Để đưa luật vào cuộc sống, cần phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, nhất là các cơ quan báo chí và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; tận dụng công nghệ thông tin, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể.
Trung tướng LÊ PHÚC NGUYÊN, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân:
Tăng cường đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái
Một trong những thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch là triệt để lợi dụng những vấn đề nảy sinh từ các vụ việc, các “điểm nóng” phức tạp trên Biển Đông và thềm lục địa Việt Nam để đưa ra các thông tin, bình luận thật giả lẫn lộn, nhằm bóp méo, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua đó gây dư luận xấu, ý kiến trái chiều để tạo ra những “ngòi nổ” gây kích động và làm căng thẳng thêm các mâu thuẫn trong xã hội.
Để giành phần thắng trong cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, theo tôi, cần sớm xây dựng một chiến lược truyền thông bài bản, khoa học, làm cho mọi người dân trong nước, kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu biết đúng đắn, chính xác về các vấn đề cốt lõi liên quan đến sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước những năm qua, chúng tôi thấy, việc đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không thể làm nhất thời, chạy theo các vụ việc cụ thể, đối phó một cách bị động mà phải làm liên tục, lâu dài, có kế hoạch bài bản với tinh thần chủ động tiến công.
Về nhận thức, cần thống nhất mục tiêu cơ bản, lâu dài trong cuộc đấu tranh này là phải bằng mọi cách nâng cao sức đề kháng cho mỗi người dân để làm giảm, tiến tới triệt tiêu những tác động tiêu cực mỗi khi họ vô tình hay hữu ý tiếp xúc với thông tin xấu độc, xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Công chúng, báo chí cũng như người dùng mạng xã hội phải có đủ sự tỉnh táo, nhạy bén trên cơ sở hiểu biết và nhận thức đúng, để phân biệt đúng-sai, thật-giả, tốt-xấu, tích cực-tiêu cực, lợi-hại, yêu nước thật hay chống phá... Làm được việc này thì dù những “anh hùng bàn phím” hay các “nhà yêu nước ảo” kia có bày đặt, dàn dựng tin tức, bình luận kiểu gì cũng khó mà lung lạc lòng tin của người dân, vì không còn ai tin họ nữa...
Cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho ngư dân. Ảnh: Chu Anh. |
Thiếu tướng ĐỖ THANH PHONG, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị):
Phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến luật
Để đưa luật vào cuộc sống, cần phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, nhất là các cơ quan báo chí và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; tận dụng công nghệ thông tin, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể.
Coi trọng xây dựng, bồi dưỡng lực lượng hạt nhân; đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, gắn với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Quan tâm đúng mức trong việc đẩy mạnh tuyên truyền ở các xã, phường, nhất là ở các địa phương ven biển.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư trang bị, vật tư tuyên truyền cho các đơn vị cơ sở, xã, phường, huyện đảo và ven biển. Các đơn vị trong lực lượng CSB tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, huyện đảo và ven biển nhân rộng các mô hình, cách làm tốt; củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nghiên cứu, lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng, địa bàn; thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật.
Bộ tư lệnh CSB cần thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội, cả Trung ương và các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam trên phạm vi cả nước; các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại; kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập, chưa thống nhất do hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời...
-------------
Chuẩn Đô đốc PHAN TUẤN HÙNG, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân:
Phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật
Sau khi Luật CSB Việt Nam được ban hành, Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện thống nhất, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ thực tiễn; tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng, nhất là các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.
Trên cơ sở ký kết công tác tuyên truyền biển, đảo với 63 tỉnh, thành phố và 15 cơ quan Trung ương, QCHQ đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Luật CSB Việt Nam cho cán bộ và nhân dân. Đặc biệt, QCHQ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” với 4 nhóm hoạt động chính là: Tập trung tuyên truyền giáo dục cho ngư dân nắm được những chủ trương, kiến thức pháp luật về biển của Việt Nam; tổ chức lực lượng hướng dẫn, bảo vệ ngư dân làm ăn trên biển; xây dựng các tổ, đội công tác ở quần đảo Trường Sa để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế biển, đảo đúng luật pháp; phát huy vai trò của nhân dân trong việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, nhất là hành vi đánh bắt thủy hải sản trái pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và môi trường hòa bình trên biển, tiến tới tác động để Ủy ban châu Âu (EC) tháo gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ tư lệnh QCHQ sẽ thường xuyên trao đổi với Bộ tư lệnh CSB, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với nội dung, đối tượng tuyên truyền. Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đấu tranh, phòng, chống cướp biển...
