Đêm 16, rạng ngày 17-10, do ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc và các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) bị ngập úng, lũ quét, sạt lở cục bộ, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trước hậu quả của thiên tai, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và dân quân đã kịp thời có mặt tại các điểm nóng, tích cực vận động, di dời, sơ tán nhân dân, khắc phục hậu quả.
Theo đề nghị của chính quyền địa phương, rạng sáng 17-10, dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Thế Thái, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 (Quân khu 5), gần 30 cán bộ, nhân viên cùng nhiều phương tiện cứu hộ chuyên dụng đã khẩn trương cơ động đến các khu vực trũng thấp, đang bị nước lũ cô lập ở hai xã biên giới Ia Rvê, Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc), phối hợp cùng các lực lượng chức năng tích cực sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Lực lượng cứu hộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 sơ tán nhân dân đến nơi tránh trú. |
Tại khu vực thôn Của (xã Ia Lốp), sau khoảng 4 tiếng tìm kiếm, các chiến sĩ lần lượt đưa được 8 người dân đang bị mắc kẹt trong các lán trại chăn nuôi, sản xuất nằm cạnh bờ sông Ea H’leo đến nơi an toàn. Ngồi trên xuồng cứu hộ, bà Nguyễn Thị Thơi (69 tuổi) cho biết: “Chiều tối qua, nghe bộ đội thông báo thủy điện chuẩn bị xả lũ, đề nghị mọi người khẩn trương sơ tán đến nơi tránh trú, song vì lấn bấn chuyện heo gà, thóc lúa, vợ chồng tôi chưa thể đi ngay. Nào ngờ nửa đêm, nước đột ngột dâng cao khiến căn lán chìm trong biển nước. May có bộ đội đến cứu kịp thời, nếu không chẳng biết sẽ ra sao”.
Chòi canh rẫy nằm ở khu vực cao ráo nên lần này, dù được cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo sớm song ông Lê Văn Tới (67 tuổi, trú tại thôn Của) chủ quan trong việc tìm nơi tránh trú. Tờ mờ sáng, thấy nước lũ lên nhanh, ông mới vội vàng thu xếp đồ đạc, tìm cách trở về nhà. Tuy nhiên mới đi được một đoạn, đến chỗ ngập sâu, xe bất ngờ chết máy, ông Tới bị nước lũ cuốn ra xa. Phát hiện vụ việc, lực lượng cứu hộ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, cứu sống ông trong tình thế cực kỳ nguy hiểm.
Đại tá Nguyễn Thế Thái cho biết: “Hiện nay, tất cả đội sản xuất nằm trong khu vực trũng thấp, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt của đơn vị đều được trang bị ca nô cứu hộ, phao cứu sinh... để sẵn sàng cơ động, triển khai lực lượng hỗ trợ, sơ tán nhân dân. Chính vì vậy, khi các thôn 7, 12, 13, 14 (xã Ia Rvê) và thôn Của (xã Ia Lốp) đã bị ngập sâu, bộ đội đã kịp thời sơ tán, di dời được hơn 50 người dân cùng nhiều tài sản, hoa màu, vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ đã nhường phòng, nhường giường, bố trí chu đáo nơi ăn, chốn nghỉ cho bà con”.
Tại các huyện miền núi Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), những ngày qua, do mưa lớn, sạt ở đất, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã bị cô lập hoàn toàn, nhiều nhà dân bị tốc mái, ngập sâu trong bùn đất. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ, cấp ủy, chính quyền, LLVT các địa phương đã kịp thời tuyên truyền, vận động, di dời được hàng nghìn người dân tại các khu vực có nguy có xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi tránh trú. Đồng chí Hoàng Đình Ba-Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ dân quân xã vừa tích cực tham gia truy vết, tuần tra, chốt chặn, phục vụ, bảo đảm hậu cần tại các khu vực cách ly, phong tỏa, vừa tổ chức sơ tán được hàng trăm hộ dân tại làng Trà Văn A, làng Chiêng, cùng nhiều tài sản, vật nuôi đến các nhà làng tránh lũ. Trong mỗi nhà làng, chúng tôi đều dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nhu yếu phẩm, đủ để người dân sử dụng từ 5 đến 7 ngày nên bà con rất yên tâm, phấn khởi”.
Dân quân xã Phước Kim, huyện Phước Sơn giúp dân dọn nhà sau lũ. |
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phước Sơn cho biết: “Huyện Phước Sơn đang là tâm dịch của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện xuống cơ sở, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương khoanh vùng, dập dịch, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. Để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa, khu sơ tán, việc bóc tách, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao được chúng tôi tiến hành chặt chẽ”.
Trực tiếp tham gia cùng các lực lượng dân quân xã A Xan, xã Dang giúp đỡ các hộ dân bị đất đá bồi lấp sân vườn, nhà cửa, Trung tá Đinh Văn Tiến, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tây Giang, cho biết: “Do dự báo chính xác tình hình và chủ động di dời dân từ sớm nên đến nay, địa phương chưa có thiệt hại về người. Để bà con sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, công tác giúp dân được các lực lượng chức năng tiến hành rất khẩn trương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà bị hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ vẫn tích cực tham gia giúp dân”.
Những việc làm trách nhiệm, kịp thời của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 trong bão lũ, hiểm nguy đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và hàng vạn người dân vùng tâm lũ.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG/qdnd.vn