Nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn gia thông (TTATGT), cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước đang tiếp tục ra quân để xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, chất ma túy. Việc phòng ngừa kịp thời các hành vi nêu trên sẽ giúp hạn chế được những sự cố giao thông và có tác dụng phòng ngừa tai nạn giao thông.
Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thời gian qua, Bộ Công an ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn". Kế hoạch này thực hiện từ ngày 15-3 cho đến hết năm 2021; tập trung các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy... Trong kế hoạch, Bộ Công an yêu cầu, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy phải tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; kiến nghị với ngành giao thông vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-3, CSGT toàn quốc đồng loạt ra quân tổ chức kiểm soát, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất số vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê, tính đến 15 giờ chiều 15-3, toàn quốc phát hiện, xử lý 7.388 trường hợp vi phạm, phạt tiền 7,1 tỷ đồng, tạm giữ 59 ô-tô, 139 mô-tô và tước 667 giấy phép lái xe. Riêng trên các tuyến cao tốc, lực lượng CSGT phát hiện 87 trường hợp vi phạm, phạt tiền 241 triệu đồng, tước 38 giấy phép lái xe. Ðáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm, có 604 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và hai trường hợp dương tính với chất ma túy. Trong ngày đầu ra quân, Thiếu tướng Lê Xuân Ðức, Phó Cục trưởng CSGT đã đến kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Tại đây, đồng chí nhấn mạnh mục đích của kế hoạch và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Ðội CSGT đường bộ cao tốc số 1 thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, tiếp tục chủ động các phương án bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến; tăng cường tuyên truyền và xử nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy... Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đổi mới phương pháp tuyên truyền để nhân dân và lái xe hiểu, hợp tác giúp đỡ lực lượng CSGT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong quá trình xử lý, không ít trường hợp CSGT gặp phải những lái xe có thái độ quanh co, chống đối thậm chí là hành hung lực lượng thi hành công vụ. Ðiển hình tại địa bàn TP Hà Nội, khoảng 13 giờ 15 phút ngày 15-3, khi Tổ công tác của Ðội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ trên tuyến Vũ Trọng Khánh - Trần Phú - Quang Trung - Nguyễn Thanh Bình - Phùng Hưng - Chu Văn An- Vạn Phúc - Ðường 70 - Phúc La - Văn Khê - Văn Phú - Cầu Bươu - QL6 - Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông, Hà Nội) phát hiện một người đàn ông điều khiển mô-tô có biển kiểm soát: 12S1 - 176.81 có biểu hiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cho nên đã tiến hành dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn, kết quả, lái xe vi phạm nồng độ cồn mức vi phạm 0.567 mlgam/lít khí thở. Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản. Sau khi lập biên bản xong người này đã dùng lời lẽ thô tục chửi bới, lăng mạ tổ công tác. Tổ công tác đã tuyên truyền và yêu cầu lái xe về nhà, nhưng người này vẫn tiếp tục có những lời lẽ không chuẩn mực, thậm chí còn vung tay đấm mạnh vào mặt Thượng úy Nguyễn Mạnh Tùng của tổ công tác làm Thượng úy Tùng vỡ mắt kính, sưng đỏ vùng mặt. Ngay lập tức, tổ công tác đã tiến hành khống chế, mời Công an phường Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội phối hợp đưa đối tượng về Công an phường Ðại Mỗ xử lý theo quy định.
Công an TP Hà Nội cho biết, nhằm đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tra cơ bản, khảo sát, nắm tình hình tuyến, địa bàn giao thông. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ. Khi gặp các hành vi chống đối, cần chủ động phối hợp các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định. Cùng liên quan đến các hành vi chống đối, Bộ Công an đã nêu rõ, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy…
GIA HÂN/NHANDAN.COM.VN