Mỗi ngày thiếu tá Hoàng Anh Tuấn qua tiệm phở trên phố Trần Tế Xương ba lần vào giờ không cố định để kiểm tra người bên trong có ra ngoài hay không.
Đó là cách cảnh sát khu vực phường Trúc Bạch, quận Ba Đình giám sát cách ly tại nhà gia đình 4 người do liên quan "bệnh nhân 20". Cùng với ba lần kiểm tra đột xuất của anh Tuấn, y tế phường cũng đến đo thân nhiệt hai lần trong ngày. Quy trình lặp lại trong 14 ngày. Xong việc, anh Tuấn trở về chốt cách ly ở đầu phố Trúc Bạch giao với phố Giao Long tiếp tục công việc trực ban.
Suốt hai tuần từ khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm nCoV, những cảnh sát như thiếu tá Tuấn sẽ phải xác minh nhanh nhất người từng tiếp xúc với ca nhiễm. Thông tin họ cung cấp mỗi giờ, mỗi ngày về lịch sử tiếp xúc sẽ giúp chính quyền can thiệp sớm và có biện pháp cách ly. "Tìm kiếm" và "cách ly kịp thời" trở thành biện pháp mấu chốt trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam.
Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, cảnh sát khu vực Công an phường Trúc Bạch. Ảnh: Phạm Dự. |
22h ngày 6/3, Hà Nội thông báo cô gái sống tại căn nhà 125 Trúc Bạch là "bệnh nhân 17", cắt đứt chuỗi 23 ngày toàn quốc không có ca nhiễm mới. Hôm sau, "bệnh nhân 20" được xác định là tài xế của "bệnh nhân 17".
Khi thông tin được phát ra, việc lập danh sách "các F" - những người tiếp xúc gần hoặc liên quan ca bệnh dồn lên vai lực lượng cảnh sát khu vực và cán bộ phường. Thiếu tá Tuấn hiểu nếu mình không tranh thủ từng giờ từng phút, không làm việc với "200% sức lực" có thể những người này sẽ vô tình đi ra ngoài, gặp nhiều người khác. Lúc ấy, "danh sách F sẽ tăng theo cấp số nhân".
Cảnh sát được lệnh "khoanh vùng" tính từ căn nhà số 125 Trúc Bạch. Nhà chức trách xác định, tài xế của cô gái có lịch sử đi lại khá phức tạp. Camera từng nhà trong khu phố được trích xuất và người dân được vận động cung cấp thông tin về lịch sử đi lại của những người sống ở căn 125. Đêm ấy, công an các địa bàn Hà Nội tung quân tìm kiếm được hơn 200 người liên quan, từ F1 đến F4.
Sáng hôm sau, anh Tuấn được người dân báo tin trước đó thấy tài xế này ở trước quán phở trên phố Trần Tế Xương. Ông chủ quán sáng hôm ấy đang bê phở cho khách thì ngạc nhiên khi thấy anh đến tìm. Ông nói không nhớ ai với ai trong hàng trăm lượt khách ra vào mỗi sáng. Nhưng nghe tin quán nằm trong chuỗi lịch sử đi lại của người nhiễm nCoV, ông liền dừng việc kinh doanh, cùng gia đình tự nguyện cách ly. Dựa vào các yếu tố dịch tễ, gia đình bốn người được cách ly tại nhà, có giám sát của công an khu vực và cán bộ y tế phường.
Những người làm việc tại quán cũng cần xác minh để cách ly. Quán có người giúp việc làm theo giờ, tên Hạnh ở phường Bồ Đề (quận Long Biên) nhưng cô này không có số điện thoại. Trưa 7/3, anh Tuấn sang Long Biên tìm, nhờ cảnh sát khu vực ở đó xác minh giúp song được báo "không có người tên Hạnh như miêu tả, chỉ có người tên Vân".
Cuối cùng, anh phát hiện người phụ nữ giúp việc ở quán phở có hai tên. Loanh quanh cả tiếng mới tìm được nhà chị này, anh vào dặn dò chị tự cách ly. Từ báo cáo của anh, lãnh đạo phường Trúc Bạch gửi công văn sang phường Bồ Đề, đề nghị hướng dẫn cách ly và giám sát trường hợp trên. Hôm đó là chiều thứ bảy. Nếu không có việc xảy ra tại phường Trúc Bạch liên quan người nhiễm nCoV, hôm đó anh đã đưa vợ đi dạo phố, mua quà nhân ngày 8/3.
