Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:
Câu 1. Ông Nguyễn Đức Thuần, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: Hiện nay có nhiều trường hợp lên mạng đánh bạc, đánh bạc online. Theo quy định của pháp luật, hành vi này có bị xử phạt không?
Trả lời:
Theo điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình thì người có hành vi đánh bạc online có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.
- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép.
Ngoài ra, tại điều 321 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại điều 322 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạt tù từ 3 năm đến 7 năm với các trường hợp đánh bạc:
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên;
- Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Như vậy, hành vi đánh bạc online tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu 2. Bà Lương Minh Hồng, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để tổ chức hoạt động mua bán dâm bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Theo điều 27 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh; đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
Trong Điều 327 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định về tội chứa mại dâm khi có hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để chứa chấp, hoạt động mua dâm, bán dâm thì bị xử lý như sau:
- Người nào chứa mại dâm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: có tổ chức; cưỡng bức mại dâm; phạm tội 02 lần trở lên; chứa mại dâm 04 người trở lên; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: đối với 02 người trở lên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Câu 3. Ông Nguyễn Sơn Hà, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Người muốn xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 có được ủy quyền cho người khác làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 không?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 41 Luật lý lịch tư pháp quy định phiếu lý lịch tư pháp như sau:
1. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:
a) Phiếu lý lịch tư pháp số 01: Cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để quản lý nhân sự, đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.
Tại Khoản 3 Điều 45 Luật này quy định thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 nêu rõ:
Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Theo đó, nếu ông muốn xin cấp lý lịch tư pháp số 01 thì ông có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm thủ tục cấp trừ trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con thì không cần văn bản ủy quyền.