Chuyện tình của Trung tướng Đào Duy Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Thiếu tá QNCN Trần Thị Tiếp chớm nở từ trong chiến tranh, trải qua nhiều thử thách đã có một cái kết đẹp và bình dị như chính cuộc đời của họ...
Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Bình (TP Đà Nẵng), bà Trần Thị Tiếp lặng lẽ thắp nén hương lên bàn thờ, ngắm nhìn chân dung chồng giây lát rồi chậm rãi kể về cuộc đời mình. Qua câu chuyện, tôi càng hiểu sâu hơn về mối tình giản dị mà đẹp đẽ của bà và Trung tướng Đào Duy Minh.
Gia đình Trung tướng Đào Duy Minh, tháng 2-2018. |
Cha hy sinh khi Trần Thị Tiếp mới 5 tuổi, mẹ sau đó cũng mất sớm nên Tiếp phải ở với bà nội. Trong lòng mang nặng nỗi hờn căm quân giặc, lớn lên thêm chút, Trần Thị Tiếp tình nguyện tham gia du kích. Trong một lần vô tình gặp gỡ tại hậu cứ, chiến sĩ Đào Duy Minh ấn tượng mãi với cô du kích nhỏ nhắn, gương mặt hiền hậu, có hai bím tóc duyên dáng. Cùng chung cảnh ngộ mồ côi, họ đồng cảm rồi yêu nhau. Tình yêu nồng nàn, mãnh liệt trong bối cảnh thời chiến giúp họ vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Đến năm 1979, hai người nên duyên chồng vợ.
Chuyện hỏi vợ của đồng chí Đào Duy Minh cũng khá hài hước. Đầu năm 1979, lúc ông cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Campuchia thì ở quê nhà, nhân đám cưới người anh con bác ruột, bà con nội tộc sực nhớ tới đứa cháu là bộ đội. “Bữa nay đông đủ, vui vẻ thế này, sao không hỏi vợ luôn thể cho thằng Minh nhỉ? Chúng nó quen nhau lâu rồi kia mà!", ông bác dõng dạc tuyên bố. Nghe vậy, anh em trong dòng tộc nhanh chóng kiếm vài hộp trà, bọc trong vuông vải màu hồng rồi kéo đến nhà Trần Thị Tiếp.
Bà nội và Tiếp nhận lễ mà hoàn toàn bất ngờ. Họ nhà trai chạm ngõ đầu năm thì cuối năm Đào Duy Minh được đơn vị cho về làm đám cưới. Đám cưới tuy đơn sơ nhưng ấm tình làng nghĩa xóm. Cô dâu không có chút vàng bạc, sính lễ nào nhưng tâm hồn thì phơi phới đón chú rể “động phòng” trong ngôi nhà tranh vách đất thơm nồng.
Cưới nhau chưa đầy hai tháng thì ông lại sang chiến trường Campuchia. Ông đi hơn hai năm sau mới về phép. Đến cuối năm 1981, con trai đầu lòng Đào Duy Tân cất tiếng khóc chào đời thì ông lại đi biền biệt. Một mình bà Tiếp ở quê nhà chăm con nhỏ, đối mặt với bao vất vả, khó nhọc, nỗi lo cơm áo gạo tiền. Năm 1982, nhận tin chồng bị thương ở bên nước bạn Campuchia, bà thương ông khóc cạn nước mắt... Ông mải lo việc quân, mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn. Còn nhớ trận lũ lớn nhất Quảng Ngãi năm 1989. Lũ về bất ngờ, nước dâng cao, chảy xiết. Bà đang đi làm thì hay tin nước ngập mái nhà, con trai may mắn được bà con cứu giúp.
Thời còn công tác ở Quân khu 5, gia đình Trung tướng Đào Duy Minh được mọi người đặt cho cái tên thật giản dị là “gia đình quân nhân”. Câu chuyện do một đồng nghiệp của tôi ghi lại giúp độc giả hiểu thêm về truyền thống gia đình ông... "Hôm ấy, sắp tới giờ khai mạc Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ VIII, tôi bước nhanh tới bàn cấp phát tài liệu. Qua bậc cửa, một đại biểu mặc quân phục vội vàng đi qua, vai anh chạm vào vai tôi.
Anh quay lại, giọng nhỏ nhẹ: “Em xin lỗi, em đến chỗ bố em”. Nhìn biển tên đeo trên ngực và cầu vai, tôi biết người đó là Trung úy Đào Duy Tân, lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Năm 2006, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 về đơn vị công tác, trải qua các chức vụ: Trung đội trưởng, Phó đại đội trưởng về quân sự, Đại đội trưởng, dù ở cương vị nào, Trung úy Đào Duy Tân cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 3 năm liền (2007-2009) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2009 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Ở đơn vị, công việc quản lý, chỉ huy bộ đội bận rộn, ngày ngày theo bộ đội ra bãi tập huấn luyện, đêm về khi bộ đội tắt điện đi ngủ, anh lại miệt mài bên trang giáo án, nghiên cứu tài liệu, soạn bài thục luyện... nên Tân có ít thời gian dành cho gia đình.
Khi được thông báo được đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ VIII, Tân đã điện thoại cho bố mình. Bố anh dặn: “Tới đại hội, con phải chú ý lắng nghe các ý kiến phát biểu, tiếp thu kinh nghiệm của các đơn vị để vận dụng trong quá trình xây dựng đơn vị mình...”. Người cha của Đào Duy Tân là Trung tướng Đào Duy Minh, thời điểm đó là Thiếu tướng, Chính ủy Quân khu 5, đại biểu của quân khu dự đại hội. Mấy tháng trời, hai cha con mới có dịp gặp nhau tại đại hội".
Đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành...”. Đối với gia đình Trung tướng Đào Duy Minh cũng vậy, hai người con trai của ông bà đều chọn con đường binh nghiệp của cha mẹ, con trai cả là Trung tá Đào Duy Tân, hiện là Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2; con trai út là Thiếu tá Đào Tiến Tân, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 575 (Quân khu 5).
Có thể nói, tình yêu và cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Đào Duy Minh bình dị như “Khúc quân hành lặng lẽ”, là “bản tình ca người lính” mãi ngân vang...
PHAN TIẾN DŨNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/khuc-quan-hanh-lang-le-692453