Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác dân quân, tự vệ (DQTV), giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) và công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương đã được triển khai toàn diện, linh hoạt, điều chỉnh bổ sung kịp thời, phù hợp với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phòng, chống dịch, ổn định kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN).
Tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý
6 tháng đầu năm 2020, công tác DQTV, GDQPAN, công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến KT-XH, QPAN. Trong bối cảnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài quân đội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện công tác DQTV, GDQPAN, công tác quốc phòng bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Nổi bật là sau khi Quốc hội thông qua Luật DQTV (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, Cục DQTV đã tham mưu với trên ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành, gồm 2 nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về DQTV đã bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các quân khu, địa phương và cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Cục Dân quân tự vệ đã chủ trì xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế Thông tư số 38/2014/TT-BQP về GDQPAN (dự kiến ban hành quý IV-2020); lập quy hoạch ngành quốc gia hệ thống trung tâm GDQPAN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị đã ban hành chỉ thị, kế hoạch công tác DQTV, GDQPAN, công tác quốc phòng và tổ chức xây dựng lực lượng DQTV đúng theo quy định. Đến nay, toàn quốc có hơn 24.400 cơ sở DQTV; hơn 4.900 chi bộ quân sự cấp xã hoạt động bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Cục DQTV đã chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế ban CHQS cấp xã, đơn vị DQTV để phù hợp với sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; điều chỉnh thời gian đăng ký công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV; tổ chức lực lượng DQTV để bảo đảm hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tích cực triển khai xây dựng lực lượng dân quân trên biển.
Kiểm tra bắn đạn thật đối với lực lượng dân quân tự vệ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. |
Chú trọng bảo đảm chế độ, chính sách, duy trì tốt công tác huấn luyện
Từ đầu năm đến nay, các địa phương, cơ quan, tổ chức trên toàn quốc đã thực hiện chế độ, chính sách cho DQTV cơ bản đúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm trang phục DQTV tương đối thống nhất; chi trả đúng, đủ tiền lương, phụ cấp, công tác phí, trợ cấp ngày công lao động, hỗ trợ tiền ăn và các chế độ, chính sách khác cho DQTV. Nhiều địa phương có định mức chi trả trên mức quy định tối thiểu, nhất là một số địa phương trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9; thực hiện nghiêm việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho DQTV, không để xảy ra mất mát, sử dụng sai mục đích. Các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý DQTV đúng theo phân cấp; công tác đăng ký, quản lý DQTV thực hiện tương đối nền nếp. Các quân khu đã chỉ đạo rà soát và đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định công nhận, thôi công nhận cấp xã trọng điểm về quốc phòng. Đến nay, toàn quốc có 4.417 cấp xã trọng điểm về quốc phòng. Các địa phương cũng đã chỉ đạo đầu tư xây dựng và bố trí nơi làm việc của ban CHQS cấp xã phù hợp với điều kiện của từng địa phương; đến nay, đã xây dựng được 3.277 trụ sở làm việc (đạt 30,9%), chủ yếu ở các địa phương thuộc các Quân khu: 2, 5, 7, 9; bố trí 7.048 phòng làm việc riêng (đạt 66,4%), 286 phòng làm việc chung (đạt 2,7%).
Nhằm bảo đảm chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, chương trình, nội dung tập huấn cán bộ, huấn luyện DQTV để phù hợp với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, tình hình, nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự của địa phương. Cùng với đó, công tác đào tạo ngành quân sự cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả; điều chỉnh địa điểm, thời gian, chương trình, nội dung đào tạo chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã trình độ trung cấp ngành quân sự cơ sở khi giải thể trường quân sự cấp tỉnh. Hiện nay, cả nước đang đào tạo 2.663 đồng chí, trong đó: Đại học 1.296 đồng chí; cao đẳng 912 đồng chí; trung cấp 455 đồng chí. Công tác biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chức vụ chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật cho dân quân, dân quân thường trực... được triển khai đúng tiến độ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong 6 tháng qua, lực lượng DQTV thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ; hoạt động phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ biên giới, biển, đảo; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố đạt kết quả thiết thực. Từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã huy động hơn 1.452.000 lượt DQTV với hơn 6.380.600 ngày công.
Công tác GDQPAN là một nội dung được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức. Do đó, hội đồng GDQPAN các cấp thường xuyên được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả; kịp thời điều chỉnh, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng 3, điều chỉnh liên kết GDQPAN cho sinh viên khi giải thể trường quân sự cấp tỉnh và 11 trung tâm GDQPAN thuộc trường quân sự cấp tỉnh. Hội đồng GDQPAN Trung ương đã chỉ đạo Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh TP Chí Minh phối hợp với bộ, ngành Trung ương tổ chức bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng 3 trên địa bàn đạt kết quả tốt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân và tuyên truyền hoạt động của lực lượng DQTV.
Trong 6 tháng đầu năm, thành lập mới Ban CHQS Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; kiện toàn 11 ban CHQS (miễn nhiệm 17, bổ nhiệm 17 các chức vụ chỉ huy). Cơ cấu, thành phần ban CHQS đúng quy định của Nghị định số 168/2018/NĐ-CP. Cùng với đó, ban CHQS bộ, ngành Trung ương, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phối hợp với Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực để xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; kết hợp kinh tế-xã hội (KT-XH) với quốc phòng; quốc phòng với KT-XH; chủ động điều chỉnh quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; hoàn chỉnh phương án sơ tán các ban, bộ, ngành và thế bố trí chiến lược quốc phòng phù hợp tình hình mới. Khu vực phòng thủ các cấp, hệ thống công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, căn cứ hậu phương được quan tâm đầu tư xây dựng tốt hơn, bảo đảm tính cơ động, linh hoạt tạo thế bố trí chiến lược và thế trận liên hoàn, vững chắc trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và diễn tập ứng phó đại dịch Covid-19 do Bộ Quốc phòng chủ trì.
Những kết quả trên đã và đang góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu củng cố QPAN; phòng, chống dịch, ổn định và phát triển KT-XH.
Theo qdnd.vn