Bên ly trà nóng, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đưa chúng tôi trở về với những trận chiến đấu vang dội của một thời khói lửa.
Nhắc lại chuyện xưa, vị tướng trận mạc thoáng trầm ngâm, chia sẻ: “Năm 1970, tướng Abram quân đội Mỹ, sử dụng lữ đoàn 1, sư đoàn 5 bộ binh cơ giới của Mỹ thực hiện chiến thuật “Trâu rừng”. Ban ngày, địch dùng phi pháo kết hợp với bộ binh cơ giới xe tăng, xe bọc thép tổ chức thành nhiều mũi, đi càn khắp nơi. Tối chúng bí mật cho xe cụm lại xung quanh các vị trí quan trọng. Nếu bị đối phương tiến công, xe tăng vừa là hỏa lực chi viện, vừa là công sự thép. Nếu ta đánh theo cách đánh tiến công thông thường thì sẽ bị mắc vào các “bẫy thép” của địch”. Tháng 4-1970, tôi là Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3 và đồng chí Dy, Chính trị viên đại đội được chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Quân khu 4) giao nhiệm vụ đánh và tiêu diệt một cụm cấp đại đội của lữ đoàn 1, sư đoàn 5 bộ binh cơ giới của Mỹ”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia Thành cổ Quảng Trị (ảnh chụp trước tháng 4-2021). |
Sau khi nhận lệnh, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu trình bày phương án tác chiến: Chọn những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, can trường để thực hiện chiến thuật theo phương châm tác chiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”. Theo đó, lực lượng tác chiến của đại đội sẽ chia làm 3 mũi, bám sát và phải nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của địch, từ bố trí lực lượng đến cách thức tổ chức đi càn và co cụm phòng thủ. Theo đúng phương án tác chiến, 21 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 được trang bị gọn nhẹ, quyết tâm lên đường tìm địch để diệt. Để bảo đảm bí mật, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu chọn đường tiến quân dọc theo sông Cam Lộ. Mỗi khi vượt đường, đơn vị lại tổ chức trải vải dù bước lên và chiến sĩ đi sau cùng vừa đi giật lùi, vừa dùng cành cây nhiều lá quét xóa dấu chân. Gần 4 ngày đêm hành quân theo bộ binh cơ giới địch, cả đại đội chỉ ăn lương khô và uống nước lã nên sức khỏe có phần giảm sút. Đặc biệt, sáng 4-4-1970, khi đơn vị vừa đến bãi Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thì gặp thám báo Mỹ. Chúng gọi máy bay và pháo binh đánh vào đội hình của Đại đội 2. Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng hai chiến sĩ bị thương. Đại đội trưởng đề nghị quân y băng bó vết thương ở tay trái và kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị đánh địch. Còn hai chiến sĩ, sau khi băng vết thương, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cho người đưa xuống khe suối cạn và dặn: “Hai đồng chí ở lại đó, đơn vị đánh xong trận này sẽ quay lại đón”.
Tối 4-4, tiếng pháo cối của địch thỉnh thoảng lại vang lên ở Tân Kim. Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu nhận định: “Ở đâu có tiếng cối cá nhân của địch bắn ra là ở đó có bộ binh cơ giới”. Rồi ông chỉ huy đơn vị lần theo tiếng cối để tìm địch. Đến 22 giờ đêm cùng ngày, qua ánh sáng của đèn dù, pháo sáng, Đại đội 2 tìm thấy 3 cụm cơ giới Mỹ. Sau khi quan sát, phân tích tình hình, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu tổ chức hội ý chỉ huy các mũi và giao nhiệm vụ: “Theo cách bố trí của địch thì chỉ huy cụm bộ binh cơ giới Mỹ sẽ ở vị trí Sáp Đá Mài, chúng sẽ chủ quan và sơ hở nên ta bỏ hai cụm phía bắc mà tập trung tiêu diệt cụm ở Sáp Đá Mài”.
Ngay sau đó, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng 2 trung đội trưởng và 4 chiến sĩ trinh sát cơ động xâm nhập nghiên cứu tình hình địch. Đúng như nhận định, cụm địch ở Sáp Đá Mài là cụm xe chỉ huy gồm 16 xe tăng bố trí thành hình vòng cung và có nhiều nhà bạt, cần ăng ten. Sau khi trinh sát, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy đơn vị chia thành 3 mũi tiến công. Các xạ thủ B40, B41 được dẫn đường bố trí áp sát xe tăng địch. 3 giờ 15 phút sáng 5-4, các mũi đã áp sát đội hình địch theo kế hoạch. 3 giờ 40 phút Đại đội trưởng trực tiếp đưa tổ luồn sâu tiếp cận sở chỉ huy địch. Khi cách địch khoảng 7m, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu lệnh nổ súng. Ngay sau khi chiếc xe chỉ huy của địch bị hai quả đạn B41 bắn cháy, toàn đại đội xung phong. Trận đánh diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ B40, B41 bắn cháy liên tiếp nhiều xe tăng địch. Đến gần sáng, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên Dy cho đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng. Trận đánh của Đại đội 2 đã làm lính Mỹ vô cùng hoảng sợ, góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Mỹ Abram. Sau trận đánh, tập thể Đại đội 2 và cá nhân Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Kể đến đây, giọng vị tướng trận mạc bỗng trùng xuống: “Ngoài 2 chiến sĩ bị thương trước trận đánh, sau trận tập kích địch ở Sáp Đá Mài, đơn vị tôi có 6 đồng chí hy sinh. Nhưng điều đọng lại là trận đánh đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 lên rất cao, tạo tiền đề cho nhiều chiến thắng sau này”.
VIỆT HÀ/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/thoc-sau-tieu-diet-gon-673454