--------------
Thiếu tướng HOÀNG HỮU CHIẾN, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng:
Sát cánh trong thực thi pháp luật
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự trên biển, từ năm 2014, Bộ tư lệnh BĐBP và Bộ tư lệnh CSB Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự trên các vùng biển. Đến nay, hai lực lượng vẫn duy trì thực hiện quy chế, đạt được những kết quả quan trọng.
Các đơn vị của hai lực lượng thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo tình hình, phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tuần tra, kiểm soát, xử lý vụ việc trên biển; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Thông qua các biện pháp công tác, hai lực lượng đã chủ động, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình nghiệp vụ chuyên sâu về hoạt động của các loại tội phạm và nhiều thông tin có giá trị khác.
Đặc biệt, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị BĐBP và CSB đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý hàng chục tàu vận tải của nước ngoài vi phạm lãnh hải, nội thủy Việt Nam; phát hiện, xua đuổi hàng nghìn tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền khai thác hải sản trái phép; bắt giữ, xử lý hàng trăm phương tiện vận chuyển hàng hóa trái phép, sử dụng vật liệu nổ, kích điện khai thác hải sản, thu giữ nhiều tài sản có giá trị để xử lý.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng CSB Việt Nam đã điều động nhiều lượt tàu phối hợp với BĐBP xử lý các vụ xuất, nhập cảnh trái phép trên vùng biển Tây Nam... Thời gian tới, hai lực lượng sẽ tiếp tục quán triệt, duy trì triển khai hiệu quả quy chế phối hợp, góp phần bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các lực lượng thực thi pháp luật, giữ vững chủ quyền, an ninh trên vùng biển của Tổ quốc...
--------------
Thiếu tướng TRẦN MINH THANH, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4:
Tuyên truyền tích cực, có hệ thống
Sau khi Luật CSB Việt Nam ra đời, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2019-2023” và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong LLVT quân khu phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả.
Với đặc thù 6/6 tỉnh thuộc địa bàn quân khu đều có biển, trong đó, một số địa bàn có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế biển của địa phương, đồng thời là trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước, những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phân công đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên sưu tầm sách, tài liệu, xây dựng đề cương tuyên truyền về luật phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với trình độ, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Nội dung tuyên truyền phong phú, gần gũi với đời sống hoạt động, công tác, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân; hình thức đa dạng như qua các cuộc tọa đàm, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, xây dựng phiên tòa giả định, tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh nội bộ của từng cơ quan, đơn vị...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò cơ quan thanh tra, pháp chế, tòa án, viện kiểm sát... tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
--------------
Đồng chí LÊ HỒNG VINH, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An:
Nhiều cách tuyên truyền tới nhân dân
Sau khi Luật cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có hiệu lực, UBND tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ban hành những văn bản, tổ chức hội nghị giới thiệu nội dung của Luật CSB Việt Nam; tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, như: Tuyên truyền ở bản tin trên truyền hình; xuất bản sách, tài liệu, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội; thông qua hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại cơ sở; tổ chức các buổi tuyên truyền về luật tại địa phương... giúp cán bộ, nhân dân địa phương hiểu được ý nghĩa, nội dung cơ bản của Luật CSB Việt Nam, nhất là vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSB Việt Nam; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện chế độ, chính sách, tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSB Việt Nam thực thi nhiệm vụ.
Để nâng cao nhận thức và thực hiện luật nghiêm túc, hiệu quả, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật CSB Việt Nam thông qua ngày pháp luật; qua các chuyên trang, chuyên mục của bản tin pháp luật và đời sống; đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật công nghệ mới trong công tác phổ biến, tuyên truyền luật...
--------------
Ông HUỲNH THẾ ĐIỂU, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam):
Vững tin vươn khơi khi có cảnh sát biển
Từ bao đời nay, nhân dân xã Tam Quang phần lớn là sống bằng nghề biển. Năm 2012, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang được thành lập với 187 đoàn viên và nay là 325 đoàn viên, chiếm khoảng 95% tổng số ngư dân toàn xã. Nghiệp đoàn đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa tin cậy, tập hợp đoàn viên, ngư dân tạo dựng sức mạnh tập thể, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Qua đó, ngư dân Tam Quang vừa phát huy hiệu quả nghề khai thác hải sản truyền thống của cha ông, vừa sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Có được kết quả đó, không chỉ có sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân, gia đình cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành mà còn là đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2.