Vừa từ phường Bồ Đề trở về chốt trực, điện thoại Tuấn lại có tin nhắn báo người phụ nữ trên phố Lạc Chính đã gặp vợ "bệnh nhân 21" ở lớp yoga, rồi tiếp xúc với "con gái, con rể, mẹ chồng, chị chồng, người làm biển quảng cáo, ông sửa điều hòa, chị bán rau ở chợ Châu Long, người bán hàng trên phố Nguyễn Khắc Hiếu". Anh thiếu tá cảnh sát khu vực ngồi bấm đốt ngón tay, liệt kê lại danh sách mà chị này đã gặp trong ngày 5/3.
72 giờ tính từ đêm 6/3, Tuấn không nhớ anh đã tìm gặp bao nhiêu người, chỉ biết "nhận được điện thoại là đi". Sổ, bút tốc ký với những câu hỏi lặp lại thành quy trình "anh chị đã đi những đâu, đã gặp những ai?".
Trung tá Dương Minh Tuyến, Phòng Tham mưu Công an Hà Nội, gọi 72 giờ tính từ thời điểm xác nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV " là "72 giờ vàng". Các cảnh sát phải làm việc hết công suất và dò tìm được người từ F1 đến F4.
Công an làm nhiệm vụ tại chốt cách ly Trúc Bạch. Ảnh: Giang Huy. |
Tối 6/3, trung tá Lê Anh Quang, Trưởng công an phường Trúc Bạch, vội bỏ mâm cơm vừa dọn lên bàn để quay lại trụ sở làm việc, khi nhận được tin trên địa bàn có ca nhiễm nCoV.
Đêm ấy, ông Quang thấy các thuộc cấp đã "đi như chạy" khi chuyển barie đến các điểm phong tỏa. Ban đầu, công an tìm những người tiếp xúc theo lời khai của "bệnh nhân 17" với cơ quan y tế. Nhưng để không lọt người nghi nhiễm, các chiến sĩ đã rà soát toàn bộ camera trong khu vực để xác định chính xác những người gặp gỡ cô gái trở về từ Anh này.
Theo yêu cầu của Công an thành phố, các chiến sĩ làm việc tại chốt phong tỏa hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm sẽ "ăn, ngủ, nghỉ, làm việc" tại chỗ, không được về nhà trong 14 ngày.
Ngoài truy tìm người liên quan 20 ca nhiễm nCoV ở Hà Nội, họ trực chốt 24/7 ở các điểm cách ly Trúc Bạch, Yên Ninh, Nguyễn Khắc Nhu. Các tổ khác vẫn đi tuần tra chống trộm cắp.
Trước 20h mỗi ngày, thiếu tá Tuấn sẽ điểm lại số người đã ra vào khu cách ly Trúc Bạch trong sổ theo dõi, ký xác nhận trước khi đổi gác. Trên bàn trực ngoài chai sát khuẩn còn có ấm nước chè xanh chống buồn ngủ. "Bà con tặng cả đấy", anh Tuấn lại bấm đốt ngón tay liệt kê: "Anh em phường Điện Biên tặng cho mấy chục thùng nước, phó công an quận tặng mấy thùng sữa, công an Phúc Xá tặng 2 tạ cam. Cơm nước có người của ủy ban lo. Bà con thấy anh em ngồi nhiều còn cho mượn cái ghế xếp dựa đỡ đau lưng".
Anh Tuấn kể khi biết tin "bệnh nhân 17" trú ở phường Trúc Bạch, bố mẹ anh đòi mang cháu về quê ở tỉnh Yên Bái tránh dịch. Anh trấn an bố mẹ, nhắc hạn chế rao khỏi nhà rồi bảo vợ đưa con sơ tán về nhà bố mẹ đẻ ở khu vực Xuân Phương, cách Trúc Bạch gần 20 km. Nửa tháng nay, anh "gặp" cậu con trai 6 tuổi qua những cuộc gọi video trên điện thoại
Chiều hôm trước, anh nhờ bố đẻ mua thêm một túi đồ dùng sinh hoạt. Ông cụ nán đợi con ở barie đoạn phố Trấn Vũ để nhìn xem "mặt mũi gầy béo thế nào" song anh phải động viên: "Bố về đi. Bao giờ hết cách ly con về". Thấy ông đi khỏi, anh mới ra xách túi đồ, nhờ người phun khử trùng rồi mang vào chốt.
Trong túi có hai chiếc áo sơ mi trắng mới mua để mặc cùng cảnh phục. Người đàn ông xa vợ nửa tháng, chiếc áo mặc đã hai ngày chưa thay đầy vết cáu bẩn ở cổ tay. Mùa dịch, anh sẽ tự giặt quần áo mà không dám phiền ai. Tám năm lấy vợ, người đàn ông 37 tuổi mới lại tự giặt quần áo như thời độc thân.
Phạm Dự - Hoàng Phương/vnexpress.net
https://vnexpress.net/phap-luat/72-gio-do-tim-nguoi-tiep-xuc-benh-nhan-ncov-4071410.html