70 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với ngành hậu cần quân đội, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tiểu đội Xuồng máy đẩy (tiền thân của Lữ đoàn 649) được thành lập ngày 25-2-1952. Tuy lực lượng ban đầu chỉ có 12 cán bộ, chiến sĩ và 5 chiếc xuồng máy đẩy, song tiểu đội đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa học vừa làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến đấu và chiến đấu.
Giữa năm 1952, Tiểu đội Xuồng máy đẩy được tăng cường lực lượng và phát triển thành Đội 26B, đồng thời thành lập thêm xưởng đóng ca nô. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đội 26B đã vận chuyển được 29.000 tấn hàng hóa cung cấp cho mặt trận, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của chiến dịch. Tháng 6-1956, khi đến thăm Đội 26B, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Đơn vị các đồng chí sinh ra và lớn lên trên dòng sông Hồng thì đặt tên là Đội ca nô Hồng Hà”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 649 kiểm tra kỹ lưỡng trước khi vận chuyển hàng hóa bảo đảm cho các đơn vị. Ảnh: VĂN TUÂN |
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển đường thủy hết sức nặng nề và vô cùng khó khăn, gian khổ, Đội ca nô Hồng Hà đã giáo dục, động viên, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” với phương châm “Tàu thuyền là vũ khí, sông biển là trận địa, mỗi thủy thủ là một dũng sĩ kiên cường”, quyết tâm đưa hàng tới đích, kịp thời phục vụ cho chiến trường.
Tháng 10-1965, Đội ca nô Hồng Hà phát triển thành Đoàn Hồng Hà, được tăng cường lực lượng, phương tiện, vừa làm nhiệm vụ vận chuyển vừa tham gia rà phá bom, mìn, thủy lôi để thông luồng, trực tiếp vận chuyển xe tăng, vũ khí đạn và các trang thiết bị quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1970, trước yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường đòi hỏi khẩn trương, Đoàn Hồng Hà đã tổ chức củng cố, hoán cải sà lan có trọng tải 200 tấn thành tàu tự hành để vận tải tuyến ven biển, bắt đầu cuộc hành trình từ sông ra biển.
Khi được cấp trên giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ cho kế hoạch tiến công giải phóng miền Nam, đơn vị đã xây dựng quyết tâm “Giải phóng đến đâu, tàu Hồng Hà vươn sâu tới đó”; các phương tiện được lệnh huy động đến mức cao nhất, khẩn trương chi viện, bảo đảm cho chiến trường. Thời kỳ này, địch càng điên cuồng ngăn chặn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Hồng Hà càng sáng tạo ra nhiều phương thức tổ chức vận tải phù hợp, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975).
Đất nước thống nhất, Đoàn Hồng Hà vừa tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa vận chuyển hàng hóa phục vụ các đơn vị trong toàn quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), xây dựng doanh trại; vận chuyển binh khí kỹ thuật, hàng hóa và Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế. Sau khi được bổ sung, tăng cường lực lượng, phương tiện, điều chỉnh tổ chức biên chế, năm 1977, Đoàn Hồng Hà được chuyển thành Trung đoàn 649, làm nhiệm vụ vận tải ven biển và đường sông; năm 1983 phát triển thành Lữ đoàn 649.
Cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã đoàn kết, tự lực tự cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn, xăng dầu, vật tư, binh khí kỹ thuật bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu bảo vệ biên giới, biển, đảo và làm nhiệm vụ quốc tế. Đặc biệt, từ năm 1988 đến nay, lữ đoàn đã thực hiện thắng lợi 28 mùa vận chuyển bảo đảm cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa với gần 190.000 tấn, hoàn thành 100% kế hoạch trên giao, an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và hàng hóa. Lữ đoàn 649 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31-7-1998.
Thời gian tới, để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 649 xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ SSCĐ; duy trì nghiêm nền nếp chính quy trong vận chuyển; tổ chức chỉ huy, điều hành chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ vận tải thường xuyên và đột xuất, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Để đạt được điều đó, lữ đoàn tập trung xây dựng đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao; tăng cường công tác giáo dục, xây dựng quyết tâm thi đua phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị vận tải thủy chiến lược anh hùng, đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua "Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy"; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật; bảo đảm tốt công tác hậu cần, tài chính cho các nhiệm vụ, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội...
Theo qdnd.vn