Buổi sáng hôm ấy, một người lính Biên phòng còn rất trẻ, mặc quân phục dã chiến đưa đôi tay lướt trên dãy phím của cây đàn piano được đặt ở giữa sảnh chính khu vực đón tiếp của Bệnh viện Quân y 175.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về chiến sĩ trẻ tài hoa này qua bài viết của cộng tác viên Trúc Hà, Báo Biên phòng. Clip đầy đủ hơn về Tiêu Nghĩa Phong sẽ được chúng tôi giới thiệu trên Chuyên trang Media của Báo Quân đội nhân dân tại đây
Tiếng nhạc cất lên tựa như làn gió bay qua, làm dịu lại căng thẳng trên khuôn mặt đầy lo âu của những bệnh nhân đang chờ tới lượt khám.
Sáng 27-10 vừa qua, tại sảnh chính Khoa Khám bệnh, khu vực đón tiếp bệnh nhân của Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều bệnh nhân và người nhà tập trung làm thủ tục. Ở bệnh viện nên ai cũng vội vã, gương mặt đầy lo âu. Bỗng nhiên, không gian như dừng lại khi tiếng đàn piano cất lên. Hóa ra, một người lính Biên phòng rất trẻ, mặc quân phục dã chiến, bên cạnh là chiếc balo quân trang và anh đang chơi đàn ở giữa sảnh chính đón tiếp bệnh nhân. Người lính Biên phòng ấy gần như không để ý gì đến xung quanh, đôi tay cứ lướt nhẹ trên những phím đàn. Anh đang chơi bản nhạc “Tháng Tư là lời nói dối của em” của nhạc sĩ, ca sĩ Hà Anh Tuấn.
Hình ảnh Binh nhất Tiêu Nghĩa Phong chơi đàn tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Quân y 175 thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng Tiktok (ảnh chụp màn hình) |
Một trong số những người có mặt lúc đấy đã quay lại cảnh người lính Biên phòng chơi đàn và đưa lên mạng xã hội Tiktok. Chỉ trong vòng 2 ngày, clip đã có gần 1,7 triệu lượt người xem, gần 200.000 người bày tỏ cảm xúc và bình luận. Những lời khen ngợi, xuýt xoa, bày tỏ cảm xúc trước hình ảnh người lính trẻ thả hồn theo nốt nhạc quá đỗi đẹp đẽ và bình yên đến lạ. Nhiều bạn trẻ cứ ngỡ rằng, hình ảnh này chỉ bắt gặp trong những thước phim tình cảm Hàn Quốc. Nhưng không, đó là hình ảnh rất đời thường, rất thật của người lính Biên phòng Việt Nam giữa Quân y viện 175 ở TP Hồ Chí Minh đang trong những ngày phục hồi sau “cơn bão” đại dịch Covid-19.
Người chơi bản nhạc “Tháng Tư là lời nói dối của em” trong clip được mọi người chia sẻ đó là Binh nhất Tiêu Nghĩa Phong, học viên lớp Hàng hải K34, Trường Trung cấp Biên phòng 2, Bộ tư lệnh BĐBP. Sau này khi được hỏi, Tiêu Nghĩa Phong đã chia sẻ: “Sáng hôm đó, tôi làm thủ tục nhập viện nhưng giấy tờ có chút trục trặc. Trong thời gian ngồi chờ, tôi có chút lo lắng vì sợ việc không xong.
Tôi bỗng nhìn thấy cây đàn piano giữa sảnh đón tiếp bệnh nhân. Sau khi được người quản lý cho phép, tôi quyết định chơi 1 bản nhạc để giảm bớt căng thẳng. Lúc đấy cũng không nghĩ nhiều. Đến khi bạn bè xem được, nói lại, tôi mới biết việc mình chơi đàn ở bệnh viện được quan tâm như thế”.
Binh nhất Tiêu Nghĩa Phong, người chơi đàn tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Quân y 175 thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng Tiktok. |
Không chỉ biết chơi đàn, Binh nhất Tiêu Nghĩa Phong còn có khả năng sáng tác và thường tự hát các bản nhạc của mình dù anh tốt nghiệp Trường Đại học Nha Trang, ngành Công nghệ Thông tin.
