Anh hùng giữ chốt biên cương

Thứ 4, 16.02.2022 | 15:04:23
773 lượt xem

Anh hùng liệt sĩ Nông Văn Giáp, dân tộc Nùng quê ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Khi hy sinh, anh là Trung úy, đồn phó đồn 191, công an Nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, anh Nông Văn Giáp đã từng tham gia nhiều chiến dịch ở miền Nam, đã có nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước và quân đội trao tặng nhiều huân chương và danh hiệu cao quý: Dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe cơ giới.

Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất nhưng kẻ thù mới lại lăm le đe dọa biên giới. Nông Văn Giáp tình nguyện lên bảo vệ biến giới phía Bắc của Tổ quốc và đã lập được nhiều thành tích xây dựng thế trận mới.

Thật tình cờ tôi được gặp anh Hoàng Văn Rô, người đồng đội cùng chung chiến hào chống bành trướng xâm lược với anh Nông Văn Giáp năm xưa ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn trong dịp anh về thăm lại đơn vị cũ và những người bạn chiến đầu năm xưa hiện còn ở thành phố Lạng Sơn. Biết tôi là người cùng quê với anh Nông Văn Giáp, lại đang tìm tư liệu để viết bài ca ngợi về những anh hùng liệt sỹ quê hương Xứ Lạng cũng là thay cho những nén nhang tưởng nhớ và tri ân các anh đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, nên chỉ sau ít phút làm quen, anh trò chuyện cùng tôi thân mật, không còn e dè khoảng cách. Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng anh còn khỏe mạnh, cường tráng và phong độ lắm; tất cả vẫn toát lên một phong cách của người lính biên phòng. Anh Rô nhắc lại những kỷ niệm cũ về người chỉ huy gan dạ, dũng cảm của mình với vẻ xúc động và kính phục. Giọng anh trùng xuống, có những giây phút như nghẹn lại không nói nên lời, đôi mắt rớm lệ. Tôi đã ghi lại được những lời anh kể: “Hôm đó vào sáng  17/2/1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công vào đồn của chúng tôi. Chúng dùng pháo bắn cấp tập sau đó cho bộ binh xông lên. Với kinh nghiệm dày dạn qua những năm ở chiến trường miền Nam năm xưa, anh Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt trên một trăm tên. Địch dùng chiến thuật biển người, vừa tấn công chính diện, vừa đánh tạt sườn vào trận địa ta. Biết được mưu đồ của giặc, anh Giáp đã chỉ huy đơn vị chiến đấu linh hoạt, cơ động, ngay từ những loạt đạn đầu đã diệt gọn cụm thông tin chỉ huy và 2 tên lính thổi kèn. Đội hình địch rối loạn, chúng không dám xông lên, buộc phải lui quân để tổ chức đợt tấn công mới. Các chiến sỹ vững tin vào người chỉ huy của mình, quyết tâm chiến đấu, một tấc không đi, một ly không rời, quyết tâm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Địch lại cho nhiều tốp, nhiều toán, có hỏa lực yểm trợ liên tục tấn công vào trận địa ta. Bỗng anh nhảy lên khỏi chiến hào hô lớn: “Xung phong!”. Chúng tôi đồng loạt bật dậy theo anh, kiên quyết phản kích. Ta với địch giành giật nhau từng tấc đất. Khói lửa mịt mù. Địch bị đẩy xuống chân đồi. Anh bị thương nặng. Tôi băng bó cho anh, xong anh cầm tay tôi, dặn: “Chiến sự còn ác liệt, đồng chí thay tôi chỉ huy phân đội chiến đấu, giữ vững trận địa đến cùng. Nhớ tiết kiệm đạn, diệt nhiều địch”. Chỉ vài lời ngắn gọn nhưng linh tính như mách bảo tôi một điều chẳng lành sắp xảy ra. Tôi nhận nhiệm vụ anh giao trong giây phút thiêng liêng lắm.

Địch lại thúc quân hò hét nhau xông lên. Xạ thủ trung liên bị thương nặng không tiếp tục chiến đấu được nữa. Mặc cho những vết thương trên người còn đang rỉ máu nhưng anh Giáp cố lê người đến thay thế, dùng hết sức còn lại bắn xối xả vào đội hình địch, diệt thêm nhiều tên nữa, cùng đơn vị bẻ gãy các đợt tấn công mới của giặc, rồi anh hy sinh. Tấm gương chiến đấu của anh Nông Văn Giáp đã cổ vũ chúng tôi quyết tâm bám trụ, bám chốt bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng của Tổ quốc”.

Anh Nông Văn Giáp được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất và ngày 19/12/1979, được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 1994, chị Đinh Thị Lan (vợ anh) cùng các con đã chuyển về thành phố Lạng Sơn làm ăn sinh sống.

Trò chuyện với tôi, chị xúc động kể: “Khi anh Giáp hy sinh, các con tôi còn nhỏ lắm, đứa đầu chưa đầy 3 tuổi, đứa thứ hai mới được 16 tháng. Trước đó, do tình hình biên giới căng thẳng nên những ngày nghỉ, chủ nhật, anh không về được như trước nữa mà chỉ thỉnh thoảng viết thư về hỏi thăm động viên tôi. Tôi nhớ mãi lá thư đề ngày 20/12/1978, và đây cũng là lá thư cuối cùng anh viết cho tôi. Trong thư có đoạn “…Em cố gắng thay anh nuôi dạy các con khôn lớn… nhớ em và các con nhiều lắm…”. Sau 43 năm ở vậy thờ chồng nuôi con, tôi đã làm được những lời anh dặn, chắc nơi suối vàng, anh cũng thấy vui vì các con anh đã trưởng thành và yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định. Chúng tôi có 4 cháu ngoại, các cháu đều ngoan ngoãn, học giỏi, có cháu đã học xong đại học.

Trước lúc chia tay, tôi xin phép chị được thắp nén hương để tưởng nhớ và tri ân người liệt sỹ anh hùng nhân ngày giỗ lần thứ 43 của anh.


TRƯƠNG THỌ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/quoc-phong-toan-dan/481495-anh-hung-giu-chot-bien-cuong.html

  • Từ khóa