LTS: Tại Tọa đàm “Thanh niên quân đội xung kích rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy và bảo đảm an toàn” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội tổ chức ngày 15-6, các ý kiến đều tập trung khẳng định:
Việc xây dựng chính quy, duy trì kỷ luật, bảo đảm an toàn trong các cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; trong đó, thanh niên quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích đăng một số tham luận về nội dung này.
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:
Tính kỷ luật là bản chất, truyền thống của Quân đội ta
Kỷ luật của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là những nguyên tắc, quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, được cụ thể hóa thành điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định, bảo đảm định hướng, thống nhất mọi hoạt động của quân nhân. Đó thực chất là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương, điều lệ của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Nhắc đến kỷ luật của quân đội là nói đến sự tuân thủ có tính bắt buộc của quân nhân đối với mọi quy định của tổ chức, là sự phục tùng vô điều kiện mệnh lệnh của cấp trên trong mọi tình huống. Rèn quân chính là rèn tính tuân thủ để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội có nền nếp và luôn thường trực ý thức chấp hành kỷ luật, quy định trong mọi hoạt động của mình. Như vậy, sự tuân thủ, tính bắt buộc được coi như một yêu cầu trong kỷ luật quân đội...
Kỷ luật trong quân đội là sự tuân thủ, song đối với QĐND Việt Nam, yêu cầu tuân thủ, chấp hành mệnh lệnh không mâu thuẫn với việc thực thi dân chủ. Trong tư tưởng chỉ đạo xây dựng QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhấn mạnh mối quan hệ giữa chấp hành, giữ nghiêm kỷ luật với thực hành dân chủ trong mọi sinh hoạt, hoạt động của quân đội. Kỷ luật trong QĐND Việt Nam thể hiện rõ bản chất của một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là nhân tố tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động; tạo nên sức mạnh của “đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất và đội quân công tác”.
QĐND Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, do đó, bản chất kỷ luật của Quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng, là kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh... Tính kỷ luật là bản chất, truyền thống của Quân đội ta, là nhân tố tạo nên sức mạnh chiến thắng của QĐND Việt Nam, là một trong những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Vì vậy, mỗi quân nhân phải không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật mọi lúc, mọi nơi và trong mọi nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh; cần đặt ra kế hoạch tự rèn luyện một cách toàn diện cả về nhận thức, thái độ, hành động, ý chí quyết tâm phấn đấu...
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: MINH PHONG |
Thiếu tướng NGUYỄN BÁ THÔNG, Phó chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị:
Một số kinh nghiệm bồi dưỡng kỹ năng quản lý tư tưởng cho học viên
Từ thực tiễn quá trình bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý tư tưởng cho học viên cho thấy, cần tổ chức có hiệu quả các hoạt động công tác tư tưởng ở nhà trường, coi đó là bài học mẫu để bồi dưỡng kỹ năng. Ví dụ, Trường Sĩ quan Chính trị triển khai thực hiện mô hình “Xử trí tình huống tư tưởng, pháp luật, kỷ luật”. Theo đó, hằng tháng, Phòng Chính trị tổng hợp, thông báo các vụ việc vi phạm kỷ luật ở đơn vị cơ sở trong toàn quân trên Chuyên mục "Học tập chính trị", Cổng thông tin điện tử của nhà trường (dưới hình thức tưởng định, đã thay đổi tên cá nhân, phiên hiệu đơn vị). Các đơn vị tổ chức cho học viên tiếp nhận tình huống và tự nghiên cứu, phân tích, nhận định, đánh giá từng vụ việc về tính chất, mức độ, nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết. Thông qua hoạt động trên đã góp phần rèn luyện, nâng cao kỹ năng công tác quản lý tư tưởng theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo và là hành trang, cẩm nang tiến hành hoạt động công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở cho học viên.
Ngoài ra, cần tổ chức tốt các hoạt động thực hành, thực tập để bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý tư tưởng cho học viên. Quan trọng là phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong tự học tập, tự bồi dưỡng kỹ năng tiến hành quản lý tư tưởng. Đây là kinh nghiệm đặc biệt quan trọng, bởi tự học tập là biện pháp cơ bản để mỗi người không ngừng tiến bộ. Nhà trường đã tập trung làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho học viên, giúp mỗi học viên nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong quá trình tự học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng tiến hành quản lý tư tưởng.