Có thể khẳng định, thông qua các hoạt động đồng hành của lực lượng CSB như: Tổ chức cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền pháp luật; chăm lo, thăm hỏi, tặng quà; tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần... đã giúp ngư dân Tam Quang đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của ngư dân khi hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển cũng như trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sự có mặt của các tàu CSB đồng hành trong mỗi chuyến ra khơi đã giúp ngư dân của nghiệp đoàn có thêm động lực, niềm tin để ngư dân Tam Quang mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền trang thiết bị hiện đại ra khơi với đội tàu hùng mạnh, yên tâm bám biển, khai thác hải sản dài ngày tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển, đảo...
--------------
Đại tá ĐOÀN TÁ TUÂN, Phó trưởng phòng Tác chiến (Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu):
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa dân quân tự vệ biển với cảnh sát biển
Những năm qua, lực lượng CSB Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) biển và các lực lượng khác tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền và thực thi pháp luật theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nổi bật là, lực lượng CSB đã phối hợp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chỉ huy, thuyền trưởng, thợ máy, lái tàu của hải đội dân quân thường trực; huấn luyện cho các phân đội DQTV biển nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ vũ khí, phương tiện được trang bị, khả năng hiệp đồng xử trí các tình huống đấu tranh trên biển; huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của Việt Nam theo quy định của Chính phủ và của Bộ Quốc phòng.
Hằng năm, lực lượng CSB đã chủ trì, phối hợp với lực lượng DQTV biển tổ chức thực hiện hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, bắt giữ, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam; đồng thời phối hợp tổ chức hàng trăm lượt tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa hai lực lượng, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, công tác thực thi pháp luật trên biển phải tiếp tục gắn liền với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hai bên tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm quy chế, kế hoạch hoạt động phối hợp, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...
--------------
Bà ĐỖ THỊ THU LAN, Phó trưởng phòng Nông nghiệp-Biển đảo, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam:
Thông tin về biển, đảo phải đa dạng, hữu ích
Kể từ khi triển khai xây dựng đề án luật đến khi chính thức được Quốc hội khóa XIV thông qua và triển khai đi vào cuộc sống, Chương trình biển, đảo Việt Nam luôn bám sát các nội dung của Luật CSB Việt Nam để thông tin đến thính giả cả nước. Qua các chuyến công tác đến các địa phương ven biển, phỏng vấn lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân cho thấy: Luật CSB đã được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phổ biến đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức, nhất là trong công tác dân vận.
Người dân cũng tiếp thu luật qua các kênh thông tin như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, hệ thống báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác, vì thế, nhận thức của cán bộ, nhân dân về Luật CSB Việt Nam ngày càng được nâng lên. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSB... từ đó chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật, góp phần tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống.
Từ thực tế công tác tuyên truyền về Luật CSB Việt Nam thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Thời sự, Phòng Nông nghiệp-Biển đảo đã xác định các giải pháp nhằm đổi mới công tác này để bảo đảm đưa Luật CSB Việt Nam không ngừng đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến kịp thời, sâu rộng những nội dung được đề cập trong luật để người dân hiểu đúng, đầy đủ, sâu sắc hoạt động của lực lượng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, đấu tranh chống các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trên biển...
-------------
Thạc sĩ LẠI VĂN HUYẾN, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (tỉnh Nam Định):
Bồi đắp tình yêu biển, đảo cho học sinh
Biển, đảo Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận có hơn 2/3 cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển để tiến hành xâm lược. Nhiều năm qua, trên Biển Ðông luôn tồn tại những tranh chấp rất phức tạp giữa một số nước. Đây cũng là nơi tiềm ẩn những yếu tố có thể dẫn tới mất ổn định, tác động đến chủ quyền, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thực tế hiện nay, số học sinh ở nước ta có kiến thức, có sự hiểu biết về biển, đảo và chủ quyền biển, đảo ở nước ta chưa nhiều. Chương trình, nội dung giáo dục trong nhà trường chưa đủ để giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, có chiều sâu về các vấn đề biển, đảo Việt Nam. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ quyền và tình yêu biển, đảo cho học sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhận thức thực tế trên, những năm qua, Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã tiến hành đồng bộ các hoạt động giáo dục chủ quyền và tình yêu biển, đảo. Bằng các hình thức như: Trang bị tài liệu, sách, báo, chiếu phim, giới thiệu; hội thi, hội trại, văn nghệ, báo tường theo chủ đề; lồng ghép kiến thức về biển, đảo vào các môn học... Vì vậy, các kiến thức về biển, đảo, chủ quyền quốc gia dần thấm, ngấm vào các thế hệ học sinh.
