“Một trong những chiến công nổi bật của Trung đoàn 1 (còn gọi là Đoàn Bình Giã), thuộc Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là bí mật cơ động, vượt sông Sài Gòn, cắt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch đánh thẳng vào Biệt khu Thủ đô ngụy, bắt sống tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh biệt khu và toàn bộ sĩ quan thuộc quyền, cắm lá cờ đỏ sao vàng trên nóc Biệt khu Thủ đô ngụy trưa ngày 30-4-1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Buổi giáo dục truyền thống của Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1). |
Đó là một phần nội dung trong buổi giáo dục truyền thống của Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1), do Trung úy Vũ Tú Anh, Chính trị viên đại đội đảm nhiệm. Quá trình lên lớp, anh nêu nhiều câu hỏi liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để chiến sĩ thảo luận, bổ sung kiến thức về truyền thống vẻ vang của Đoàn Bình Giã anh hùng. Binh nhì Nguyễn Quyền Quý, chiến sĩ Trung đội 9, Đại đội 11, bày tỏ: “Sau hơn 2 tháng được học tập, rèn luyện tại Đoàn Bình Giã, tôi đã hiểu hơn về những chiến công của các thế hệ cha anh, nhất là trong đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây chính là động lực để tôi không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống của trung đoàn anh hùng”.
Chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 1) luyện tập cơ động... |
... và thực hành tiêu diệt mục tiêu địch. |
Tại thao trường của Tiểu đoàn 2, cái nắng gay gắt cuối mùa khô trên vùng đất miền Đông Nam Bộ không làm giảm ý chí, tinh thần hăng say luyện tập của các chiến sĩ trẻ. Với đề mục Trung đội bộ binh tiến công địch trong công sự, sau hồi còi và khẩu lệnh “Bắt đầu tập”, những bước chân cơ động thoăn thoắt vượt qua cửa mở, lợi dụng địa hình, địa vật chiếm lĩnh vị trí chiến đấu thuận lợi, an toàn, đồng loạt nổ súng tiến công địch. Binh nhất Nguyễn Công Minh, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2), tâm sự: “Trong bài giáo dục chính trị, truyền thống, chúng tôi được nghe chỉ huy đơn vị nhấn mạnh tinh thần tiến công “táo bạo, thần tốc” của Đoàn Bình Giã trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi vô cùng tự hào được là chiến sĩ của Đoàn Bình Giã và tự nhủ phải học tập, tiếp nối tinh thần tiến công ấy góp phần rèn luyện bản lĩnh, nghiệp vụ quân sự đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống”.
Phút giải lao trên thao trường của chiến sĩ trẻ Trung đoàn 1. |
Phút giải lao trên thao trường cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ cùng ôn lại những chiến công của đơn vị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và quây quần ca hát, vui chơi thư giãn dưới bóng cây râm mát. Những câu chuyện về ngày 30-4 năm ấy, hòa cùng tiếng đàn, câu hát như làm dịu đi cái nắng oi ả của ngày hè nóng bức, nâng cao tinh thần hăng say rèn luyện bản lĩnh, nghiệp vụ quân sự của toàn đơn vị. Chỉ huy đại đội giải đáp tỉ mỉ cho các chiến sĩ về 5 cánh quân tiến vào nội đô Sài Gòn và thời khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…
Đội hình của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 1) cơ động về doanh trại sau 1 ngày huấn luyện. |
Trời chiều ngả bóng, buổi học trên thao trường kết thúc. Sau một ngày huấn luyện, học tập, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Bình Giã trở về doanh trại, tiếp tục hoạt động giờ thứ tám, tăng gia sản xuất, đọc sách báo tại phòng Hồ Chí Minh.
Giờ thứ 8, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1) đọc sách, báo tại phòng Hồ Chí Minh. |
Trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng ngày toàn thắng, Thượng tá Đặng Vũ Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 1 – Đoàn Bình Giã, nhấn mạnh: “Những chiến công, sự trưởng thành, truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu được đổi bằng xương máu của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ mãi mãi trở thành niềm tự hào, nguồn sức mạnh và là tài sản vô giá của trung đoàn. Phát huy truyền thống và những chiến công đó, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn không ngừng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ”.
THÀNH CƯỜNG ĐÔNG/qdnd.vn