Tiêu Nghĩa Phong kể về cơ duyên đến với âm nhạc của mình: “Cách đây mấy năm, trong lúc ngồi chờ bố ở gần biển, tôi lấy đàn ghi ta ra chơi và hát. Một người đàn ông đi qua, đứng lại có dáng vẻ nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng giơ biểu hiện “like” về phía mình. Tôi bỗng thấy tự tin chơi đàn và hát hết bài hát. Người đàn ông rời đi mà quên cầm theo chiếc mũ, tôi gọi với theo.
Dù khoảng cách rất gần nhưng người đàn ông cứ thế đi thẳng mà không ngoái lại. Người phụ nữ bán nước gần đó với tôi: “Chú ấy bị khiếm thính, không nghe được cháu gọi đâu”. Lúc ấy, tôi cứ không hiểu tại sao một người đàn ông khiếm thính thì nghe mình chơi nhạc và hát bằng cách nào. Rõ ràng, người đàn ông có những biểu cảm trên gương mặt và người đàn ông ấy còn liên tục đưa bàn tay giơ biểu tượng like về phía mình”.
Tôi kể cho bố nghe (bố của Binh nhất Tiêu Nghĩa phong là Thượng tá Tiêu Nghĩa Minh, hiện công tác tại Bộ chỉ huy BĐBP Khánh Hòa) và được ông chia sẻ: “Bố nghĩ, âm nhạc có thể còn cảm nhận qua ánh mắt, qua cảm xúc chứ không chỉ bằng âm thanh. Đến một người khiếm thính còn thích nghe con đàn hát thì chẳng có lý do gì mà con không tiếp tục sáng tác và hát”. Việc người đàn ông khiếm thính “thích” nghe mình hát khiến Tiêu Nghĩa Phong có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê.
Ngày nhập ngũ vào Bộ chỉ huy BĐBP Khánh Hòa, hành trang của Tiêu Nghĩa Phong có thêm cây đàn ghi ta. Cuộc sống quân ngũ đã cho Tiêu Nghĩa Phong biết bao trải nghiệm về tình đồng chí, đồng đội.
Đôi khi, cảm xúc òa về, chàng lính trẻ lại lấy giấy, bút để “chuyển hóa” thành nốt nhạc. Thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, mọi người đã biết tài lẻ của chàng lính trẻ nên có lúc trên thao trường, Tiêu Nghĩa Phong được chỉ huy đại đội yêu cầu đàn, hát trong giờ giải lao. Đây cũng là thời gian anh sáng tác nhiều nhất.
Ca khúc “Không tên” được Tiêu Nghĩa Phong sáng tác ngay trên thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Khánh Hòa. Đặc biệt, ca khúc của chàng lính trẻ còn có cả đoạn “rap”: "Vì anh là lính, là lính Biên phòng. Là lính lính Biên phòng. Xa nhau bao lâu em có phiền không? Có là phiền không? Anh không quan tâm những chuyện tiền nong.
Anh không nói chuyện viển vông. Vì khi yêu anh chắc một điều, Tình yêu ta có triển vọng. Dù xa nhau thế nào. Yêu em trong từng tế bào…”. Ngôn từ rất “rap” và rất “teen” nên được những chàng lính trẻ trong đơn vị truyền tai nhau, nhanh chóng đọc thuộc bởi gần như ai cũng thấy mình trong đó.
Khi được hỏi cảm xúc trở thành “sao” trên mạng xã hội, Tiêu Nghĩa Phong khiêm tốn: “Âm nhạc là sở thích, giúp tôi bớt căng thẳng và thấy yêu đời hơn. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ sau khi hoàn thành khóa học sẽ quay về Khánh Hòa làm bộ đội biên phòngP như bố. Có điều kiện thì sẽ sáng tác, tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị để hát cho đồng đội và bạn bè nghe”. Câu trả lời của chàng lính trẻ thật giản dị như hành trang của người chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc.
THANH TRÚC/qdnd.vn