Bảo đảm tốt kỹ thuật hàng không cho huấn luyện bay

Chủ nhật, 19.07.2020 | 09:25:22
546 lượt xem

Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực, làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không (BĐKTHK), phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa vào ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ SSCĐ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tìm hiểu công tác BĐKTHK của Sư đoàn 371, chúng tôi được biết, một số chủng loại máy bay của sư đoàn qua sử dụng nhiều năm, đã tăng hạn, sửa chữa, thường gặp các phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới ở nước ta ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, đồng bộ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Để nâng cao chất lượng công tác BĐKTHK cho huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác kỹ thuật (CTKT). Cơ quan kỹ thuật sư đoàn đã chỉ đạo ngành kỹ thuật đơn vị thực hiện đầy đủ nội dung CTKT theo đúng Điều lệ CTKT phòng không-không quân và Quy định CTKT hàng không vừa ban hành. Với phương châm “thắng lợi trên không bắt nguồn từ mặt đất”, cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, đưa công tác BĐKTHK ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị bay, kiểm tra theo chu kỳ, bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa dã ngoại...

Bảo đảm tốt kỹ thuật hàng không cho huấn luyện bay

Nhân viên kỹ thuật Sư đoàn 371 luôn làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện bay.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Chủ nhiệm Kỹ thuật sư đoàn nêu kinh nghiệm: Máy bay của sư đoàn khi đưa vào huấn luyện phải là máy bay tốt, đã được chuẩn bị bay theo 4 dạng, đó là: Chuẩn bị trước ngày bay; chuẩn bị trước khi bay; chuẩn bị bay tiếp và chuẩn bị sau khi bay. Trong đó, chuẩn bị trước ngày bay là dạng công tác chủ yếu để chuẩn bị KTHK cho nhiệm vụ huấn luyện bay. Quá trình này, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của các chuyên ngành KTHK gồm máy bay-động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không tiến hành kiểm soát toàn bộ máy bay; tổ chức thông điện, kiểm tra các hệ thống, sửa chữa, khắc phục những hỏng hóc phát hiện được.

Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện mang, treo theo nhiệm vụ bay, bài bay, kế hoạch bay; tiến hành bảo quản dụng cụ, thiết bị kiểm tra, các phương tiện phục vụ mặt đất đi kèm theo máy bay, vệ sinh công nghiệp; ghi chép đăng ký lịch, sổ sách, nhật ký kỹ thuật. Quy trình chuẩn bị trước khi bay được tiến hành trực tiếp theo đúng nội dung nhiệm vụ ngày bay. Khâu chuẩn bị cho bay tiếp được thực hiện sau khi máy bay hạ cánh lăn về sân đỗ. Trong quy trình này, nhân viên kỹ thuật tiếp thu ý kiến phản ánh của phi công về tình trạng kỹ thuật trong chuyến bay, sau đó tiến hành các công tác kiểm tra, sửa chữa hỏng hóc; tra dầu mỡ, chất lỏng chuyên dụng và nạp khí lên máy bay... Dạng cuối cùng trong chuẩn bị bay là tiến hành công tác chuẩn bị sau khi bay. Quy trình này được thực hiện sau khi kết thúc mỗi ban bay. Nếu những hỏng hóc thông thường, dễ xử lý, nhân viên kỹ thuật có thể sửa chữa ngay tại sân bay. Còn đối với những hỏng hóc phức tạp, nhân viên phải đưa vào xưởng bảo dưỡng kỹ thuật để kiểm tra, sửa chữa...

Ngoài làm tốt công tác chuẩn bị theo 4 dạng trên, ngành kỹ thuật Sư đoàn 371 còn nắm chắc chất lượng, đồng bộ từng chủng loại máy bay; lập kế hoạch bảo quản, sử dụng hợp lý; tổ chức tốt công tác sửa chữa, hồi phục, tăng hạn sử dụng máy bay và động cơ. Sư đoàn duy trì nghiêm các chế độ CTKT; ngày kỹ thuật tuần, tháng; kiểm tra theo chu kỳ, kiểm tra trọng điểm KTHK sau 6-8 ban bay. Cùng với đó, sư đoàn đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật cho máy bay, tiết kiệm công sức, chi phí, hạn chế thấp nhất các hỏng hóc gây uy hiếp an toàn bay, an toàn mặt đất. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, áp dụng hiệu quả trong công tác bảo đảm KTHK, tiêu biểu như: “Thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra tên lửa không điều khiển trên máy bay Su-30MK2” của Thiếu tá Nguyễn Tiến Long; “Thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra khối nguồn N001-76 của tổ hợp ra-đa vô tuyến RLPK-27” của Thiếu tá QNCN Tạ Quán Quân...

Trong thời gian tới, ngành kỹ thuật Sư đoàn 371 tập trung nghiên cứu tính năng các trang bị mới; phát hiện và khắc phục kịp thời các hỏng hóc phát sinh; không để xảy ra uy hiếp an toàn bay do lỗi chủ quan làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Cùng với đó, sư đoàn tổ chức các hội thi máy bay, xe-máy tốt, kho, xưởng, đài, trạm kiểu mẫu; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; làm tốt công tác tiếp nhận KTHK sau sửa chữa lớn và bàn giao KTHK cho các nhà máy, đơn vị bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ, an toàn.


Bài và ảnh: NGÂN KHÁNH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-dam-tot-ky-thuat-hang-khong-cho-huan-luyen-bay-627363

  • Từ khóa