Ngày 19/9 Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương cho biết lực lượng chức năng một số tỉnh qua kiểm tra đã phát hiện việc vận chuyển thiết bị đo nồng độ oxy và nhịp tim không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên kiểm tra và tạm giữ 3.000 thiết bị đo nồng độ oxy và nhịp tim không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường
Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên ngày 12/9 khám xe tải mang BKS 29C-051.57 do anh Hàn Văn M. (23 tuổi, trú ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển chở theo nhiều thiết bị đo nồng độ oxy và nhịp tim.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện 3.000 chiếc máy đo nồng độ oxy trong máu và nhịp tim (loại kẹp ngón tay) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Loại máy đo nồng độ oxy trong máu và nhịp tim không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng Hưng Yên bắt giữ. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và cho biết chỉ được thuê vận chuyển từ khu vực chân cầu Thanh Trì, Hà Nội về Hưng Yên để giao cho khách hàng.
Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, các thiết bị được phát hiện trên được dùng để hỗ trợ việc thăm khám, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Tiền Giang kiểm tra thực tế lô hàng máy đo nồng độ oxy trong máu. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Ngày 19/9, tại Tiền Giang, một ô tô tải mang BKS 54T-7648 bị lực lượng chức năng tại chốt cầu Mỹ Lợi, xã Bình Đông, thị xã Gò Công dừng xe để kiểm soát công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Khi đó, cán bộ tổ công tác phát hiện hàng hóa trên xe có dấu hiệu vi phạm nên giao Đội Quản lý thị trường số 2 và Cảnh sát Giao thông Gò Công kiểm tra.
Qua kiểm tra, tổ liên ngành phát hiện 24 máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 hiệu Pulse Oximeter do Trung Quốc sản xuất có hóa đơn chứng từ hợp pháp trị giá gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên, lô hàng có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Hiện Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Tiền Giang đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ hàng hóa là chi nhánh Công ty TNHH I.S Việt Nam có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh về hành vi hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
BẢO MINH/dantri.com.vn