Sức trẻ nơi vùng khó

Thứ 4, 06.07.2022 | 14:33:58
557 lượt xem

Công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, với nhiệt huyết và sức trẻ, những năm qua, cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) các đoàn kinh tế-quốc phòng (KT-QP) thuộc Quân khu 5 luôn ngày đêm nỗ lực, khắc phục khó khăn, mang trí tuệ, sức trẻ góp phần cùng các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương giúp nhân dân nâng cao dân trí, từng bước ổn định cuộc sống.

Điểm tựa của đồng bào

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 207, ở xã La Dêê (Nam Giang, Quảng Nam). Vượt hơn 20km, chị Zơ Râm Thị Lưu ở xã Chơ Chun (Nam Giang) trên vai gùi đầy ngô, chuối đến tìm gặp bằng được Thượng úy, bác sĩ Đặng Ngọc Dũng, bệnh xá trưởng để cảm ơn. Nắm chặt tay bác sĩ Dũng, chị Zơ Râm Thị Lưu nói như reo: “May quá gặp được rồi. Muốn đến cảm ơn bộ đội Dũng lâu rồi nhưng do đường xa, phải lo nương rẫy, nay mình mới đến được. Mình biết ơn bộ đội Dũng nhiều lắm!”.

Sức trẻ nơi vùng khó
Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó chính ủy Quân khu 5 gặp gỡ, động viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207.

Chuyện là, một đêm cách đây hai năm trước, bệnh xá quân dân y tiếp nhận bệnh nhân nữ có biểu hiện đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, Thượng úy, bác sĩ Đặng Ngọc Dũng phát hiện bệnh nhân mang thai tuần thứ 12 và chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Anh lập tức tiến hành các biện pháp sơ cứu, báo cáo ngay chỉ huy đoàn cho xe chuyển lên tuyến trên cứu chữa kịp thời. Sau khi được điều trị, đến nay, con trai chị Zơ Râm Thị Lưu đã chập chững biết đi và bi bô gọi mẹ.

Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp được các y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 207 hỗ trợ, giúp đỡ. Do vậy, những buồng chuối hay mấy bắp ngô nếp mới thu hoạch, được bà con cẩn thận gùi đến tặng các bác sĩ của bệnh xá, không chỉ thể hiện sự biết ơn, lòng cảm kích của người dân với bộ đội mà còn toát lên tình cảm quân dân sâu đậm nơi miền biên viễn. Nhớ lại thời điểm nhận nhiệm vụ lên công tác vùng cao năm 2019, bác sĩ Đặng Ngọc Dũng bộc bạch: “Hồi đó, em chưa biết Đoàn KT-QP 207 là gì, ở đâu. Khi nhận nhiệm vụ cũng có chút lo lắng, không biết mình có hoàn thành nhiệm vụ không. Song em nghĩ, ở đâu cũng phải thực hiện nhiệm vụ, mình còn trẻ, phải xông pha để trải nghiệm, để cống hiến và trưởng thành”.  

Tại bệnh xá của Đoàn KT-QP 737 (Ea Súp, Đắc Lắc), nhờ hiểu sâu, nắm kỹ phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào, các y sĩ, bác sĩ đã từng bước tác động thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân; nhất là kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trước đây, mỗi khi có bệnh, đồng bào người Thái thường mời thầy mo, thầy cúng đến nhà giết gà, mổ lợn để làm phép, bùa đuổi con “ma bệnh” ra khỏi người. Điển hình như năm 2020, chàng trai người dân tộc Thái, Hà Văn Thuần ở thôn Lầu Nàng, xã Ia Lốp bị sốt rét nặng, nhưng gia đình không chịu lấy thuốc điều trị mà tìm đến thầy cúng “đuổi bệnh”. Sau lần được các y sĩ, bác sĩ bệnh xá trực tiếp đến nhà thăm khám, cấp thuốc điều trị khỏi bệnh, anh Thuần còn là một người tuyên truyền tích cực giúp bà con bỏ các hủ tục lạc hậu.

Ngoài việc tích cực thăm khám, cấp thuốc cho quân và dân trên địa bàn, những “lương y” của các đoàn KT-QP còn tham gia hỗ trợ địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe. Bằng tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, họ thực sự là địa chỉ tin cậy của đồng bào nơi phên giậu Tổ quốc.

Giúp dân no ấm, hạnh phúc

Nơi vùng đất còn nhiều gian khó, với khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước, cán bộ, ĐVTN các đoàn KT-QP đã mang đến một luồng sinh khí mới cho đồng bào nơi biên cương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi...

Với trí thức trẻ tình nguyện Lê Hoài Nam (Đoàn KT-QP 737), đây là lần thứ hai anh xung phong ở lại miền đất gian khó này. Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành chăn nuôi, thú y, với mong muốn giúp bà con thoát nghèo, không quản ngại khó khăn, vất vả, ngoài làm tốt công tác chuyên môn ở trại giống của đoàn, anh còn thường xuyên đến từng thôn, bản hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi. Lê Hoài Nam chia sẻ: “Trước đây, bà con chăn nuôi manh mún, chủ yếu chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng vật nuôi, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Tôi muốn đóng góp sức trẻ của mình góp phần nâng cao đời sống của bà con, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Với bà con hai xã biên giới Ia R’vê và Ia Lốp (Ea Súp, Đắc Lắc), các cán bộ, nhân viên Trại giống Đoàn KT-QP 737 chẳng khác nào những chuyên gia nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật chăn nuôi về với địa phương, giúp người dân từng bước thoát nghèo. Chỉ tính riêng năm 2021, mô hình giảm nghèo của Đoàn KT-QP 737 đã giúp 114 hộ thoát nghèo.

Đoàn KT-QP 516 với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tại Khu KT-QP vùng Duyên Hải, Quân khu 5 và các đảo gần bờ thuộc 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Những năm qua, đoàn đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp các địa phương làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Riêng năm 2020, đơn vị phát triển mô hình trồng hoa chất lượng cao tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) với diện tích gần 2ha, giúp chị em phụ nữ tăng thu nhập (khoảng 6,5-7 triệu đồng/người/tháng); biên soạn và trao tặng 800 quyển cẩm nang “Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển” tặng các địa phương trong vùng dự án...

Những cán bộ, đoàn viên, thanh niên như Thượng úy, bác sĩ Đặng Ngọc Dũng hay trí thức trẻ tình nguyện Lê Hoài Nam, cùng với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã và đang xung kích nhận việc khó, cống hiến hết mình cho Tổ quốc và quân đội; đồng thời, kế tục xứng đáng truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/suc-tre-noi-vung-kho-699029

  • Từ khóa