Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (Chỉ thị 12), các cấp, các ngành của tỉnh, nòng cốt là lực lượng công an đã quyết liệt vào cuộc, từng bước xóa bỏ vấn nạn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Bị can Nguyễn Thùy Trang bị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Lạng Sơn- (Ảnh: Công an tỉnh Lạng Sơn)
Theo báo cáo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn như: “núp bóng” dưới các loại hình kinh doanh cầm đồ; hỗ trợ tài chính; kinh doanh trang sức, vàng bạc, mua bán ô tô, mô tô…. hay cho vay đáo hạn ngân hàng; “vay nóng” tiêu dùng; góp vốn kinh doanh đa cấp với lãi suất cao, thậm chí “lãi ngày” từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng/triệu đồng/ngày; cho vay dưới hình thức “bốc bát họ”; viết giấy tờ mua bán, thế chấp tài sản trá hình…
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế. Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng có xu hướng di chuyển địa bàn, chuyển sang hoạt động lén lút, đồng thời hạn chế thực hiện các hành vi manh động như: đòi nợ, đe dọa đòi nợ; cưỡng đoạt tài sản; bắt giữ người trái phép; ném chất bẩn, chất thải vào nhà… nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.
Trước thực trạng trên, thực hiện nghiêm Chỉ thị 12, các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh, nòng cốt là lực lượng công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, đấu tranh, không để tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; rà soát, lập hồ sơ quản lý các băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” như: cầm đồ, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, số đối tượng cộm cán, lưu manh côn đồ… từ đó triển khai các đối sách, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp, đạt hiệu quả.
Theo đó, từ tháng 4/2020 đến nay, lực lượng công an đã rà soát, lập danh sách theo dõi, quản lý 144 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, “hỗ trợ tài chính”, kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, mua bán ôtô, xe máy trên địa bàn tỉnh để phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó, đã tổ chức kiểm tra 30 lượt đối với 63 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với 2 cá nhân về hành vi “cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố”; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với 1 cơ sở kinh doanh.
Điển hình là vào tháng 7/2020, thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án trinh sát bí số 620-Đ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn huyện Văn Lãng, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vương Kiếm Hiệp, Phạm Hoàng Trung và Trần Thị Tâm (cùng trú tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua đấu tranh khai thác và tài liệu thu thập được trước đó, từ cuối năm 2018 cho đến khi bị bắt, Vương Kiếm Hiệp đã lén lút cho 31 người dân trên địa bàn và khu vực lân cận vay với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng với lãi suất từ 6.000 – 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương ứng 219 – 365%/năm, thu lợi bất chính khoảng 1,4 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 2/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khởi tố bị can đối với Nguyễn Thùy Trang về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo hồ sơ vụ án, ngày 21/6/2021, nhận được đơn tố giác của quần chúng Nhân dân về việc bị Nguyễn Thùy Trang (trú tại số 7 Phạm Ngũ Lão, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) cho vay với lãi suất cao để chiếm đoạt tài sản, lực lượng công an đã tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi của Trang cho vay nặng lãi dưới hình thức “bốc bát họ”, lãi suất 146%/năm (gấp 7,3 lần mức lãi suất cao nhất quy định). Tính từ tháng 2/2020 đến tháng 6/2021, Trang đã cho 15 người vay lãi dưới hình thức “bốc bát họ” với tổng số tiền 730 triệu đồng, số tiền thu lợi bất chính 127 triệu đồng.
Quyết liệt đấu tranh với các hành vi sai phạm, từ tháng 4/2020 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, khởi tố điều tra 5 vụ 9 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ 1 đối tượng về hành vi hủy hoại tài sản liên quan đến hoạt động đòi nợ “tín dụng đen”. Viện kiểm sát Nhân dân hai cấp thụ lý 6 vụ 8 bị can, đã giải quyết 6 vụ 8 bị can (truy tố). Tòa án Nhân dân hai cấp thụ lý 10 vụ 15 bị cáo, đã giải quyết 9 vụ 12 bị cáo…
Thượng tá Nguyễn Đình Khải, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu, thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp công tác, đấu tranh làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng “tín dụng đen” không còn hoạt động công khai, phức tạp như những năm trước. Các cơ quan tố tụng trên địa bàn đã có sự thống nhất về nhận thức, quan điểm trong việc vận dụng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen”, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan mà nòng cốt là lực lượng công an sẽ tiếp tục tuyên truyền quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn; phương thức, thủ đoạn, tác hại của hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các thủ đoạn cho vay tiền qua mạng; triển khai đồng bộ các biện pháp để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh triệt phá, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, từng bước xóa “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
YÊN SƠN/baolangsson.vn
https://baolangson.vn/phap-luat/434292-ngan-chan-van-nan-tin-dung-den.html