Cần xem xét Viện kiểm sát thuộc nhóm quyền kiểm soát quyền lực thứ tư

Thứ 4, 27.04.2022 | 08:39:19
781 lượt xem

Bên cạnh quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, cần xem xét Viện kiểm sát thuộc nhóm quyền kiểm soát quyền lực thứ tư và cần nghiên cứu để tách riêng các quy định về VKSND thành một chương riêng trong Hiến pháp...


 Cần xem xét Viện kiểm sát thuộc nhóm quyền kiểm soát quyền lực thứ tư  - Ảnh 1.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 26/4, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND tối cao) tổ chức Hội thảo khoa học "VKSND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại VKSND tối cao đến 817 điểm cầu trong toàn ngành. Đại biểu khách mời tham dự Hội thảo có đồng chí Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của Việt Nam.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng; là nguyện vọng, sự lựa chọn của Nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay.

Thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn kiện, nghị quyết đề ra chủ trương cải cách tư pháp; trong đó, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các đạo luật về tư pháp. Theo đó, các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng đã đổi mới, kiện toàn cả về tổ chức và hoạt động; đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc tiến bộ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là cải cách tư pháp; trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Qua đánh giá kết quả sau hơn 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác cải cách tư pháp ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển đất nước, nhất là trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…

Bên cạnh đó, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn có những hạn chế và bất cập; do đó, nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp Việt Nam nói chung, trong đó xây dựng VKSND "Chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân" vừa là yêu cầu cấp bách vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp.

Một số ý đề xuất mới, đột phá

Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, các đại biểu đã phát biểu tham luận, trao đổi về các nội dung quan trọng, gồm: Sự ra đời của VKSND nhìn dưới góc độ triết học và quan điểm, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đổi mới VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; vai trò của VKSND trong kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực tư pháp - Thực trạng và yêu cầu, giải pháp tăng cường; chức năng thực hành quyền công tố của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; vai trò và yêu cầu của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Các nội dung tham luận, phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định vị trí, vai trò của VKSND trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiết chế Hiến định, độc lập, chuyên trách, có chức năng: Thực hành quyền công tố, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án; kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật.

Các ý kiến cũng có một số ý đề xuất mới, đột phá như: Bên cạnh quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, cần xem xét Viện kiểm sát thuộc nhóm quyền kiểm soát quyền lực thứ tư và cần nghiên cứu để tách riêng các quy định về VKSND thành một chương riêng trong Hiến pháp mà không đặt cùng chương với quy định về TAND để đảm bảo sự phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của VKSND.

Đồng thời, cần nghiên cứu tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong điều tra vụ án hình sự, VKS chỉ đạo hoạt động điều tra; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước và lợi ích của những người yếu thế.

Đặc biệt là từ năm 2002 đến nay, VKSND không thực hiện chức năng kiểm sát chung nên đã tạo ra "khoảng trống" trong thực hiện cơ chế giám sát việc ban hành văn bản pháp quy, xử lý vi phạm hành chính trong cơ chế bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng dẫn đến sự gia tăng của vi phạm pháp luật, tội phạm. Vì thế, cần có cơ chế kiểm soát việc ban hành văn bản pháp quy, việc xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục "khoảng trống" quyền lực không có sự kiểm soát hoặc kiểm soát chưa hiệu quả trong thực tiễn vừa qua đã chỉ ra. Theo đó, có thể giao cho VKSND hoặc một cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả nhiệm vụ này.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến phát biểu đầy tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tham dự Hội thảo. Các ý kiến phát biểu góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện các luận cứ khoa học, phục vụ việc đề xuất những vấn đề cần đổi mới liên quan đến VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan đến VKSND trong giai đoạn mới và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.


Nhật Nam/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/can-xem-xet-vien-kiem-sat-thuoc-nhom-quyen-kiem-soat-quyen-luc-thu-tu-10222042621494204.htm

  • Từ khóa