Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật: “Cầu nối” đưa pháp luật đến Nhân dân

Thứ 5, 08.07.2021 | 14:47:16
677 lượt xem

Với sự am hiểu pháp luật, tinh thần trách nhiệm, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, góp phần đưa pháp luật đến Nhân dân.

Tuy mới gần 3 năm làm báo cáo viên pháp luật của huyện nhưng chị Sái Thị Hường, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Lộc Bình đã có nhiều tham mưu, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện. Năm 2020, chị vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL.

Chị Hường cho biết: Tôi công tác tại phòng tư pháp huyện từ năm 2015. Tôi luôn chủ động tìm hiểu, cập nhật kiến thức pháp luật mới, lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Trung bình hằng năm, tôi trực tiếp tuyên truyền tại 20 đến 30 hội nghị. Tôi đã đề xuất với phòng mỗi năm lựa chọn 4 xã chỉ đạo điểm về công tác tuyên truyền PBGDPL. Theo đó, tại các xã được chọn tổ chức 1 hội thi tìm hiểu pháp luật. Nhờ đó, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật.

Tuyên truyền viên pháp luật xã Gia Cát, huyện Cao Lộc phát tờ rơi, tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho người dân

Với kinh nghiệm làm tuyên truyền viên pháp luật gần 8 năm, anh Chu Văn Hồ, công chức tư pháp – hộ tịch xã Gia Cát, huyện Cao Lộc luôn phát huy vai trò đưa pháp luật đến người dân. Anh Hồ cho biết: Hằng năm, tôi tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch PBGDPL, tập trung vào các lĩnh vực người dân quan tâm, như: đất đai, hôn nhân gia đình, giao thông đường bộ… Đồng thời, linh hoạt các hình thức PBGDPL. Đơn cử, khi  dịch Covid-19 căng thẳng, chúng tôi tăng cường tuyên truyền qua loa truyền thanh, phát tờ rơi đến các hộ gia đình, hàng quán, phiên chợ… Nhờ đó, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Trên đây chỉ là hai báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tiêu biểu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 86 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, hơn 250 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, hơn 3.000 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hằng năm, UBND các cấp thường xuyên kiện toàn, bổ sung, thay thế khi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nghỉ hưu, luân chuyển công tác…  Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được lựa chọn kỹ lưỡng, am hiểu pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, kỹ năng tuyên truyền. Đồng thời, tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng này đã tham gia PBGDPL được hơn 10.600 cuộc cho hơn 920 nghìn lượt người nghe.

Bà Hà Thị Xuân, khối 10, phường Tam Thanh, thành phố  Lạng Sơn cho biết: Dự các hội nghị, nghe báo cáo viên tuyên truyền, chúng tôi thấy dễ hiểu, dễ nhớ các nội dung pháp luật. Đồng thời, các cán bộ phường nói chung, tuyên truyền viên pháp luật nói riêng của phường thường xuyên giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn chúng tôi giải quyết các vấn đề hộ tịch, đất đai… Từ đó, chúng tôi hiểu biết hơn, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tham gia các phong trào của khối phố.

Để kịp thời cung cấp kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hằng năm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, huyện, UBND các xã, thị trấn đều quan tâm tổ chức các hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL. Đơn cử, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh hằng năm tổ chức 2 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Cùng đó trong các hội nghị triển khai luật mới, đánh giá chương trình, đề án pháp luật hằng năm, các cấp đều mời đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tham dự. Đối với cấp huyện, hàng năm các cơ quan chức năng của các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm cuộc cập nhật kiến thức pháp luật mới, tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật và đội ngũ cán bộ, công chức.

Có thể nói, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò “cầu nối”,  đưa chính sách pháp luật đến Nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển – kinh tế xã hội. Đơn cử năm 2020, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80,8% (tăng 2,4% so với năm 2019), toàn tỉnh xảy ra hơn 350 vụ phạm pháp hình sự, (giảm hơn 5% so với năm 2019)…


Dương Duyên/baolangson.vn

https://baolangson.vn/phap-luat/433521-bao-cao-vien-tuyen-truyen-vien-phap-luat-cau-noi-dua-phap-luat-den-nhan-dan.html

  • Từ khóa