Giải mã bức điện mật

Thứ 6, 24.12.2021 | 08:22:55
936 lượt xem

Ngày 1-12-1951, Tổng Quân ủy họp mở rộng thông qua kế hoạch tác chiến Chiến dịch Hòa Bình. Tại một cuộc họp của Trung ương, tôi được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi chép và sẵn sàng báo cáo trên bản đồ nếu được yêu cầu. Tại cuộc họp, Bác Hồ có dặn, tôi nhớ đại ý là: Địch đánh ra Hòa Bình tức là chúng đã rời khỏi công sự vững chắc, đó là thời cơ tốt nhất để ta tiêu diệt.

Tôi nhớ, thời gian chuẩn bị chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã có nhiều buổi trực tiếp dự họp với Bộ Tổng Tham mưu. Tôi làm thư ký nhiều cuộc họp thảo luận về các chiến dịch nhưng chưa thấy lần nào như trong Chiến dịch Hòa Bình, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sát sao đến vấn đề quân sự như thế. 

Giải mã bức điện mật

Đại tá Nguyễn Bội Giong (ngồi thứ ba, từ trái sang) trong lần cùng đoàn cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu    

Trước tầm quan trọng của chiến dịch, Tổng Bí thư Trường Chinh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã 3 lần sang Bộ Tổng Tham mưu nghe báo cáo và có ý kiến chỉ đạo. Anh Văn nói với anh em: Lần này, ta đánh địch khi chúng đánh ra, tiến hành vây hãm, tiêu hao, thậm chí có những trận đánh tiêu diệt. Bên cạnh đó, ở những vùng địch tạm chiếm, mặt trận sau lưng địch cũng sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích cộng với chiến tranh chính quy để tiêu diệt địch và có thể giải phóng những vùng rộng lớn ở trong các vùng địch tạm chiếm, giải phóng nhân dân, nhằm đánh bại kế hoạch rất lớn mà địch triển khai từ năm 1950...

Trên cơ sở kế hoạch tác chiến cụ thể, ta xác định, ở thị xã Hòa Bình có hai căn cứ Tu Vũ và Chẹ. Chẹ là căn cứ pháo binh, đồng thời là căn cứ của bộ binh. Tu Vũ là căn cứ của bộ binh và xe tăng thiết giáp. Sau này, khi nói chuyện lại với chúng tôi ở Ban Tổng kết chiến tranh của Bộ Tổng Tham mưu, anh Văn có nói lại, riêng Tu Vũ địch bắn khoảng 45 phút pháo; cối 120mm và pháo 105mm ước tính không dưới 5.000 quả. Trận Tu Vũ là trận công kiên then chốt, oanh liệt và dũng cảm. Tôi được nghe một phái viên của bộ về báo cáo lại, khi địch nổ pháo thì anh Thái Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88, nói: "Cho nó bắn chán đi mới đánh. Nhiệm vụ của mình là đào sâu công sự để tránh nhưng kiên quyết tiêu diệt Tu Vũ". Vì vậy, khi địch ngừng bắn 10 phút thì ta xung phong và đánh chiếm Tu Vũ, tiêu diệt luôn tiểu đoàn Ma-rốc số 1 và mười mấy chiếc xe thiết giáp...

Cùng lúc đó, Trung đoàn 209 được giao chịu trách nhiệm ở sông Đà, La Phù, Đan Thê; Trung đoàn 36 ở hướng đầu Đường số 6 và sông Đà. Khi vào cuộc chiến đấu, ta không thực hiện được đánh vận động vì địch cũng có kế hoạch chặt chẽ, chu đáo. Chúng dùng pháo binh và không quân để giữ những chỗ Việt Minh có thể xuất kích đánh vào. Địch tuyên bố đã dùng 3 vạn viên đạn pháo để yểm trợ cuộc rút chạy. Tuy bị tiêu hao 8 đại đội, mất gần 40 chiếc thiết giáp, xe tăng... nhưng đã có khoảng 2 vạn quân địch rút chạy an toàn. Sau đó, chúng tôi có hỏi anh Hồng Sơn, chỉ huy của Trung đoàn 36. Anh cho biết đơn vị không thể xuất kích được vì địch chặn trước cả Đường số 6 và đầu thị xã Hòa Bình. “Không thực hiện được nhiệm vụ của bộ nhưng mình đã giữ được lực lượng không bị tiêu hao, cũng là một cái công”, anh Hồng Sơn tâm tư.

Khoảng trung tuần tháng Giêng năm Nhâm Thìn 1952, một đồng chí cán bộ mã thám mang đến Bộ chỉ huy chiến dịch một bức điện. Tôi dịch nội dung bức điện là: “Bình minh kim tự tháp sẽ nở hoa”. Tôi chợt nhớ ngày học Trường Bưởi, một giáo sư dạy lịch sử nước Pháp có nói với chúng tôi rằng, quê ông ở miền Bắc của đảo Corse, có dãy núi đặc biệt, một năm đổi màu một lần vào mùa thu, có màu vàng rất đẹp, có thể sánh với kim tự tháp ở Ai Cập. Cho nên trong bức mã thám có nói đến kim tự tháp khiến tôi nghĩ ngay đến kim tự tháp ở núi đá chứ không phải sa mạc. Thứ hai là nở hoa. Nở hoa là gì? Có thể là dù bung ra. Xem trên bản đồ thì thấy từ Xuân Mai qua chợ Bến trở lên quá Lương Sơn (Hòa Bình) là một dãy núi. Tôi phán đoán địch sẽ rút trên Đường số 6 và các điểm nhảy dù trên dãy núi sẽ yểm hộ cho quân địch rút trên con đường này. Lúc bấy giờ, anh Văn đọc bức điện và hỏi tôi: “Cậu thấy thế nào?”. Tôi báo cáo suy đoán trên. Anh Văn đồng ý, lập tức yêu cầu anh Hoàng Văn Thái lệnh cho anh Lê Trọng Tấn chuẩn bị hai tiểu đoàn tinh nhuệ, ngay trong buổi chiều vượt sông lên ngay gần Lương Sơn chuẩn bị. Nếu địch nhảy dù thì đánh ngay khi chúng chưa kịp ổn định đội hình.

Đúng 7 giờ ngày hôm sau, địch nhảy dù ở vị trí ta đã đón lõng. Ta bắt sống hơn 200 tên địch, bắn rơi 6 trực thăng. Cũng nhờ phân tích, giải mã bức điện trên mà cá nhân tôi trong Chiến dịch Hòa Bình đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công và bằng khen của Tổng cục Chính trị.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/giai-ma-buc-dien-mat-681380

  • Từ khóa