Thông qua công tác giáo dục, học sinh đã hiểu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng của biển, đảo Việt Nam, hiểu hơn về như đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, tạo động lực để các em phấn đấu học tập, lao động tốt, sẵn sàng cống hiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
-------------
Hạ sĩ NGUYỄN VĂN NAM, chiến sĩ cơ điện Tàu CSB 8003, Hải đoàn 11, Vùng Cảnh sát biển 1:
Tích cực học tập và tham gia phổ biến luật
Là người chiến sĩ CSB, tôi luôn xác định đặt nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc lên hàng đầu. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay đứng ở vị trí nào, biển, đảo luôn nằm trong trái tim người chiến sĩ. Chúng tôi luôn xác định rằng, khi Tổ quốc gọi, chúng tôi sẽ lên đường trong bất kỳ tình huống nào, nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Điều này không chỉ hô hào bằng khẩu hiệu, mà phải được thấm nhuần vào trái tim, trí óc của mỗi người chiến sĩ và bằng công việc hằng ngày. Mọi người dân Việt Nam ta đều yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, đặc biệt là người chiến sĩ như chúng tôi-lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển, đảo-càng phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng này.
Khi Luật CSB Việt Nam được ban hành, bản thân tôi đã không ngừng tìm hiểu, học tập theo sự hướng dẫn của cấp trên, chủ động liên hệ với từng chức trách, cương vị cụ thể của mình và đồng đội để cùng nhau học tập. Từ đó, tôi đã cùng cán bộ, chiến sĩ trên Tàu CSB 8003 tham gia tổ chức được hơn 30 buổi tuyên truyền, phổ biến luật cho bà con trong mỗi chuyến công tác trên biển cũng như tại các khu neo đậu tàu, thuyền của ngư dân. Tập thể chi đoàn của Tàu CSB 8003 đã tổ chức biên soạn được hàng nghìn câu hỏi theo hình thức hỏi-đáp về Luật CSB Việt Nam để in ấn và cấp phát cho ngư dân trong mỗi chuyến công tác, làm nhiệm vụ trên biển.
--------------
Ông LÊ HỒNG QUÂN, đại diện Hội Người Việt Nam tại Angola:
Kiều bào góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Luật CSB Việt Nam ra đời trở thành công cụ sắc bén, cơ sở pháp lý quan trọng cho lực lượng CSB thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa với những người Việt Nam sống và làm việc xa Tổ quốc, giúp các kiều bào có niềm tin vững chắc và mãnh liệt vào lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển.
Đồng bào ta ở nước ngoài đặc biệt quan tâm tới vấn đề chủ quyền, coi đó là điều thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau về hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Để kiều bào thêm yên tâm góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thời gian tới, tôi cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tranh thủ sự ủng hộ, phát huy những sáng kiến của kiều bào, nhất là các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài đã và đang có các công trình nghiên cứu liên quan tới biển, đảo như: Chuyển đổi điện mặt trời, điện gió, lọc nước biển thành nước ngọt, trồng rau xanh trên đảo hay các công nghệ nghiên cứu chế tạo phương tiện phục vụ chấp pháp trên biển, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ an sinh cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển...
Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tạo điều kiện để bà con kiều bào được tham quan thực tế, tìm hiểu nhiều hơn về đời sống của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo và lực lượng chấp pháp trên biển. Thông qua thực tiễn sinh động đó, các kiều bào sẽ có những hoạt động thiết thực như: Chung tay xây dựng các công trình dân sinh, mua sắm phương tiện, bảo hộ hay công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ con em cán bộ, chiến sĩ trong học tập, chăm sóc sức khỏe hậu phương người lính..
Theo qdnd.vn