Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng

Thứ 5, 09.06.2022 | 08:14:44
1,179 lượt xem

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi sâu sắc về mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới, dựa trên các thành tựu đột phá khoa học và công nghệ (KHCN) như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán lượng tử (quantum computing), người máy (robotics), sinh học tổng hợp (synthetic biology), khoa học vật liệu (materials science) và một số lĩnh vực KHCN khác.

Việc ứng dụng các thành tựu KHCN của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng tạo ra những hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thế hệ mới với tính năng vượt trội, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, phương thức tác chiến và huấn luyện mới.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động quân sự, quốc phòng trên thế giới

Ứng dụng các cảm biến kết hợp truyền nhận thông tin thời gian thực, xử lý dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo ra sự chuyển đổi mang tính đột phá trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động quân sự. Các công nghệ này giúp tăng cường khả năng, tốc độ xử lý, mức độ tự động hóa và độ chính xác của các hệ thống VKTBKT.

Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, người máy sẽ tác động rất lớn đến các quyết định trong chiến đấu. Khi các hệ thống VKTBKT được trang bị những công nghệ này, các quyết định hoặc những tư vấn ra quyết định sẽ diễn ra rất nhanh giúp tạo nên những lợi thế nhất định trên chiến trường, rút ngắn không gian, thời gian. Các quốc gia đã và đang chạy đua để sử dụng những khả năng này nhằm tạo ra những lợi thế mà chúng có thể mang lại.

Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng
Giờ học thực hành trên khí tài II-19 của học viên chuyên ngành radar tại Học viện Phòng không-Không quân. Ảnh: TIẾN CƯỜNG. 

Các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ giúp các quốc gia thay đổi phương thức tổ chức trang bị, họ có thể chuyển từ số lượng nhỏ các hệ thống vũ khí “tinh vi” đắt tiền hiện nay sang các loại vũ khí nhỏ hơn, thông minh hơn và rẻ hơn, đặc biệt là hàng loạt máy bay không người lái tự động với sức công phá rất lớn. Các hệ thống vũ khí mới tích hợp công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thể hiện được tính ưu việt trên chiến trường qua các cuộc xung đột quân sự gần đây trên thế giới. Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh 2020 giữa Armenia và Azerbaijan với thắng lợi của Azerbaijan, chủ yếu dựa vào các UAV với sự tích hợp công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra cũng cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của UAV, robotics và các vũ khí chính xác công nghệ cao.

Bằng việc ứng dụng các thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một số quốc gia đã tạo ra nhiều hệ thống vũ khí mới, bao gồm: Vũ khí năng lượng dẫn đường (directed energy weapons), các loại đạn siêu vận tốc (hyper-velocity projectiles) và các tên lửa siêu vượt âm (hypersonic missiles). Việc tích hợp công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào vũ khí truyền thống tạo ra các hệ thống vũ khí mới với tốc độ, khoảng cách và lực phá hủy khó có thể tưởng tượng so với các vũ khí trước đây.

Ứng dụng các thành tựu KHCN của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp cho việc hình thành, phát triển “người lính bộ binh 4.0”. Đó là những người lính được hỗ trợ không chỉ bởi các loại vũ khí bộ binh thông minh (như chiến binh robot, máy bay không người lái, vũ khí có sức sát thương lớn, trang bị kính ngắm chính xác hơn...) mà còn được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc cá nhân kết nối các hệ thống thông minh; các phương tiện trinh sát, kiểm soát chiến trường như các hệ thống quang điện tử thế hệ mới cho người lính; các loại cảm biến sức khỏe (các chỉ số sinh tồn), cảm biến môi trường (phát hiện chất độc, phóng xạ...) giúp bảo vệ, nâng cao hiệu quả chiến đấu và khả năng sống sót trên chiến trường của người lính. Nhiều cường quốc trên thế giới đã triển khai các chương trình “người lính bộ binh 4.0” của mình, như: Hệ thống chiến đấu cá nhân Land Warrior (Hoa Kỳ); thiết bị và liên lạc tích hợp cho bộ binh FELIN (Pháp); thiết bị công nghệ cao cho đội quân Ratnik (Nga); hệ thống FIST (Anh); hệ thống người lính tương lai Gladius (Đức); hệ thống chiến tranh cá nhân ISW Titan (Ba Lan).

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mô phỏng, thực tế ảo trong công tác huấn luyện lực lượng vũ trang cũng như sử dụng thiết bị mô phỏng trong huấn luyện mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm nguồn lực, nâng cao tính an toàn, cho phép huấn luyện không phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết, môi trường, nâng cao tính sẵn sàng và thời gian luyện tập. Với sự phát triển mạnh mẽ của phần cứng, các hệ thống siêu máy tính, công nghệ IoT và thiết kế phân lớp dữ liệu, hệ thống mô phỏng trong tương lai sẽ tiếp tục được phát triển mà không bị giới hạn bởi các yếu tố thực/ảo/giới hạn địa lý. Việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để huấn luyện chiến đấu tổ nhóm. Hệ thống MotionReality giúp người lính có thể cầm vũ khí, tự do di chuyển trong không gian ảo, phối hợp với đồng đội để tiêu diệt mục tiêu.

Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng
Thượng tướng Lê Huy Vịnh kiểm tra công tác sản xuất, sửa chữa tại Nhà máy Z133 (Tổng cục Kỹ thuật), ngày 31-5-2022. Ảnh: NGUYỄN BẰNG. 

Yêu cầu hiện đại hóa và tác chiến trong tình hình mới của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nếu xảy ra, sẽ là chiến tranh công nghệ cao, với nhiều loại vũ khí hiện đại, độ chính xác cao, được điều khiển từ xa, có tính tự động hóa cao, trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Phương tiện trinh sát thông minh, không người lái, người máy sẽ thay thế người lính đảm nhiệm một số nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài chiến tranh công nghệ cao mang tính hủy diệt về mặt vật lý, một hình thái chiến tranh không kém phần khốc liệt đó là cuộc chiến tranh thông tin, tác chiến trên không gian mạng. Để ngăn ngừa hoặc chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, cần tăng cường việc ứng dụng các thành tựu KHCN của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra các hệ thống vũ khí và phương thức tác chiến phù hợp chống lại chiến tranh công nghệ cao của đối phương.

Đảng ta đã nhận định, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn. Các nước lớn có thể sử dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để chi phối, can thiệp vào hệ thống kinh tế, chính trị của các nước khác. Các nước đang phát triển, nếu không tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ngày càng tụt hậu và phụ thuộc vào các nước lớn. Đảng cũng đã xác định xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Việc một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng dụng các thành tựu KHCN của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại sẽ phải được trang bị các hệ thống tự động hóa chỉ huy (C5ISR) trong đó bao gồm các thành phần thu thập thông tin, như: UAV, quang điện tử, radar, vệ tinh...; hệ thống truyền nhận thông tin tốc độ cao, thời gian thực; hệ thống xử lý thông tin dữ liệu lớn, thông minh, cung cấp thông tin hỗ trợ giúp cho người chỉ huy và tất cả người lính đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Cùng với hệ thống tự động hóa chỉ huy, các hệ thống vũ khí công nghệ cao cũng cần được nghiên cứu và đưa vào trang bị đồng bộ như UAV cảm tử hoạt động bầy đàn, UAV mang vũ khí tấn công, các loại vũ khí trường điện từ, vũ khí laser, các loại vũ khí tầm gần có mức độ tự động hóa hoàn toàn, các hệ thống tên lửa tốc độ trên âm, siêu âm thông minh, sử dụng kết hợp nhiều phương pháp dẫn đường điều khiển để tăng độ chính xác và xác suất tiêu diệt mục tiêu... Trong bối cảnh thế giới biến đổi phức tạp, khó lường và phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để thúc đẩy ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng này trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cần nghiên cứu và thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trên thế giới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội nên việc nâng cao nhận thức trong toàn quân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng thành tựu KHCN của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hiện đại hóa quân đội. Việc ứng dụng thành công các thành tựu KHCN của Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần quan trọng rút ngắn khoảng cách về VKTBKT công nghệ cao, sức mạnh quân sự của Việt Nam so với các nước có nền kinh tế và KHCN tiên tiến.

Thứ hai, tăng cường nguồn lực thúc đẩy phát triển KHCN và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quân sự, quốc phòng. Tập trung đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và làm chủ một số hệ thống VKTBKT công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược đối với việc phòng thủ đất nước. Để thực hiện được điều này, cần huy động nguồn lực của cả khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp; có cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng.

Thứ ba, đẩy mạnh hiện đại hóa và thông minh hóa các hệ thống VKTBKT hiện có trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam; tăng cường ứng dụng các công nghệ, như: Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, cảm biến và các công nghệ khác của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quân sự, quốc phòng. Đầu tư phát triển các trung tâm dữ liệu và xử lý dữ liệu quân sự, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm VKTBKT hiện đại đối với các công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện trên cơ sở ứng dụng các thành tựu KHCN của Cách mạng công nghiệp 4.0. Các quân chủng, binh chủng, lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam cần xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn cho việc chuyển đổi số, ứng dụng KHCN của Cách mạng công nghiệp 4.0 như các phòng tập ảo, môi trường ảo trong công tác huấn luyện quân sự; tăng cường sự phối hợp giữa các quân chủng, binh chủng, lực lượng với các doanh nghiệp quốc phòng cho các sản phẩm Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng, đánh giá và hoàn thiện thông qua công tác huấn luyện, diễn tập quân sự.

Ứng dụng thành tựu KHCN của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và quân sự, quốc phòng là xu thế phát triển tất yếu trên thế giới. Để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, Quân đội nhân dân Việt Nam cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nghiên cứu, phát triển VKTBKT mới tích hợp công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như trong các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.


Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ung-dung-thanh-tuu-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-trong-linh-vuc-quan-su-quoc-phong-696750

  • Từ khóa