Trải qua 78 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 10-12-1951 đến 25-2-1952), với 3 đợt tiến công, quân ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch, giải phóng khu vực Hòa Bình, sông Đà với diện tích gần 2.000km2; tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị.
Nổi bật trong đó là trận đánh cứ điểm Tu Vũ, trận công kiên lớn nhất mở màn cho chiến dịch. Chiến thắng Tu Vũ thể hiện tinh thần quả cảm hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu, thể hiện tính tự chủ, sáng tạo và linh hoạt của bộ đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam-Độc Lập”. Ngay từ khi làm công tác chuẩn bị cho trận đánh mở màn và cả chiến dịch, công tác bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
Để chuẩn bị cho chiến dịch quan trọng này, Cục TTLL (tiền thân của Binh chủng TTLL) đã quán triệt sâu sắc chỉ thị của cấp trên, tiến hành kiện toàn lại Ban Thông tin chiến dịch, do đồng chí Hoàng Bửu Đôn, Bí thư Đảng ủy cục làm Trưởng ban. Cục thành lập Đảng ủy tiền phương để lãnh đạo các liên chi, chi bộ tham gia chiến dịch. Bên cạnh đó, lực lượng TTLL của các đơn vị tham gia chiến dịch cũng được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ. Ở đại đoàn có ban thông tin, đại đội thông tin, các trung đoàn thuộc đại đoàn đều có lực lượng TTLL.
Tiếp nối truyền thống, ngày nay, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Thông tin liên lạc vươn lên khai thác, làm chủ các thiết bị, khí tài hiện đại. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG |
Theo kế hoạch, trên mặt trận Hòa Bình-Đường số 6, Ban Thông tin chiến dịch giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Thông tin dã chiến 303 cùng với lực lượng TTLL Đại đoàn 308 tổ chức mạng điện thoại từ Bộ chỉ huy chiến dịch xuống sở chỉ huy đại đoàn, đài quan sát mặt trận; xuống Trung đoàn 88 chuẩn bị đánh cứ điểm Tu Vũ, Trung đoàn 36 phục kích dọc sông Đà (đoạn Tu Vũ-Hòa Bình), Trung đoàn 102 lực lượng dự bị chiến dịch.
Trên những hướng khác và các chiến trường sau lưng địch, trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, liên lạc giữa Bộ chỉ huy chiến dịch với Đại đoàn 316, Đại đoàn 320 đều có vô tuyến điện của Đội Liên lạc chuyển đạt 231 (Tiểu đoàn 303). Đầu tháng 12-1951, tất cả các mạng TTLL đã hoàn thành công tác triển khai.
Trận Tu Vũ là trận tiến công mở đầu chiến dịch của bộ đội chủ lực ta đánh quân Pháp phòng ngự trong cứ điểm. Theo phương án tác chiến, đêm 10-12-1951, ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ, núi Chẹ nhằm cắt đứt phòng tuyến sông Đà của địch. Nhưng khi địch phát hiện quân ta sắp tiến công núi Chẹ, chúng đã gấp rút tập trung quân mở cuộc càn quét vùng Ninh Mít, ở đây có Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 đang giấu quân. Đây là tình huống bất ngờ, khó khăn, nhiệm vụ của Ban Thông tin chiến dịch là phải chuyển kịp lệnh chiến đấu của Bộ chỉ huy chiến dịch xuống Đại đoàn 312, khi sở chỉ huy đại đoàn đang cùng đơn vị hành quân vào vị trí tập kết.
Theo quy định, Ban Thông tin đại đoàn tổ chức liên lạc vô tuyến điện về Bộ chỉ huy chiến dịch, nhưng ban cũng đang cùng đơn vị hành quân, điện đài chưa được lệnh làm việc. Do có sự chuẩn bị trước đài canh liên tục ở hậu phương nên 3 giờ ngày 10-12-1951, khi điện đài của Đại đoàn 312 phát tín hiệu xin nối thông liên lạc thì lập tức nhận được điện của Bộ chỉ huy chiến dịch. Trung đoàn 209 nhận được lệnh khi trời vừa sáng, đơn vị đã kịp thời chiếm lĩnh trận địa phục kích đánh địch. Ở trận vận động phục kích này, mặc dù địch tập trung pháo dồn dập bắn vào khu vực quân ta chiếm lĩnh, các chiến sĩ điện thoại và liên lạc chuyển đạt dũng cảm, thay nhau giữ vững liên lạc phục vụ chiến đấu.
Cùng thời gian đó, ở phía tả ngạn sông Đà, Ban Thông tin chiến dịch và TTLL Đại đoàn 308, Trung đoàn 88 gấp rút hoàn thành mọi công việc chuẩn bị cuối cùng cho trận đánh Tu Vũ. Trận đánh mở đầu có tính chất then chốt chặt đứt phòng tuyến sông Đà của địch do Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu Ban Thông tin chiến dịch cũng như TTLL đại đoàn phải giữ vững liên lạc bằng hai phương tiện vô tuyến điện và hữu tuyến điện để đồng chí trực tiếp theo dõi chỉ đạo trận đánh.
Bước vào cuộc chiến đấu ác liệt, pháo địch bắn phá dày đặc, trong lửa đạn, các chiến sĩ TTLL chuyển đạt nhanh chóng giúp người chỉ huy giữ vững đội hình, đưa đơn vị vào vị trí quy định. Các chiến sĩ điện thoại vượt qua khu vực hỏa lực địch đang ngăn chặn, tìm mọi cách kéo dây từ vị trí xuất phát tiến công của các đơn vị về trung đoàn. Trong trận chiến đấu này có nhiều tấm gương dũng cảm sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ như: Nguyễn Bút, Đào Đình Phấn, Phan Đình Hồng, Nguyễn Văn Đang...
Đến khoảng 4 giờ ngày 11-12, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ. Chiến thắng Tu Vũ đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của thực dân Pháp, quân ta hoàn toàn làm chủ tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình, tạo điều kiện để triển khai lực lượng đánh bại âm mưu của Pháp chiếm đóng vùng giải phóng Hòa Bình.
Nhiệm vụ bảo đảm TTLL trong trận đánh Tu Vũ nói riêng và Chiến dịch Hòa Bình nói chung đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho bộ đội TTLL ngày nay, đó là tinh thần quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, giữ vững mạch máu TTLL trong mọi tình huống; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong chiến đấu; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác.
Truyền thống và những bài học kinh nghiệm đó sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp cho cán bộ, chiến sĩ TTLL hôm nay nỗ lực cố gắng, vươn lên, quyết tâm xây dựng binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng KHÚC ĐĂNG TUẤN, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc