Hơn 40 năm làm công an thôn, xã, đến khi về hưu, bà Sáu Minh đã trải qua biết bao vụ án khó quên. Nhưng đáng nhớ nhất là việc thuyết phục được tên tội phạm truy nã ra đầu thú chỉ bằng... thùng bia.
Bà Trần Thị Minh (SN 1959, trú thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam) - nữ công an "đặc biệt" giờ không còn khoác trên mình quân phục ngành, cũng không còn sức khỏe để xông pha vào những nơi có "biến" ở xóm làng nữa. Nhưng khi về xã Tam Anh, nhắc đến bà Sáu Minh, ai cũng biết về bà trưởng công an thôn ngày nào liều mình bắt tội phạm.
"Bông hồng thép" của làng quê
Trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi tìm đến nhà bà Sáu Minh mà người dân ở đây giới thiệu là "bông hồng thép" của làng quê Tam Anh thời xưa.
Bà Sáu Minh, người một thời làm cho tội phạm khiếp sợ.
Ấn tượng đầu tiên về bà là một người phụ nữ cao lớn, khuôn mặt rắn rỏi toát lên nét nghiêm nghị. Nhìn bà, chúng tôi nhớ lại lời kể của người làng, rằng thời đó chỉ cần nghe "bông hồng thép" Sáu Minh, những kẻ xấu đều phải kiêng dè, khiếp sợ.
Bà kể, ngay từ nhỏ, bà đã mê mẩn những thước phim hành động bắt cướp nên trót yêu màu áo của công an. Nhưng vì hoàn cảnh nghèo, không dám mơ cao nên bà đành gác lại ước mơ của mình.
Đến khi đi quân sự trở về, các cán bộ trên huyện Núi Thành thấy bà có dáng cao to, rắn rỏi, có tố chất can đảm nên đã đến động viên bà tham gia vào công an viên ở xã.
Những phần thưởng tinh thần của bà Sáu Minh với sự nghiệp bảo vệ an ninh của thôn, làng.
"Lúc đầu tôi còn ngần ngại bản thân là nữ, khó hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng lỡ yêu nghề công an rồi nên tôi liền gật đầu", bà Minh tâm sự.
Công việc của một công an viên vốn vất vả, với phụ nữ lại càng nguy hiểm hơn trăm bề. Địa bàn lúc đấy lại phức tạp, có nhiều đối tượng anh chị cộm cán, cướp giật hoành hành. Ngày mới nhận nhiệm vụ bà lo lắm, nhưng rồi cũng quen và an ninh địa bàn dần đi vào nề nếp.
Bà nhớ lại vụ án đầu tiên lập công, đó là vụ đối tượng Nguyễn H. nhẫn tâm chém chết vợ mình trong đêm. Khi người dân phát hiện thì ông này đang nằm bên thi thể vợ mình, máu nhuộm đỏ cả sàn nhà, cửa khóa trong, tay vẫn cầm con dao dọa liều chết nếu ai dám bước vào.
"Lúc đó ai cũng sợ, nhưng tôi lại một mình đạp cửa xông vào, mạnh dạn tiến về phía tên sát nhân. Tôi bình tĩnh ngồi nói chuyện để đánh lạc hướng, lợi dụng lúc sơ hở nhanh tay đoạt lấy con dao và tóm gọn kẻ thủ ác", bà Minh kể.
Đối với bà Minh, hạnh phúc là được cống hiến sức mình cho Tổ quốc.
"Hồi đó tôi liều ghê, không biết sợ là gì, cứ xông vào những nơi nguy hiểm. Nhưng bản chất người công an là vậy, vì an ninh xóm làng mà", bà Minh nói.
Sau những vụ án liều mình vì an ninh, bà đã khiến thanh niên chuyên gây rối khắp nơi phải kiêng dè. Ngay cả những cu cậu "đầu xanh, tóc đỏ" quậy phá ở các trường học trên địa bàn chỉ cần nghe thấy tên cô Sáu Minh là "chạy mất dép".
