nhận được văn bản có bút phê chỉ đạo của ông Thăng: "… Nếu PVC không đồng ý ký hợp đồng trọn gói với giá 59.177.000 USD thì để PVB đàm phán với nhà thầu khác…". Tuy nhiên, bà chỉ hướng dẫn những gì các đơn vị hỏi chứ không kết luận, chỉ đạo gì.
Chống lệnh cấp trên thì nghỉ việc!
Trả lời thẩm vấn, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận có biết tình trạng năng lực, kinh nghiệm của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ điều kiện để trúng thầu, nhưng do sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng nên các bị cáo đều đã phải điều chỉnh nhằm giúp Liên danh này trúng gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ.
Cựu Phó Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Ngọc Dũng (Ảnh: TTXVN).
Bị cáo Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó TGĐ PVC) thừa nhận lập hồ sơ đề xuất trong khi biết rõ Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đáp ứng được hồ sơ yêu cầu; dự thảo Nghị quyết để Trịnh Xuân Thanh ký thông qua việc thực hiện gói thầu TK05; ký các văn bản gửi PVB cam kết thực hiện gói thầu TK05 đảm bảo tiến độ, nhà máy hoạt động theo đúng hồ sơ yêu cầu nhằm được thực hiện gói thầu này.
Bị cáo Phạm Xuân Diệu (cựu TGĐ PVC) thừa nhận đã ký văn bản gửi PVB, PVN xin được chỉ định thầu; ký tờ trình đề xuất HĐQT PVC xem xét và thông qua dự thảo nội dung Hợp đồng EPC và trực tiếp đại diện PVC ký hợp đồng EPC theo hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, trình bày trước tòa, bị cáo Diệu cho rằng, những việc làm này chỉ mang tính chất thủ tục, theo quy định, quy trình của PVC.
Bị cáo Diệu trả lời HĐXX (Ảnh: TTXVN).
Nhóm bị cáo trong Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và Tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu bị cáo buộc dù biết hồ sơ yêu cầu phải đưa ra các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, nhưng quá trình lập, thẩm định hồ sơ yêu cầu, theo chỉ đạo của bị cáo Vũ Thanh Hà (Tổng Giám đốc PVB) đã loại bỏ các tiêu chí này để cho liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T được chỉ định thầu.
Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Thanh Thái, Tổ trưởng tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu, thành viên Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, cho biết, quá trình xây dựng hồ sơ đấu thầu, bị cáo có đối chiếu quy định của pháp luật.
Theo lời bị cáo Thái, thời điểm đó, PVB chỉ định thầu cho liên danh của PVC vì nghĩ PVC chỉ xây dựng các công trình phụ trợ, cấp thoát nước; các hạng mục quan trọng sẽ do nhà thầu nước ngoài trong liên danh phụ trách. Đến năm 2013, bị cáo mới biết liên danh các nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực.
Đối với cáo buộc không đưa vào hồ sơ yêu cầu tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đã được CECO đánh giá không đạt của nhà thầu liên danh, bị cáo Thái cho rằng, bị cáo đã được chỉ đạo phải thẩm định để đạt yêu cầu.
"Chúng tôi không thể chống lại chủ trương của Tập đoàn. Nếu đưa thêm yêu cầu vào thì coi như bị cáo nghỉ việc luôn!" - ông Thái nói.
Tiến Nguyên/dantri.com.vn