Việc để người dân tụ tập đông người ở nơi thờ tự khi có lệnh cấm, luật sư Phạm Thị Thu cho rằng, cũng cần rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ ngày 13/3 các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ,.. tạm ngừng đón khách tham quan đến hết ngày 31/3. Tuy nhiên, ngày 24/3 (tức ngày mùng 1/3 âm lịch) hàng nghìn người đổ về Phủ Tây Hồ làm lễ, mặc dù nơi thờ tự này đóng cửa theo quy định của thành phố để phòng chống Covid-19 và nhiều người đến đây cũng phớt lờ quy định của Nhà nước về việc đeo khẩu trang.
Cảnh người dân tụ tập đông người tại phủ Tây Hồ ngày 24/3. Ảnh: Vũ Toàn |
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân tập trung đi lễ thời điểm này là không hợp lý. Cầu khấn cho bản thân họ mà họ không biết rằng có thể chính họ là nguồn lây lan đại dịch cho hàng triệu người!
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Hiến Pháp 2013 và Luật tín ngưỡng 2016 thì mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ chính mình và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm. Nếu người dân không tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định, khuyến cáo thì mọi nỗ lực của Chính phủ và chính quyền Hà Nội sẽ không thể thực hiện. Bên cạnh đó, tùy vào khả năng, hoàn cảnh mà người dân cần chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, nghiêm cấm các hành vi: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Các hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch, hoặc hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người... có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo luật sư Phạm Thị Thu cũng cần rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương phường và quận, thậm chí là trách nhiệm của những người có chức trách ở các cơ sở chùa chiền trong việc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chống dịch đối với việc phổ biến, tuyên truyền, kêu gọi, khuyến cáo và thực hiện việc ngăn chặn người dân tụ tập đến lễ, bái.
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định cụ thể về việc cấm tụ tập đông người nơi công cộng, có những quốc gia quy định chỉ được ra đường cùng với người thân, nếu tiếp xúc với người khác thì sẽ bị xử phạt tiền hoặc phạt tù.
Ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay, các địa phương đều khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường và tạm đóng cửa một số khu vực vui chơi, giải trí.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với những khuyến cáo, cảnh báo thì sẽ không áp dụng chế tài về xử phạt hành chính. Tuy nhiên đối với các hành vi đã có quy định cấm mà vi phạm thì sẽ áp dụng chế tài hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo vị luật sư này, khi Quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng đối với nơi công cộng thuộc phạm vi huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh áp dụng đối với nơi công cộng trong phạm vi tỉnh để hạn chế tập trung đông người được ban hành theo đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền, đúng nội dung thì sẽ có hiệu lực pháp luật. Người nào vi phạm quy định này thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Theo đó, Chế tài hành chính sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm i), khoản 3, điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể hành vi vi phạm là: “i) Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm ;..”.
Trường hợp hành vi tập trung đông người nơi công cộng trái quy định của pháp luật làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan bệnh nguy hiểm chuyển nhượng cho người theo quy định tại điều 240 Bộ luật hình sự với mức chế tài có thể tới 12 năm tù (nếu hậu quả làm chết nhiều người).
Đối với quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là yêu cầu của chính quyền mà bắt buộc mọi cá nhân đều phải tuân thủ chấp hành. Đây là một trong những việc làm để bảo vệ cá nhân theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu cá nhân nào không đeo khẩu trang nơi công cộng khi đã có quy định bắt buộc sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 2, điều 11 của nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế./.
Nguyễn Hiền/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/di-le-chua-trong-mua-dich-benh-co-vi-pham-phap-luat-1027120.vov