Cảnh báo các loại tội phạm hoạt động trong mùa dịch

Chủ nhật, 04.07.2021 | 15:09:56
553 lượt xem

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn Hà Nội có diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên là hoạt động của tội phạm trộm cắp, đột nhập, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Nhận diện tội phạm

Các đối tượng đột nhập trộm cắp tài sản thường lợi dụng sơ hở của các gia đình đi làm giờ hành chính, nhà không có người trông coi hoặc vào đêm khuya các gia đình đang ngủ say, các cửa hàng khóa cửa... Hành vi gây án ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của gia chủ.

Từ tháng 12/2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 99 vụ đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản (xe máy). Các đối tượng thường hoạt động lưu động và đi từ 2 người trở lên, chúng dùng khẩu trang che mặt, sử dụng xe máy làm phương tiện gây án. Để tránh bị nhận dạng và phát hiện, chúng đeo biển kiểm soát giả hoặc không đeo biển kiểm soát đi khắp các tuyến phố, khu dân cư để "tăm tia" các xe máy có giá trị cao, dễ phá khóa như Honda SH, Airblade, Lead, Wave và Dream... Khi phát hiện mục tiêu, một đối tượng sẽ cảnh giới để kẻ còn lại dùng vam phá khóa lấy trộm xe. Trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 215 vụ trộm cắp xe máy.

Cảnh báo các loại tội phạm hoạt động trong mùa dịch - 1

Nhiều bị hại đã mất cả chục tỷ đồng vì bị lừa đảo lan đột biến.

Cùng với tội phạm trộm cắp, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có diễn biến phức tạp và xuất hiện các phương thức thủ đoạn mới. Các đối tượng lợi dụng việc đầu tư kinh doanh, chơi hoa lan đột biến đang trở thành trào lưu và tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân để từ đó câu kết thành ổ nhóm lừa đảo.

Để đạt được hiệu quả, chúng thực hiện các chiêu trò khá bài bản từ việc thuê nhà, dựng giàn, làm vườn trồng lan rồi thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok... để quảng bá, giới thiệu, quay clip các sản phẩm. Từ đó tổ chức trao đổi, mua bán hoặc đấu giá trực tuyến.

Đối với giao dịch trực tiếp, các đối tượng hẹn người mua đến gặp tại địa chỉ nhà thuê. Khi giao dịch thành công, nhận được tiền, chúng khóa tài khoản, chặn liên lạc và dừng hợp đồng thuê nhà rồi bỏ trốn. Đối với đấu giá trực tuyến, các đối tượng bố trí đồng bọn đóng vai "chim mồi", giả làm khách mua, liên tục trả giá cao tăng dần để "thổi giá" sản phẩm với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Từ đầu năm 2011 đến nay, CATP Hà Nội đã tiếp nhận 10 đơn tố giác, tin báo về các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua giao dịch, mua bán lan đột biến và đang điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) ngoài các chiêu trò trên, các đối tượng còn tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục... gọi điện thoại thông báo tới bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại, hoặc có bưu phẩm gửi tới nhưng lâu ngày không đến nhận, hoặc thiếu nợ ngân hàng... Khi bị hại trả lời là không có những việc trên thì đối tượng nối máy cho bị hại nói chuyện với đồng bọn đóng giả là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...

Tiếp đến, các đối tượng giả danh này sẽ đe dọa nạn nhân bằng cách cáo buộc, quy kết bị hại đang liên quan đến các vụ án như: buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... từ đó đe dọa, buộc bị hại phải kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Khi bị hại còn đang hoảng hốt vì bị nghi oan thì chúng sẽ xoa dịu bằng cách hứa sẽ xem xét, tạo điều kiện nếu thành khẩn khai báo, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để chúng "xác minh nguồn tiền, phục vụ công tác điều tra", rồi chiếm đoạt số tiền đó.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng còn thông qua mạng xã hội để tìm hiểu, làm quen với bị hại rồi tự nhận là doanh nhân, người có điều kiện kinh tế và đang sinh sống tại nước ngoài... Sau khi làm quen, các đối tượng thông báo gửi tặng các món quà giá trị như laptop, iPhone, túi xách, nữ trang đắt tiền từ nước ngoài về cho người bị hại. Để tạo sự tin tưởng, chúng còn giả mạo các đơn vị vận chuyển, tạo lập các trang web giả có ghi thông tin đơn hàng đang vận chuyển để bị hại tự kiểm tra. Sau đó, chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, hải quan, yêu cầu người bị hại chuyển tiền để nộp phí nhận hàng và chiếm đoạt khoản tiền này.

