Ngày 16-4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo liên quan sai phạm tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp tục với phần tranh tụng.
Tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS), cho rằng bản thân bị cáo có một phần trách nhiệm khiến dự án ở TISCO gây ra hậu quả thiệt hại tài sản cho nhà nước. Tuy nhiên, VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù dành cho bị cáo là hơi nặng. Mai Văn Tinh phân trần thời điểm hợp đồng EPC số 01 được ký với Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), bị cáo cùng các đồng phạm khác và cán bộ, nhân viên tổng công ty cũng như TISCO tìm mọi cách để dự án đạt hiệu quả cao, hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên, muốn có phương án tối ưu thì phải xin ý kiến cấp trên. "Sau khi được phê duyệt, phương án đó giao cho tổng giám đốc TISCO thực hiện. Vì vậy, bị cáo chỉ chịu trách nhiệm liên đới" - bị cáo Tinh nói.
Các bị cáo tại phiên tòa Ảnh: HÙNG ANH
Bào chữa cho bị cáo Tinh, luật sư Trương Anh Tú phân tích chủ thể tham gia trực tiếp dự án ở TISCO là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Tập đoàn MCC. Đây là các bên ký kết thỏa thuận EPC. Do đó, luật sư đánh giá khi hợp đồng bị gián đoạn thì trách nhiệm thuộc về 2 đơn vị này. Đối với cáo buộc chỉ đạo đàm phán với MCC dù biết nhà thầu vi phạm hợp đồng, luật sư dẫn một số văn bản chỉ đạo VNS, trong đó có công văn nêu: "HĐQT VNS chỉ đạo thành lập đoàn đàm phán để xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng. Bị cáo Tinh chỉ đạo điều đó từ cấp trên, chứ không quyết định độc lập" - luật sư phân tích. Về quy kết cho rằng ông Tinh chấp thuận cho Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON, Bộ Công Thương) làm nhà thầu phụ, luật sư Tú tiếp tục viện dẫn văn bản số 4320 của Bộ Công Thương. "Bộ giới thiệu VINAINCON và khẳng định đây là doanh nghiệp thuộc bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp. Từ cơ sở này, HĐQT VNS mới có văn bản đồng ý chủ trương chấp nhận nhà thầu phụ" - luật sư lập luận.
Nguyễn Hưởng/nld.com.vn