Cùng với đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị đã quan tâm giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên trong quá trình tự học tập, tự bồi dưỡng kỹ năng. Trên cơ sở nắm chắc tình hình học viên, nhất là về năng lực tiến hành công tác tư tưởng, xác định rõ yêu cầu đối với việc tự học tập, tự bồi dưỡng; quy định thành chế độ, nền nếp, đồng thời hướng dẫn, tổ chức cho học viên thực hiện việc tự học, tự bồi dưỡng một cách nghiêm túc, khoa học; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tăng cường các điều kiện bảo đảm cho quá trình tự học tập, tự bồi dưỡng kỹ năng tiến hành quản lý tư tưởng...
----------------
Đại tá DƯƠNG QUỐC TOẢN, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội:
Chủ động phòng ngừa những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội
Các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đóng quân chủ yếu trên địa bàn đô thị đông dân cư; đặc điểm môi trường xã hội tác động rất lớn đến đời sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội như: Ma túy, cờ bạc, game online... và nhiều hình thức khác, bởi Hà Nội là nơi các loại tệ nạn, tội phạm thường tìm đến. Bên cạnh đó, thành phần tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị đa dạng, khác nhau về nhiều mặt. Nếu không làm tốt công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật thì nguy cơ cán bộ, chiến sĩ vi phạm sẽ cao.
Đảng ủy, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã vận dụng và tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, từ đó đúc kết thành một số bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý tư tưởng, kỷ luật. Đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp về yêu cầu và sự cần thiết trong công tác lãnh đạo quản lý tư tưởng, kỷ luật của quân nhân. Biện pháp thứ hai là đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, đa dạng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là nội dung quan trọng, giữ vai trò cơ sở, nền tảng để cán bộ, chiến sĩ được sinh sống, học tập, công tác trong bầu không khí dân chủ, cởi mở, thực sự là môi trường rèn luyện lý tưởng cho thanh niên.
Đặc biệt, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiến hành tốt công tác theo dõi, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ và nâng cao chất lượng công tác dân vận gắn với bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng. Xuất phát từ tính chất đa dạng, phức tạp của đời sống, môi trường đô thị hóa ngày càng cao, tác động của những mặt trái đời sống xã hội ngày càng sâu rộng và rõ nét, đòi hỏi phải tiến hành chặt chẽ công tác bảo vệ an ninh nội bộ thông qua theo dõi, dự báo những nguy cơ, mối đe dọa ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan, đơn vị để chủ động phòng ngừa hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc vi phạm, không để bị động, bất ngờ.
-------------------
Đại tá NGUYỄN XUÂN HIỀN, Phó chính ủy Sư đoàn 312, Quân đoàn 1:
Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý bộ đội
Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả trong quản lý, giáo dục và rèn luyện bộ đội. Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện bộ đội; quản lý chặt chẽ về quân số, tư tưởng và tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật; cử cấp ủy viên theo dõi, nắm bắt, đề xuất biện pháp quản lý, duy trì kỷ luật, xây dựng chính quy.
Trong quản lý bộ đội, công tác giáo dục chính trị, nắm, quản lý và giải quyết tốt tình hình tư tưởng được đặt lên hàng đầu. Công tác tư tưởng được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các cơ quan, đơn vị, bằng nhiều nội dung, hình thức, cách làm thiết thực, cụ thể, sáng tạo; gắn giáo dục với tổ chức các hoạt động thực tiễn, đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống cán bộ, chiến sĩ. Sư đoàn phát huy vai trò của tổ tư vấn, trợ giúp tâm lý, sức khỏe, pháp luật nhằm kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ để kịp thời tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy các cấp giải quyết, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, tin tưởng vào đơn vị.
Sư đoàn không ngừng nâng cao chất lượng tuyển quân, bảo đảm "tuyển người nào, chắc người đó"; không để công dân không đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, sức khỏe nhập ngũ vào đơn vị. Thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá và quản lý chặt chẽ quân số, tình hình tư tưởng và chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đơn vị. Các cấp ủy, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ; đột phá vào nâng cao năng lực quản lý bộ đội, nhất là đối với cán bộ cấp đại đội trở xuống là đối tượng thường xuyên, trực tiếp chỉ huy chiến sĩ. Đơn vị còn làm cuốn “Cẩm nang dành cho tiểu đội trưởng” để hướng dẫn cách nắm bắt tình hình tư tưởng, xử lý một số tình huống thường gặp nhằm kịp thời ngăn ngừa chiến sĩ vi phạm kỷ luật...
Cùng với đó, chúng tôi phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong đơn vị, đặc biệt là đoàn thanh niên trong việc tổ chức các hoạt động, phong trào, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, làm cho cán bộ, chiến sĩ cảm nhận được sự quan tâm của các cấp, coi đơn vị như nhà mình, vơi nỗi nhớ gia đình và tích cực phấn đấu, rèn luyện...
