Triển khai Nghị quyết số 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học-công nghệ (KHCN) và môi trường trong quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chủ động định hướng nghiên cứu, nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tạo được nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng và kinh tế-xã hội.
Giới thiệu về thiết bị gây tải xung đánh giá mặt đường ô tô, sân bay, Đại tá, TS Cao Chu Quang, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt cho biết, đây là một trong những sản phẩm do tập thể Bộ môn Cầu đường-Sân bay nghiên cứu lắp đặt tại phòng thí nghiệm, phục vụ thí nghiệm, nghiên cứu và giảng dạy của viện. Gần 10 năm (2013-2022), viện được trên quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu KHCN, trong đó có 2 dự án đầu tư, xây dựng mới phòng thí nghiệm kết cấu công trình và môi trường; 1 dự án đầu tư chiều sâu phòng thí nghiệm địa kỹ thuật.
Quá trình triển khai công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở kỹ thuật, viện phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ môn, trung tâm, cán bộ, giảng viên nghiên cứu, lựa chọn trang thiết bị công nghệ, bảo đảm đúng quy trình, đáp ứng các hướng phát triển học thuật của viện. Nhờ đó, các phòng thí nghiệm chuyên ngành của viện đều có trang thiết bị tiên tiến, tiêu biểu như phòng thí nghiệm công trình đặc biệt, địa kỹ thuật, cầu đường, môi trường... Từ năm 2013, viện đăng ký xây dựng và hoàn thành phòng thí nghiệm được đánh dấu LAS số 1035 để thực hiện một số thí nghiệm kiểm định chất lượng công trình; phòng thí nghiệm công nghệ địa hình được công nhận đạt chuẩn ISO 17025...
Cán bộ, giảng viên Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Học viện Kỹ thuật Quân sự trao đổi học thuật tại phòng thí nghiệm. |
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, viện tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nguồn lực chính trong xây dựng tiềm lực KHCN và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Hiện nay, viện được giao đào tạo 7 chuyên ngành đại học, 5 chuyên ngành cao học và 2 mã ngành đào tạo tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của viện cơ bản có trình độ sau đại học, với hơn 55% là tiến sĩ, 13% có học hàm phó giáo sư. Từ năm 2013 đến nay, viện có 25 giảng viên trẻ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó có 14 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài. Phát huy thế mạnh về đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao, viện triển khai nhiều hoạt động học thuật phong phú, tăng cường sử dụng ngoại ngữ, thành lập và duy trì các câu lạc bộ tiếng Anh, nhóm tiến sĩ trẻ, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên nghiên cứu, biên soạn tài liệu, nâng cao chất lượng giảng dạy, tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu KHCN các cấp.
“10 năm qua, Đảng ủy, chỉ huy viện lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị bám sát các hướng hiện đại hóa quân đội, dự án, chương trình KHCN lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương... Cán bộ, giảng viên của viện chủ trì và tham gia 8 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước; 3 đề tài thuộc Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED), 12 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp ngành và gần 100 đề tài cấp học viện. Trong số đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, viện còn có nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với Cộng hòa Séc; 5 nhiệm vụ cấp nhà nước và cấp bộ theo hướng môi trường. Các đề tài, nhiệm vụ KHCN đều được triển khai đúng tiến độ, chất lượng tốt”, Đại tá, PGS, TS Vũ Ngọc Quang, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt khẳng định.
Nhiều đề tài bước đầu tạo được sản phẩm định hướng, sản xuất loạt “O”, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, như các bộ công sự dã chiến bằng composite, tôn sóng, khung thép phủ vải... Qua thử nghiệm, đánh giá nghiệm thu, các sản phẩm này có trọng lượng nhẹ, thời gian triển khai nhanh. Viện còn triển khai đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc trạng thái kỹ thuật kết cấu công trình DKI mới, dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh công tác nghiên cứu, viện chú trọng hoạt động tư vấn và dịch vụ KHCN; tham gia đề xuất, triển khai các dự án, chương trình điều tra tài nguyên môi trường biển, đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các dự án lớn ĐTB13, TS15, DK, đề án quy hoạch trận địa phòng không quốc gia... của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
Phục vụ công tác đào tạo và xây dựng tiềm lực KHCN, viện chú trọng việc nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu, sách hướng dẫn, chuyên khảo. 10 năm qua, cán bộ, giảng viên chủ trì, tham gia biên soạn 18 giáo trình, tài liệu; công bố 621 bài báo khoa học trong vòng 5 năm (2017-2022), bao gồm 90 bài báo đăng trên các tạp chí có chỉ số ISI, Scopus; xuất bản 7 chuyên san khoa học với 4 chuyên san bằng tiếng Anh... 100% cán bộ, giảng viên của viện đều tham gia hoạt động nghiên cứu KHCN; giảng viên trình độ tiến sĩ hằng năm đều có ít nhất 1 bài báo, công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Những kết quả trên là cơ sở khẳng định chất lượng đào tạo, nghiên cứu KHCN của viện ngày càng nâng cao, phát triển toàn diện và chủ động định hướng nghiên cứu, tạo nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng và kinh tế-xã hội.
HƯƠNG HỒNG THU/qdnd.vn