Hôm nay (14-4), Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2016-2021, phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025.
Trước thềm sự kiện này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn báo chí quân đội về việc triển khai công tác hội nhập quốc tế (HNQT) và đối ngoại quốc phòng của đất nước nói chung, của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nói riêng.
Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng đánh giá những kết quả nổi bật của công tác ĐNQP Việt Nam trong thời gian qua?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: ĐNQP là bộ phận của đối ngoại quốc gia, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Trong những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác HNQT và ĐNQP, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là: Đã chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết tốt các vấn đề chiến lược liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; tích cực, chủ động củng cố tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, tăng cường tiềm lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào tham dự Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất, tháng 12-2021. Ảnh: PHÚ SƠN. |
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và tất cả các nước lớn với nhiều lĩnh vực, cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả như: Đào tạo, trao đổi đoàn quân sự, hợp tác quân binh chủng, công nghiệp quốc phòng, đối thoại chính sách quốc phòng cũng như các hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới, biên cương thắm tình hữu nghị, kết nghĩa đồn, trạm, cụm dân cư hai bên biên giới..., được cộng đồng quốc tế và các đối tác ghi nhận, đánh giá cao; diễn tập phòng, chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống như: Diễn tập quân y, cứu hộ-cứu nạn, chống cướp biển, tội phạm xuyên biên giới, tổ chức các hoạt động tuần tra chung biên giới trên bộ, trên biển; tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), Hội thao Quân sự ASEAN; hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh; tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên bình diện đa phương, QĐND Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực và trách nhiệm của các cơ chế, diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh...; đồng thời chủ động đóng góp xây dựng, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác này. Qua đó, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên LHQ, tích cực đóng góp vào công cuộc gìn giữ và kiến tạo hòa bình thế giới.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào thực hiện nghi lễ chào cột mốc biên giới tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất, tháng 12-2021. Ảnh: PHÚ SƠN |
PV: Để góp phần cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác HNQT và ĐNQP trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung trọng tâm gì, thưa Thứ trưởng?
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt hơn; chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng. Biển Đông và một số khu vực chiến lược của đất nước vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, vẫn tiếp diễn phức tạp, tác động đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, trong đó có công tác HNQT và ĐNQP. Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau:
Một là, triển khai hoạt động HNQT và ĐNQP theo đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đẩy mạnh công tác HNQT và ĐNQP theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”; kết hợp giữa triển khai và cập nhật bổ sung, điều chỉnh nội dung các chương trình, kế hoạch, đề án về ĐNQP phù hợp với điều kiện mới, nhất là trong tình hình diễn biến của dịch Covid-19.
Hai là, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, gia tăng cơ hội hợp tác, giảm thiểu nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc hoặc rơi vào thế phải “chọn bên”. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa tập trung phát huy nội lực với tranh thủ sức mạnh quốc tế và thời đại.
Trong đó, việc phát huy nội lực cần chú trọng tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn quân; củng cố, phát huy thế trận vững chắc quốc phòng-an ninh đối ngoại dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trong buổi trả lời phỏng vấn. Ảnh: KHÁNH NGÂN |
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược về ĐNQP, trong đó cần chú trọng đánh giá, phân tích thuận lợi, khó khăn, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ ĐNQP, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hoạch định kế hoạch, chiến lược đối ngoại phù hợp. Trước mắt, tập trung xây dựng Chiến lược HNQT và ĐNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Bốn là, chú trọng đưa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với các đối tác quan trọng, đối tác chiến lược, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất, hiệu quả thiết thực, phù hợp với lợi ích của ta và đối tác. Trong đó, cần chú trọng phát huy đặc trưng, lợi thế của ĐNQP trong xây dựng lòng tin chiến lược với các nước. Trên nền tảng đó, đẩy mạnh hợp tác về khoa học kỹ thuật quân sự, thương mại quân sự, công nghiệp quốc phòng... tạo thế đan xen lợi ích, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để tăng cường tiềm lực quốc phòng cho đất nước.
Năm là, tiếp tục nâng tầm ĐNQP đa phương theo hướng mở rộng lĩnh vực, địa bàn, quy mô hợp tác; tích cực, chủ động đưa ra sáng kiến và tham gia trách nhiệm, hiệu quả vào các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN.
Tiếp tục đẩy mạnh tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ; gắn ĐNQP với các mặt trận đối ngoại, nhất là đối ngoại nhân dân, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội; phát huy hiệu quả của Ban chỉ đạo HNQT và ĐNQP của Bộ Quốc phòng trong thời gian tới.
Sáu là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền ĐNQP, làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam. Trong đó, cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ ĐNQP Việt Nam và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Bảy là, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực ĐNQP, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền ngoại giao hiện đại của đất nước. Tiếp tục kiện toàn cơ quan đối ngoại trong toàn quân, trọng tâm là các quân khu, quân chủng và lực lượng trực tiếp thực hiện công tác ĐNQP, đáp ứng yêu cầu HNQT và ĐNQP trong tình hình mới.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Vũ Hùng - Văn Hiếu/qdnd.vn