Phòng ngừa sâu, quản lý chặt, triệt xóa nhanh

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm trộm cắp và chiếm đoạt tài sản đạt hiệu quả cao, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Phòng CSHS đã phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói trên đến người dân.

Đối với các hộ gia đình, cần gia cố hệ thống cửa đảm bảo an toàn, chắc chắn. Trước khi đi ngủ, ra khỏi nhà cần kiểm tra hệ thống khóa. Khi đi vắng lâu ngày nên nhờ hàng xóm thân thiết, người thân qua lại kiểm tra thường xuyên. Không nên để số lượng tiền mặt lớn, vàng bạc, đá quý, các loại ngoại tệ tại nhà, nên lắp đặt camera, còi, chuông báo động...

Đơn vị cũng tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật vì trường hợp cơ quan điều tra mời, triệu tập người dân lên trụ sở làm việc đều gửi giấy triệu tập, giấy mời thông qua chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực... không bao giờ có việc cán bộ điều tra tự gọi điện thoại thông báo theo hình thức như trên. Người dân khi bị các đối tượng lạ gọi điện thoại giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… cần bình tĩnh, thông báo ngay cho người thân và cơ quan công an gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp cho các đối tượng thông tin về tài sản cá nhân, tiền mặt hiện có và tài khoản ngân hàng.

Cảnh báo các loại tội phạm hoạt động trong mùa dịch - 2

CAQ Cầu Giấy triệt xóa ổ nhóm trộm cắp xe máy Honda SH số lượng lớn trên thành phố.

Phòng CSHS cũng khuyến cáo không công khai các thông tin cá nhân như ngày sinh, số CMND, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng lên các mạng xã hội. Cảnh giác khi kết bạn với những người lạ trên các mạng xã hội, đặc biệt là những người mới quen hứa hẹn tặng những món quà đắt tiền. Cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng... lưu ý chỉ đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng, trên các website chính thức của ngân hàng có uy tín. Không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi đến điện thoại cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại của người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, Phòng CSHS cũng khuyến cáo người dân cần gọi điện thoại trực tiếp xác nhận thông tin với người nhờ xem tính chính xác đến đâu. Tuyệt đối không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đồng thời cũng tuyên truyền cho người thân trong gia đình, những người xung quanh không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác.

Phòng CSHS cũng phối hợp với các đơn vị đặc biệt chỉ đạo các đội nghiệp vụ và công an các phường, xã tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng mạng lưới bí mật đi sâu vào hệ trộm cắp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản để nắm thông tin. Lên danh sách số đối tượng sưu tra, hiềm nghi, trọng điểm, có biểu hiện hoạt động trộm cắp, lừa đảo theo từng hệ, loại (chú trọng đến số đối tượng người tỉnh ngoài đến thuê nhà rồi dựng các vườn trồng hoa lan đột biến và hoạt động mua bán trao đổi hoa lan...) để quản lý thu thập tài liệu và tập trung xác minh, xử lý. 

Lực lượng CSHS tăng cường công tác hóa trang, mật phục, kết hợp với tuần tra nhân dân tại các địa bàn dễ xảy ra trộm cắp, địa bàn giáp ranh. Quá trình tuần tra cần tăng cường kiểm tra các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, chú ý phát hiện số đối tượng mang theo các loại công cụ như: kìm cộng lực, mỏ lết, đèn khò, xà cây, dây, găng tay… để đấu tranh làm rõ.

Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/canh-bao-cac-loai-toi-pham-hoat-dong-trong-mua-dich-20210704093619887.htm

  • Từ khóa