------------------
Thượng tá PHẠM KHOA NAM, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân:
Quan tâm chăm lo cho bộ đội, xây dựng môi trường văn hóa
Lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chiếm gần 70% quân số của Quân chủng Hải quân, phần lớn làm nhiệm vụ trên các đảo, nhà giàn, đài, trạm, trên các tàu trực và có vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Đây cũng là lực lượng dễ bị tác động bởi những tiêu cực xã hội, dẫn tới vi phạm kỷ luật. Bởi vậy, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và tổ chức đoàn các cấp ở Quân chủng Hải quân luôn chủ động triển khai nhiều biện pháp để giáo dục, rèn luyện, làm chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy cho cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN; nhất là làm tốt việc kết hợp quản lý tư tưởng, kỷ luật với xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh.
Theo đó, đối với các bộ phận làm nhiệm vụ nhỏ lẻ, các tàu hoạt động dài ngày trên biển phải làm việc, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, đơn vị chủ động, linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức tiến hành quản lý tư tưởng, kỷ luật. Trong đó chú trọng vai trò của cán bộ trong chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN; luôn gần gũi, sâu sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, giải quyết thấu tình đạt lý những vấn đề anh em quan tâm; xây dựng mối đoàn kết, gắn bó, tạo nếp sống đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh để cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN gửi gắm tình cảm, niềm tin, yên tâm công tác, xây dựng đơn vị. Dù đóng quân độc lập, ở nơi đảo xa nhưng chỉ huy các đơn vị luôn duy trì nghiêm chế độ, nền nếp, nhất là chế độ ngày, tuần; thực hiện giờ nào việc nấy, làm việc theo đúng thời gian, kế hoạch đã xác định.
Bên cạnh đó, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN đăng ký thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử; cam kết không vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị; phát huy tốt hiệu quả hệ thống truyền thanh nội bộ, pa nô, khẩu hiệu, bảng ảnh, tủ sách pháp luật, thực hiện hiệu quả các mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”; “Mỗi tuần học một điều luật”; “Tổ tư vấn pháp lý”... Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN được trang bị kiến thức pháp luật và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xử trí các tình huống đúng đối sách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
------------------
Trung sĩ QUÁCH TRUNG SƠN, Tiểu đội trưởng, Trung đội Vệ binh, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 (Binh chủng Đặc công):
Để chiến sĩ tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật thì cán bộ cần phải gương mẫu
Gần hai năm thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị, tôi nhận thấy, để có kỷ luật nghiêm thì đòi hỏi tính tự giác trong chấp hành phải cao. Tính tự giác cao trong chấp hành kỷ luật giúp bản thân sống có nền nếp, có kế hoạch, biết tôn trọng, biết điều chỉnh, biết lắng nghe, có phong thái chững chạc trong quan hệ với đồng chí, đồng đội, biết loại bỏ những gì không phù hợp để vừa tốt cho chính mình vừa tốt cho đồng đội và đơn vị...
Theo tôi, để có tính tự giác rèn luyện, khép mình vào kỷ luật, trước hết, chiến sĩ phải quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của các cấp về chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Nhất là phải ghi nhớ và thực hiện đúng 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân và chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện triệt để các quy tắc, quy định bảo đảm an toàn; chống mọi biểu hiện vô ý thức tổ chức kỷ luật, tự do, tùy tiện. Đồng thời, mỗi chiến sĩ phải ra sức phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; có ý chí quyết tâm cao, ý thức tập thể, dân chủ, đoàn kết, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong và ngoài đơn vị. Bên cạnh đó, cần có trách nhiệm vận động, góp ý với đồng chí, đồng đội để cùng thực hiện tốt các chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật.
Điều quan trọng để chiến sĩ tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và thực hiện đúng các chế độ, nền nếp chính quy là đội ngũ cán bộ các cấp cần phải gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấp hành và duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, quy định của quân đội, đơn vị; nói đi đôi với làm, làm có hiệu quả để cấp dưới học tập, làm theo. Đồng thời, chỉ huy đơn vị phải thường xuyên gần gũi, quan tâm chia sẻ, động viên chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chiến sĩ cá biệt hoặc làm nhiệm vụ ở những nơi vất vả, gian khổ; tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, giúp chiến sĩ có môi trường, điều kiện tốt để phấn đấu rèn luyện, đồng thời vơi nỗi nhớ nhà, yên tâm công tác và gắn bó với đơn vị...
Theo qdnd.vn