Bức thư ngắn chứa chan quyết tâm sắt đá

Chủ nhật, 19.12.2021 | 10:15:50
554 lượt xem

Nghiên cứu về sự kiện lịch sử Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó, đồng chí vừa là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy quân đội, vừa là Bí thư Trung ương Quân ủy.

Những tháng cuối năm 1946, sau mọi nỗ lực không ngừng của Bác Hồ và Trung ương, con đường hòa bình để giữ vững độc lập cho dân tộc ngày càng xa dần. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng, tháng 10-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xúc tiến mạnh mẽ việc xây dựng các LLVT nhân dân để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Ngày 18 và 19-12-1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cương vị Tổng Chỉ huy và Tổng Chính ủy quân đội, vào 20 giờ ngày 19-12, quán triệt và thực hiện chủ trương, quyết tâm kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phát lệnh chiến đấu, trước tiên là ở Thủ đô Hà Nội.

Bức thư ngắn chứa chan quyết tâm sắt đá
Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh ở Hà Nội, ngày 26-8-1945, sau khi
giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Tư liệu

Theo dõi sát tình hình, đồng chí bàn bạc với Bộ Tổng Chỉ huy thống nhất cách đánh ở Hà Nội theo kế hoạch “trong đánh-ngoài vây” làm quân địch lúng túng; đồng thời bảo đảm tính cơ động của lực lượng ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc. Đặc biệt, trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như diễn biến chiến đấu, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn theo sát mặt trận Hà Nội, nhanh chóng điều chỉnh chiến trường bằng việc quyết định mở rộng địa bàn hậu phương mặt trận Hà Nội về phía Hà Đông và Sơn Tây...

Mặt khác, đồng chí chỉ thị Khu 2 tăng cường 2 tiểu đoàn cho Hà Nội; động viên các chiến trường cả nước, nhất là Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng ra sức tiêu hao, kìm chân địch để hạn chế địch tăng viện cho mặt trận Hà Nội...

Mặc dù rất bận rộn, khẩn trương với chỉ đạo kháng chiến và hoạt động tác chiến, trên cương vị Tổng Chính ủy, đồng chí Võ Nguyên Giáp rất chú trọng công tác xây dựng Đảng trong LLVT, nhất là củng cố hệ thống tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

Từ ngày 14 đến 16-2-1947, đồng chí chủ trì Hội nghị Chính trị viên toàn quân lần thứ nhất, đề ra 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội và 12 điều kỷ luật dân vận, lấy việc “bộ đội ta đánh thắng và đi đâu cũng đều được dân chúng hoan nghênh” làm tiêu chuẩn đánh giá mọi kế hoạch công tác chính trị.

Sau trận đánh của Trung đoàn Thủ Đô bảo vệ chợ Đồng Xuân ngày 14-2-1947, để bảo toàn lực lượng, Bộ Tổng Chỉ huy ra lệnh cho LLVT Liên khu 1 rút khỏi Hà Nội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị kỹ lưỡng thuyền, đò, tổ chức chu đáo việc vượt sông; đồng thời chỉ đạo các lực lượng bên ngoài mở đợt tấn công mạnh vào trong nội thành Hà Nội để thu hút sự chú ý của địch, nghi binh lừa địch cho bộ đội và nhân dân vượt sông an toàn.

Như chính Đại tướng đã kể lại trong hồi ký: “Trưa ngày 18-2, anh Thái tới vui vẻ báo cáo cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ Đô đã thành công trọn vẹn, trung đoàn rút ra không thiếu một người, không thiếu một khẩu súng. Trong nỗi vui mừng khôn xiết, tôi viết ngay một bức thư ngắn gửi trung đoàn”.

Trong thư, sau khi biểu dương tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm: “Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc độc lập thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù” (trích "Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký").


PHAN ĐỘNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/buc-thu-ngan-chua-chan-quyet-tam-sat-da-680800

  • Từ khóa