Bắt tội phạm bằng... thùng bia
Hơn 40 năm nhìn lại, bà luôn tâm niệm một điều rằng, tội phạm có nhiều trường hợp có "góc khuất" hoàn cảnh. Nên đôi khi không cần dùng vũ lực để trấn áp mà phải kiên trì thuyết phục để tội phạm hiểu ra cái sai rồi tự đi đầu thú.
Bà kể về kỷ niệm nhớ mãi trong cuộc đời làm công an viên của mình. Đó là trong quá trình đi làm nhiệm vụ, bà đã phát hiện ra hành tung của tên giang hồ bị truy nã tên Trần Nhật Phước (hay còn gọi là Phước "ổi").
Bà không vội "bứt dây động rừng" báo ngay cho công an huyện mà lại kiên trì thuyết phục tên tội phạm này ra đầu thú chỉ bằng… một thùng bia.
Khi phát hiện ra Phước đang ngồi trong quán nước, bà vờ như không biết đây là đối tượng đang bị truy nã, tìm cách tiếp cận và nói chuyện với Phước. Biết được bản tính của Phước nghiện bia, bà Sáu Minh rủ Phước ra quán để nhậu và trò chuyện.
Phước "ổi" cũng biết tiếng "bông hồng thép" Sáu Minh ở đất Tam Anh, nhưng đối tượng chủ quan, khinh mạn bà Sáu Minh là nữ, nhậu yếu, không "đấu" lại Phước, nên đồng ý.
Nhưng Phước vẫn không ngờ đến, cả hai lai rai một hồi đã uống hết một thùng bia, Phước đã say mềm, còn bà Minh vẫn tỉnh bơ. Lúc này "bia vào lời ra", Phước thú nhận hết tội lỗi của mình với bà Sáu Minh.
"Phước nói tôi bắt hắn đi, hắn không trốn nữa. Nhưng tôi chưa bắt mà nhẹ nhàng khuyên giải để Phước ra đầu thú thì tội sẽ được giảm nhẹ hơn. Hắn nghe xong thì gục đầu xuống khóc", bà Minh kể.
Bằng mưu trí và sự chân thành của mình, bà đã cảm hóa được tên tội phạm đang lầm đường lạc lối. Ngay sáng hôm sau, Phước đã cùng bà vào huyện để đầu thú trên chiếc xe máy của mình.
Theo lời của bà Minh, sau khi được trả tự do, Phước đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ đây, anh đang là một ngư dân siêng năng cần cù và mỗi lần lễ, tết, anh lại mang quà đến thăm bà, như để cảm ơn người mẹ thứ 2 đã sinh ra cuộc đời của Phước.
Hoài niệm tuổi 60
Ở cái tuổi ngoài 60, nhiều người đã quây quần bên con cháu, nhưng với bà Sáu Minh, khoảng thời gian đẹp nhất đời mình, bà nguyện cống hiến cho sự bình an của làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên.
Đến giờ bà vẫn "lẻ bóng" trong căn nhà trống hiu quạnh. Căn nhà nhỏ chẳng có gì ngoài chiếc xe máy cũ. Quý giá nhất là những tấm bằng khen, huy chương ghi công những đóng góp của bà vì an ninh, trật tự xã hội tại địa bàn công tác.
"Lúc còn đi làm, tuy cực mà được làm nghề là hạnh phúc rồi. Tôi chỉ mong đóng góp chút sức để gìn giữ được an ninh, trật tự xã hội, chỉ cần như vậy thôi. Đi tới đâu ai cũng thương mình, ai cũng gọi tôi với cái tên Sáu Minh công an, tôi vui lắm", bà Minh tâm sự.
Gương mặt nghiêm nghị, rắn rỏi của người phụ nữ sáng bừng với nụ cười tươi rói lúc hoài niệm những năm tháng được sống trọn vẹn với ước mơ từ thuở nhỏ, và những lần đấu trí, đấu sức vì sự bình yên của làng quê, vì cuộc sống an toàn của bà con nơi bà đã sinh ra và lớn lên.
Hoài Sơn/dantri.com.vn